Nhớ tiếng trống Bắc Lý hơn 60 năm trước

07/10/2023 - 06:13

PNO - 70 năm trước, Trường cấp II Bắc Lý (nay là Trường THCS Bắc Lý, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) được thành lập.

Không trường, không lớp, học sinh phải tự mang theo bàn ghế đến các đình, chùa để học. 5 năm sau, trường mới có địa điểm cố định cho đến nay.

Bác Hồ về thăm trường Bắc Lý năm 1962 - Ảnh tư liệu
Bác Hồ về thăm trường Bắc Lý năm 1962 - Ảnh tư liệu

Khi đó, phụ huynh, học sinh, giáo viên (GV) đã cùng nhau đào đất, đắp nền dựng trường, san lấp ao hồ làm vườn trường. Khi đó, GV của trường đến từ khắp các tỉnh, thành. Các thầy cô đã dày công đi tìm kiếm, sưu tầm nhiều loài cây, đưa về trường trồng, mày mò chế tác các giáo cụ trực quan để học sinh vừa học lý thuyết, vừa thực hành.

Cuối năm 1960, Đảng và Nhà nước xác định phương châm giáo dục của ta là: học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội. Lúc đó, Trường cấp II Bắc Lý trở thành điển hình tiên tiến. Trong hội nghị sơ kết 3 năm xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa (1958-1961), Trường cấp II Bắc Lý được tuyên dương là lá cờ đầu của ngành giáo dục. 

Ngay trong hội nghị này, ngành giáo dục đã phát động phong trào thi đua “2 tốt” với khẩu hiệu “Tích cực thi đua dạy tốt, học tốt. Học tập và làm theo Bắc Lý” và đại diện Trường cấp II Bắc Lý đã vinh dự đánh hồi trống phát động phong trào. “Tiếng trống Bắc Lý” là 1 trong 4 biểu tượng của phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc giai đoạn 1954-1975. 

Hơn nửa thế kỷ sau tiếng trống Bắc Lý, cũng như mọi nước trên thế giới, Việt Nam chứng kiến, đối diện và trải qua cuộc cách mạng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, buộc mọi ngành, nghề, mọi cá nhân phải tự vượt qua những áp lực chung, riêng, tự thay đổi để từng bước thích ứng. Thế hệ trẻ cần một phương pháp giáo dục khác để có thể đáp ứng được yêu cầu về nhân lực của xã hội hiện đại.

Tháng trước, trong cuộc gặp mặt GV cả nước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một nhân tố mới rất quan trọng, là cơ hội lớn của ngành. Dù còn có những điểm cần điều chỉnh nhưng nhìn chung, chương trình mới được đánh giá là mới, hiện đại, là chỗ dựa để thay đổi giáo dục, chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực”.

Ông nhấn mạnh: “Nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục”. Ông nêu rõ yêu cầu: “Điều kiện quan trọng đầu tiên cần có là lực lượng nhà giáo phải tự đổi mới bản thân, từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, không né tránh. Ai cũng có thể làm được, vấn đề là có dám làm hay không. Cái gì mới chưa biết, chưa hiểu, chưa thuần thục thì phải cùng tìm hiểu”.

Ngành giáo dục đang triển khai những việc rất lớn và rất khó nhưng nếu muốn thì sẽ tìm cách, không muốn thì tìm cớ, nại ra vô vàn khó khăn. Nếu trước mọi khó khăn, ai cũng tìm cớ thì có lẽ chúng ta đã không có được một Bắc Lý cùng phong trào thi đua “2 tốt” sôi nổi, hiệu quả trong quá khứ. Nếu ai cũng tìm cớ, có lẽ trên cái nền đau thương, mất mát, chúng ta cũng không có được những thành tựu về mọi mặt như hôm qua và hôm nay.

“Để làm được những việc khó thì phải đồng tâm hiệp lực; việc càng khó, càng lớn thì càng cần phải hiệp lực đồng tâm. Cả triệu người cùng nhìn về một hướng thì việc khó mấy, lớn mấy cũng làm được”.

Lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thật chí lý không chỉ với riêng ngành giáo dục. Nghe những lời này, lại nhớ đến tiếng trống Bắc Lý của hơn 60 năm trước. 

Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI