Nhóc ơi, mẹ đợi con về!

03/04/2024 - 18:41

PNO - Chúng vùng vẫy, cố xé rách vỏ bọc để chui ra ngoài. Chúng làm cho ruột gan cha mẹ xót xa, đau đớn. Nhưng không phải tất cả lý do đều vì cha mẹ. Sự vùng vẫy ấy có khi là một bản năng.

Bạn kể, con gái bạn đã lén dọn ra ở riêng. Đã hơn 1 năm, bạn cố gắng liên lạc nhưng con từ chối. Vài ba mối dây cuối cùng với mấy người quen, sau vài lần nhắn tin rồi cũng im lặng. Con cắt đứt mọi liên lạc với gia đình.

Con gái làm bạn đau xé ruột gan mỗi lần nghĩ đến: không biết lúc này con thế nào, đang ở đâu. Bạn vẫn để câu nhắn trên tất cả các trang Facebook, Zalo, Viber của mình: “Nhóc ơi, con có ổn không? Hãy liên lạc với mẹ đi con!”.

Tôi kể bạn nghe chuyện ở xóm tôi hồi đó hay có vụ đám nhỏ mới lớn bị cha mẹ rầy la rồi bỏ nhà đi, có đứa đi mấy bữa tự về, có đứa được cha mẹ đi tìm về, có đứa đi luôn rồi viết thư về. Có một chị tên Yến - con ông Hải - bỏ nhà đi làm cả xóm xôn xao. Vì chị Yến đẹp, 19 tuổi, chị đẹp nhất xóm Trường An. Nhà chị khá giả, chị có 4 ông anh trai ông nào cũng to lớn, dữ dằn. Cô con gái út bị canh chặt cứng.

Hồi đó chưa có điện thoại, chưa có mạng, chị Yến chỉ lo việc đi chợ nấu cơm, lúc đi chợ có người chở đi mua đồ xong có người chở về. Vậy mà rồi chị Yến trốn nhà, bỏ đi một nước, 5, 6 năm không một dòng tin.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Thời nào cũng có những thiếu niên không chấp nhận ở yên trong nhà. Chúng vùng vẫy, cố xé rách vỏ bọc để chui ra ngoài. Chúng làm cho ruột gan cha mẹ xót xa, đau đớn. Nhưng không phải tất cả lý do đều vì cha mẹ. Sự vùng vẫy ấy có khi là một bản năng, như con nhộng phải chui ra khỏi kén, dù cái kén có ấm êm đến mấy.

Trong tâm trí non nớt và mạnh bạo của chúng, không có nhiều trở ngại phía trước mặt, cũng không có mấy đau đớn phía sau lưng. Chúng bước ra vì muốn tìm một cuộc sống mới, muốn tự quyết, muốn có không gian của mình.

Ý nghĩ “con bỏ nhà đi” làm đau lòng cha mẹ, đồng thời cũng làm cho đứa trẻ bị chắn lối quay về. Cách nói ấy ít nhiều định kiến: hoặc đứa con hư hỏng hoặc nhà không phải là tổ ấm. Cả hai đều chưa hẳn chính xác. Thực sự thì nỗi lo lớn nhất của cha mẹ là lo con mình dại dột, lỡ con sa vào bẫy của bọn buôn người, bị dụ dỗ, hành hạ, lỡ con sa cơ lỡ bước mà không có mình bên cạnh. Nhưng cha mẹ đâu thể nào bảo bọc mãi được.

Những đứa trẻ đều phải vượt qua một hành trình cá nhân để trưởng thành. Có những hành trình suôn sẻ, có những hành trình bầm dập. Tất cả tùy vào tính cách và sự chọn lựa của con trong thời khắc khó đoán định trước: thời khắc con nhộng bung kén để chui ra ngoài.

Trước đây, khi con mới bỏ đi, bạn quá sốc, đã gọi cho anh chị ruột ở quê để báo tin. Thay vì bất ngờ và lo lắng cho cháu thì anh chị tỏ ra bình thường, nói bạn cứ để con đi một thời gian rồi nó sẽ về thôi. Phát hiện ra anh chị biết cháu lên kế hoạch ra ngoài sống nhưng lại không nói với bạn, bạn đã vô cùng giận dữ. Giờ thì không còn manh mối nào để hỏi thăm. Không thể nói chuyện với ai, bạn càng nghĩ không ai có thể chia sẻ nỗi đau này.

Tình thương con, có thể là động lực sống của người mẹ, nhưng tình thương ấy cũng có thể làm cho người mẹ chết mòn trong sự dằn vặt khôn nguôi, tự đổ lỗi cho mình trong tất cả những chuyện xảy đến với con. Khi con ở nhà, bạn chỉ mong con tốt hơn mỗi ngày, có la con cũng là muốn con hoàn thiện hơn, bạn chẳng bao giờ nghĩ con có thể nhìn nhận đó như thể hiện lòng ghét bỏ.

Lúc đó, thực sự có nằm mơ bạn cũng không thể tưởng tượng được con uất ức, bị bó buộc vì chính tình thương ấy, đến nỗi phải lén bỏ đi.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Tôi kể bạn nghe chuyện chị Yến - 6 năm sau, chị Yến trở về, có chồng đi cùng, cả nhà ông Hải đã mời lối xóm tới dự bữa tiệc cho vợ chồng con gái ra mắt bà con họ hàng. Nghe nói Yến quen chồng ở Đà Lạt, đủ thấy cô con gái nhỏ bé ấy đã đi xa đến thế nào. Chừng ấy năm, còn cách nào hơn là chấp nhận?

Với bạn lúc này chắc cũng vậy thôi. Cha mẹ cần để ngỏ cánh cửa cho con, khi chuyện con bước ra đi đã thành chuyện cũ; cha mẹ nên hướng tới ngày con muốn trở về. Không như chị Yến xóm tôi ngày trước, lớp trẻ bây giờ không đến nỗi sẩy nhà ra thất nghiệp. Thông tin, liên lạc đã thuận lợi hơn; chúng bước ra đời là có người quen người biết, chúng muốn là có thể gọi điện, nhắn tin cho gia đình; chỉ cần gia đình đón nhận, rồi sẽ đến ngày con trở về.

Tôi chỉ muốn nhắc bạn rằng, bạn không thể chìm đắm mãi trong nỗi buồn lo, tự dằn vặt. Bạn còn 2 đứa con nữa. Những đứa con đang ở cùng bạn lúc này sẽ cảm thấy thế nào khi nhìn bạn thẫn thờ như người mất hồn, nhớ nhớ quên quên, tâm trí chỉ nghĩ đến đứa con xa? Rồi có khi mọi chuyện sẽ lặp lại, bạn sẽ lại phải dằn vặt bản thân vì lỗi của mình.

Bạn tôi ơi, xin hãy chăm sóc ngôi nhà của mình! Hãy để cửa mở, đèn sáng trong nhà ấm áp và hãy tin rằng con sẽ trở về. Bạn vẫn biết ngoài kia sóng gió, vậy đừng để tâm tư mình cũng thành biển động, khắc khoải cồn cào giữa chốn bình yên mà bạn đang ngóng đợi con về.

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI