Anh Hai tôi bị tật cả hai chân từ nhỏ sau một tai nạn. Bị bạn bè gọi là thằng thọt, anh rất mặc cảm. Từ một cầu thủ nhí trong đội bóng thiếu niên, anh đóng kín cửa phòng, chỉ chịu ra ngoài khi đi học.
May mà có internet. Sự giao tiếp mà người bên kia không nhìn thấy rõ toàn thân mình giúp anh đỡ ngại ngùng. Dần dần anh vượt qua mặc cảm, tự tin kể về bản thân, tập đàn hát, vui vẻ và yêu đời hơn. Như một sự bù trừ, anh giao tiếp thông minh, dí dỏm và hiểu rất nhanh ẩn ý của người đối diện.
Những cuộc trò chuyện của anh em tôi đã đùa vui nhắc tới chị dâu tương lai. Anh hỏi tôi thích chị dâu như thế nào. Nghe như không phải chỉ một mà có nhiều cô cho tôi chọn lựa ai xứng là chị của mình! Internet cho anh cơ hội làm quen khắp nơi.
Là nói vui vậy thôi, từ ngày màn hình máy tính của anh thay ảnh nền là cánh đồng cúc họa mi, tôi biết trái tim anh đã hướng về ai. Sau lưng anh, tôi đọc kỹ trang Facebook của cô gái đứng giữa cánh đồng cúc họa mi, những status cho biết cô thích nấu ăn, trang trí nhà cửa và du lịch bụi. Cô kể về những chuyến cùng bạn bè chạy xe máy rong ruổi trên đường, chuyến đi Đà Lạt cô chọn về nhóm đi bộ lên đỉnh Langbiang chứ không như phần đông du khách chọn thuê xe hơi cho khỏi mỏi chân.
Đến bữa, cô và bạn bè từ chối vào nhà hàng đặc sản mà đốt lửa giữa sân để lùi bắp, lùi khoai và nướng cơm lam. Trang Facebook của cô đầy những hình ảnh phong cảnh thiên nhiên. Status kể về tấm ảnh mặt trời hé mọc giữa trời mây, cô phải leo núi từ bốn giờ sáng giữa mù sương để chờ chụp được cảnh này.
|
Anh mê cô gái có "chân đi" (ảnh minh họa) |
Còn cảnh hoàng hôn mặt trời vừa chạm cuối chân mây tỏa ra vô vàn tia sáng huyền ảo trước khi chìm hẳn thì cô phải bấm máy một trăm lần mới chọn được tấm ảnh như ý. Và vô số hình ảnh dễ thương khác - cô nhô đầu ra khỏi cái lều màu xanh lá cây, cái khăn quàng cổ màu đỏ rực rỡ khiến khuôn mặt cô như một đóa hoa, và tấm ảnh cô chống nạnh co chân tinh nghịch trên ngọn đồi lộng gió khiến mái tóc xù lên…
Má tôi đeo cặp kính chăm chú đọc từng status và ngắm nghía mắt mũi miệng của cô rồi thở dài, thích nấu ăn và trang trí nhà cửa thì quá tốt nhưng thích bay nhảy đó đây thì làm sao? Phải hiểu hoàn cảnh của mình để mà chọn người cho hợp. Nói vậy mà tôi biết má cũng có hy vọng.
Sau mỗi cuộc trò chuyện của hai anh em, má kéo tôi ra sau bếp thì thào: “Tới đâu rồi?”. Ngày qua ngày, câu hỏi dần dần thành: “Hai đứa nó tới đâu rồi?”. Má hay liếc nhìn máy tính của anh Hai như sắp có một cô gái bằng xương bằng thịt từ đó vọt ra.
Má kề miệng vô tai tôi thật khẽ khàng: “Lấy chồng tật nguyền ai cũng sợ thiệt thòi nên phải có gì bù đắp mới được. Con có dịp nói chuyện thì khéo léo cho cô ấy biết nếu hai đứa cưới nhau thì ba má cho căn nhà này, không phải lo lắng gì tới tiền bạc”.
*
Phượng trở thành chị dâu tôi là vậy.
Sau bao mong ngóng về cúc họa mi mà không thành, má tôi không ngó ngàng tới máy tính của anh Hai nữa. Má nhắm vào bạn bè tôi. Ai tới nhà chơi má cũng làm như thân tình kể chuyện rằng ba má định về quê ở, chỉ còn đợi anh lấy vợ ổn định đâu vào đó để ba má giao lại căn nhà này.
Ba năm làm chung công ty cho tôi thấy Phượng dễ thương, hiền lành, và có vẻ an phận. Rất hợp với tính toán của má tôi. Và hình như tính toán của má tôi cũng hợp với Phượng. Suốt mười năm từ khi về thành phố học hành rồi đi làm, bao nhiêu lần chuyển chỗ trọ mà nay Phượng vẫn ở trọ, bỗng được là bà chủ một ngôi nhà khang trang…
Thông tin Phượng sắp là chị dâu tôi khiến hội bà tám râm ran, người vô tư khen tôi mát tay mai mối, người ác miệng thì thẳng thừng Phượng ham tiền, người từng trải thì nhẹ nhàng chúc phúc, ừ, đâu phải ai cũng may mắn yêu và được yêu, bằng chứng là trên ti vi đầy những gameshow hẹn hò, vậy nên một nơi chốn để được yên ổn về kinh tế cũng là lựa chọn có lý.
*
Nhưng hôn nhân không chỉ là những tính toán có lý.
Má tôi ban đầu chỉ mong anh Hai có người bầu bạn chăm sóc, nay thì má ao ước xa hơn - được bồng ẵm cháu nội. Mà tôi thì nhìn thấy trong túi xách của Phượng vỉ thuốc ngừa thai. Tại sao? Tôi hỏi. Phượng mếu máo nói những mong tình yêu sẽ đến sau mà chưa gì chồng đã ngoại tình rồi.
Định nghĩa về ngoại tình của anh Hai là phải có tiếp xúc thân thể.
Anh Hai nói Phượng đi làm đi chợ thoải mái đi khắp nơi nghĩa là có nhiều cơ hội gặp người này người kia mà anh có nói gì đâu, vậy thì tại sao Phượng lại giận dữ khi anh chỉ trò chuyện vui vui qua mạng?
Tôi đứng về phía Phượng, tôi định nghĩa ngoại tình bao gồm cả ngoại tình tư tưởng. Nhưng khi biết cô gái anh thường xuyên chuyện trò là một hướng dẫn viên du lịch thì tôi ngừng trách móc. Tôi tự hỏi có phải chính mặc cảm và mong muốn không thành về nỗi khát khao được bay nhảy trên đôi chân của mình khiến anh Hai dễ xao lòng với các cô gái liên quan tới du lịch?
Hay đơn giản là tự ái đàn ông khiến anh Hai muốn chứng tỏ với Phượng rằng anh vẫn hấp dẫn với người khác giới như mọi đấng nam nhi trên đời này, và cuộc hôn nhân do sắp đặt chỉ là giây phút yếu lòng mà anh chịu gật đầu cho má vui?
|
Cuối cùng họ gửi tới toà lá đơn xin ly hôn với đủ hai chữ ký (ảnh minh họa) |
*
Phượng tới công ty mà mặt mũi dàu dàu, còn tôi thì chỉ liếc nhìn Phượng mà chẳng biết nói gì.
Hội bà tám đoán ra ngay sự tình và cười. Thôi đi, đồ nhẫn tâm, người ta đang buồn mà mình cười được à? Nhằm nhò gì, vợ chồng son cãi cọ giận hờn mới vui. Không tin hả? Đợi tới giờ tan tầm là biết. Thế nào thằng chồng cũng đợi trước cổng, có khi còn ôm bó hoa to tướng thay lời cầu hòa. Ừ, đàn bà mình nhẹ dạ vậy đó…
Chợt nhớ ra anh Hai tôi không thể đứng trước cổng, các thành viên của hội bà tám lảng qua chuyện khác. Rồi ai đó thì thầm mà cố ý cho tôi nghe như một lời tư vấn nhiệt tình - Sao lại không? Ngồi xe lăn cũng dư sức hiện diện trước cổng với bó hoa đẹp mà.
*
Nhưng anh Hai tôi không tặng hoa cầu hòa, bất chấp Phượng hờn ghen và ít ra là đòi hỏi được tôn trọng, anh vẫn thường xuyên trò chuyện với cô hướng dẫn viên du lịch.
Còn Phượng thì chứng tỏ không ham chồng giàu đến mức biến mình thành một cô vợ ngu ngốc. Anh Hai tôi qua lời kể của Phượng là một gã đàn ông vô trách nhiệm và hám gái. Vừa là em chồng vừa là đồng nghiệp của Phượng, tôi chỉ biết nín thinh giữa bao xì xào, cho đến khi một thành viên của hội bà tám kề miệng vào tận tai tôi mà hỏi đã biết Phượng gửi đơn ly hôn chưa.
Má tôi vừa khuyên can Phượng vừa la mắng anh Hai, vô ích. Lá đơn ly hôn có chữ ký của cả hai người.
Chẳng biết cho đến ngày ra tòa thì tình hình có dịu đi không, má tôi phập phồng hy vọng. Còn tôi thì nghĩ là không. Có lẽ má cũng có lỗi trong cuộc hôn nhân sắp xếp này. Lòng thương con muốn bù đắp đã khiến má thay anh làm giùm mọi việc, mà yêu thì đâu thể yêu giùm.
Vợ chồng tôi cũng nhiều lần cãi cọ nhưng chúng tôi luôn kịp ngừng lại trước khi bùng nổ. Lúc đó chẳng thể giải thích vì sao mình kịp ngừng lại, chỉ đến khi hòa bình rồi mới thấy mừng là mình đã không quá nặng lời gây tổn thương sâu. Bây giờ chứng kiến anh Hai và Phượng tôi chợt hiểu: nhờ tình yêu.
Tình yêu theo thời gian có thể được gọi một cách khác là trách nhiệm hay nghĩa vợ chồng nhưng dù tên gọi nào thì đó cũng là ngọn hải đăng cho mình hướng về giữa gió giông.
Nguyên Hương