Nhọc nhằn xóa bỏ định kiến về giáo dục giới tính ở châu Á

06/04/2024 - 06:00

PNO - Lúc thì hết sức cấm kỵ, khi lại quá cởi mởi, giáo dục giới tính (GDGT) luôn là vấn đề tranh cãi ở châu Á.

Zhuo Yueyue (30 tuổi) thành lập trung tâm tư vấn ở Thâm Quyến (Quảng Đông, Trung Quốc) từ năm 2017. Với mong muốn đẩy mạnh chiến dịch phổ biến giáo dục giới tính (GDGT), cô đã mở các hội thảo trực tuyến đầu tiên ở đại lục về chủ đề tế nhị này.

Từng là bác sĩ sản phụ khoa, Zhuo nhận thấy cần phải thúc đẩy GDGT trong nước sau khi gặp nhiều bệnh nhân mang thai ngoài ý muốn, nhiều người trong số đó dưới 18 tuổi. Bản thân Zhuo đã từng 1 lần bị cấp trên ép quan hệ tình dục. Sự việc khiến cô “rất sợ hãi” và đã xin nghỉ việc tại bệnh viện, chuyển đến Thâm Quyến để nghiên cứu và trở thành nhà tư vấn tâm lý, đánh giá và phân tích đời sống tình dục. Các hội thảo do Zhuo tổ chức đang tạo nên những thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.

Các lớp học do Zhuo tổ chức đã thu hút hơn 1.000 người thuộc nhiều lứa tuổi tham gia - Nguồn ảnh: SCMP
Các lớp học do Zhuo tổ chức đã thu hút hơn 1.000 người thuộc nhiều lứa tuổi tham gia - Nguồn ảnh: SCMP

Tại Indonesia, tình trạng bạo lực tình dục vẫn phổ biến ở mức đáng báo động, khiến các sáng kiến về GDGT toàn diện ngày càng trở nên cấp bách. Theo Ủy ban quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Indonesia, đã có 431.471 trường hợp bạo lực đối với phụ nữ được báo cáo vào năm 2019, tăng 6% so với năm 2018.

Dù con số này giảm xuống còn 299.911 vào năm 2020 nhưng bạo lực tình dục vẫn tiếp tục được xem là mối đe dọa đáng kể, cần thiết có các biện pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, bất chấp nhiều nỗ lực nhằm nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về GDGT ở Indonesia, hiện vấn đề vẫn chưa được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường phổ thông. Rào cản chủ yếu vẫn là do sự định kiến của “người lớn” đối với các chủ đề liên quan đến tình dục.

Siti Aishah Hassan Hasri - sáng lập Dự án cộng đồng Spot, đoạt giải Mặt trận nữ giới - là người nỗ lực đưa chương trình GDGT vào các trường tiểu học ở Malaysia. Với cô, đây là một phần sứ mệnh nhằm xóa bỏ sự xấu hổ và kỳ thị xung quanh việc GDGT.

Dù Bộ Giáo dục Malaysia đã có chương trình GDGT từ năm 1982 nhưng chỉ giới hạn ở các nghiên cứu về sinh học và tôn giáo. Hassan Hasri đã xây dựng chương trình của mình dựa trên những bài học quan trọng và những phương pháp hay nhất từ ​​khắp nơi trên thế giới. Chương trình lấy vấn đề kinh nguyệt làm trung tâm, tập trung vào các bé gái, trước khi mở rộng sang giải quyết một loạt các lĩnh vực giáo dục cho cả nam và nữ. Các nhóm tuổi khác nhau sẽ có trải nghiệm các tình huống khác nhau. Ví dụ, phụ nữ nên làm gì khi bạn tình từ chối mang bao cao su?… Kể từ khi thành lập năm 2015, Dự án cộng đồng Spot đã tiếp cận được hơn 30.000 bạn trẻ. “GDGT là thứ còn thiếu, đặc biệt ở Malaysia. Tình trạng đó dẫn đến tỉ lệ có thai ngoài ý muốn vẫn cao, những vụ vứt bỏ, giết trẻ sơ sinh. Bất công là thường chỉ các cô gái bị đổ lỗi cho tất cả những điều này” - Hassan Hasri nói.

Theo Bowie Lam - người sáng lập tổ chức phi chính phủ Teen’s Key chuyên hỗ trợ các phụ nữ trẻ ở Hồng Kông (Trung Quốc) về giới, bình đẳng giới - đã đến lúc phải giải quyết các định kiến xã hội về vấn đề GDGT. Teen’s Key cung cấp các lớp về GDGT, hỗ trợ cho những phụ nữ trẻ về khám sàng lọc, xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục miễn phí. “GDGT toàn diện là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa hành vi nguy cơ cao, bạo lực tình dục, quấy rối tình dục, mang thai ngoài ý muốn, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác” - Lam khẳng định.

Nam Anh (theo JKP, Tatler Asia, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI