Nhớ thương ngày cũ

25/01/2024 - 10:11

PNO - Tôi chợt nhận ra rằng, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là những ngày cuối năm được trở về căn nhà xưa.

Nhắm mắt lại, tôi vẫn hình dung rõ mồn một căn nhà xưa cũ - căn nhà đầu tiên ba mẹ tôi mua được khi vào Nam sống. Nhà nhỏ, nằm trong xóm lao động nghèo, thuộc xứ đạo Tân Thành, hồi đó gọi là vùng ven, ngoại ô, dù chỉ cách chợ Bến Thành chưa đến 10km, ở khoảng giữa ngã tư Bảy Hiền và chợ Bà Quẹo.

Nơi đây, anh em tôi được sinh ra, lớn lên trong sự thương yêu và nỗi nhọc nhằn, vất vả của ba mẹ, nơi gói ghém, giữ gìn biết bao kỷ niệm vui buồn của thời thơ ấu.

Cái nợ "ve chai" của ba

Ký ức về ngôi nhà tuổi thơ cũng gắn liền với những gánh hàng trước ngõ của hàng xóm. Suốt dọc theo con hẻm, người ta bày hàng ra bán, mùa nào thức đó, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những món quà quê, mộc mạc, rẻ tiền: bắp luộc, bắp nướng, khoai lang, khoai mì, khô mực, mía ghim, mía hấp, bánh trái, cóc, ổi, xoài. Buổi tối thì có thêm khô mực, khô thiều, bánh tráng nướng, xe mì gõ…

Những năm bao cấp, đời sống khó khăn, ba tôi bươn chải làm hết nghề này đến nghề nọ để mưu sinh. Ba tôi có nghề “mua bán ve chai” - mỗi ngày ông đạp xe khắp hang cùng ngõ hẻm mua đồ về bán ở “chợ trời” Lăng Cha Cả. Hôm nào “trúng mánh”, mua được nhiều đồ giá rẻ, đạp xe về đến nhà là ông tếu táo, ngâm nga: “Đi không há lẽ lại về không. Cái nợ “ve chai” phải trả xong”.

Ba của tác giả cùng các con trai (tác giả đứng thứ hai từ phải sang)
Ba của tác giả cùng các con trai (tác giả đứng thứ hai từ phải sang)

Buổi tối rảnh rỗi, ba lại kiểm tra bài vở, dạy dỗ anh em tôi học. Nhờ vậy, anh em tôi đứa nào học hành cũng khá. Ba vui tính, rộng rãi và phóng khoáng, nhưng rất nghiêm khắc. Lúc nhỏ, anh em tôi đùa nghịch trong xóm mà để có người đến “mắng vốn” là sẽ “ăn” ngay mấy cây roi quắn đít. Ông nói, đã đi chơi mà để phiền hàng xóm thì không thể chấp nhận được. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến mọi người quý mến ba mẹ tôi, vì không bao giờ bênh con để làm mất lòng hàng xóm láng giềng.

Nhà ông bà nội tôi ở ngay đầu xóm, cách nhà tôi đúng 1 căn. Mỗi khi anh em tôi phá phách hay làm điều gì không phải, ông chỉ mặt mắng ngay, rồi ông đến trách ba tôi: “Mày dạy con vậy à”. Ba tôi chỉ biết cúi đầu nhận lỗi và rồi đứa phạm lỗi sẽ bị một trận đòn nên thân. Có lẽ nhờ sống dưới cả “2 tầng áp bức” như vậy mà sau này lớn lên, anh em chúng tôi dù không giàu có, nhưng sống ngay ngắn, tử tế; chẳng đứa nào dám làm điều gì sai trái ảnh hưởng đến nền nếp gia đình.

Giờ ba đã qua cái tuổi “cổ lai hi” từ rất lâu, còn tôi cũng vào lứa U60. Biết con mình thèm những món ăn ngày xưa, nên thỉnh thoảng nấu món gì ngon, ba lại gọi điện thoại: “Hôm nay, đi chợ thấy cá linh tươi, ba mua 1 ký kho cho con, chiều đi làm về ngang nhà ba ghé lấy về ăn”. Mẹ mất đã 30 năm, một mình ba phải đóng cả 2 vai để nuôi dạy 9 đứa con.

Ngoài việc lèo lái gia đình, ba còn kiêm luôn chuyện chợ búa, bếp núc. Ba nấu ăn trên cả tuyệt vời. Đến nay, anh em tôi đều đã có gia đình riêng, nhưng vẫn thèm những món ba nấu, vẫn chạy về nói ba nấu cho món này, món nọ. 

Tôi mang nồi cá kho về. Bữa cơm chiều, vợ và con gái cứ xuýt xoa khen: “Ông nội kho cá ngon quá”. Đúng là “nước mắt chảy xuôi”, ba đã ở vào cái tuổi phất phơ lau trắng mà vẫn chăm chút từ miếng ăn cho thằng con già đầu. Còn thằng con, đầu cũng bắt đầu lấm tấm bạc mà xét ra, vẫn chưa làm được điều gì cho ba. Nghĩ vậy, chợt nghe con cá linh trong miệng bỗng có vị đăng đắng…

Ba của tác giả thích nhất ngày tết, con cháu  tụ tập vui vẻ (tác giả đứng thứ hai từ trái sang)
Ba của tác giả thích nhất ngày tết, con cháu tụ tập vui vẻ (tác giả đứng thứ hai từ trái sang)

Xôi mẹ nấu ngon nhất trên đời 

Căn nhà xưa gắn liền với hình bóng mẹ tôi. Những năm sau này, khi việc mua bán của ba trở nên khó khăn hơn, mẹ trở thành lao động chính, gánh vác cả gia đình.

3g sáng, trời tối om om, mẹ đã thức dậy nấu xôi rồi vội vã gánh đi bán lúc trời còn mờ sương. Trước khi ra khỏi nhà, mẹ gói cho anh em tôi mỗi đứa một phần xôi, rồi gọi tôi dậy để đóng cửa. Dưới thúng xôi có bếp lửa để hâm xôi lúc nào cũng nóng. Mẹ đi, cái bếp cứ đỏ lửa, nhấp nháy trong màn sương sớm. Hơi nóng của bếp lửa ấy cũng xua bớt đi phần nào cái giá rét, lạnh lẽo, sưởi ấm mẹ những buổi sáng mùa đông.

Mấy chục năm ròng quảy gánh xôi đi bán khắp các ngả đường đã khiến vai mẹ chai sần, chân nứt nẻ như cánh đồng mùa khô hạn. Ngày mưa hay ngày bão, mẹ cũng chỉ quàng thêm 1 tấm ni lông quanh cổ che mưa, rồi vẫn bươn bả quang gánh ra đi. Ngay cả những hôm ốm đau, chưa bao giờ tôi thấy mẹ nghỉ bán; mẹ sợ mình nghỉ thì con mình đói. Tiếng rao và bếp lửa đỏ cứ nhỏ dần, nhỏ dần… Mẹ gánh xôi đi xa rồi, tôi vẫn cứ dõi theo mãi.

Một người mẹ quê mùa, ít học, suốt đời tần tảo, gồng gánh, vất vả nuôi anh em tôi khôn lớn, nên vóc, nên hình. Mẹ chưa một lần được cắp sách đến trường nhưng đã gieo vào trong tôi lòng yêu quý sự học. Những năm bao cấp khó khăn, nhiều người trong xóm cho con nghỉ học, đi làm kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, nhưng mẹ vẫn nhất quyết không cho anh em tôi bỏ học. Mẹ làm mọi việc, dù nặng nề, khó nhọc, để anh em tôi dẫu bữa no bữa đói vẫn được cắp sách đến trường.

Mẹ nói: “Thời buổi nào cũng vậy, có học vẫn hơn con ạ”. Tôi mang theo lời mẹ dặn suốt cả cuộc đời, để đến hôm nay tóc trên đầu đã lớm chớm bạc, tôi vẫn cặm cụi đến trường, góp nhặt từng con chữ.

Có một nỗi niềm ân hận, day dứt khôn nguôi là khi anh em tôi khôn lớn, trưởng thành, có thể chăm sóc cho mẹ tử tế, an hưởng tuổi già, bù đắp cho mẹ những vất vả ngày qua thì mẹ đã không còn nữa. Dù tóc đã hoa râm, tôi lại ao ước được trở lại làm thằng bé năm nào, để mỗi sáng dậy sớm mở cửa cho mẹ gánh xôi đi bán, rồi đợi đến trưa muộn ra đầu ngõ ngóng mẹ về. Bây giờ, mỗi lần ăn xôi là tôi lại bùi ngùi nhớ mẹ. Xôi mẹ nấu, với tôi vẫn là món xôi ngon nhất.

Thời gian dâu bể, cơn lốc đô thị hóa đã cuốn mất căn nhà xưa cũ. Cánh đồng xưa - nơi chất chứa bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ của chúng tôi - giờ thành khu Bàu Cát khang trang.

Ngày cuối năm, người ta í ới rủ nhau, lũ lượt về quê ăn tết. Nhìn những xóm trọ ngày thường tấp nập, giờ vắng tanh, nhà nào cũng “cửa đóng then cài”, lòng tôi lại chùng xuống, bâng khuâng, ray rứt. Quá nửa đời lang thang, phiêu bạt, vật vã, nhọc nhằn với cuộc mưu sinh, tôi chợt nhận ra rằng, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là những ngày cuối năm được trở về căn nhà xưa, đêm giao thừa thắp cho mẹ và ông bà một nén nhang thơm tưởng nhớ, rồi lặng yên ngồi nghe yêu thương ngày cũ trở về. 

Phạm Xuân Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    20-12-2024 06:34

    Mấy chục năm qua, chị em tôi đã quen thuộc với hình ảnh ba vào bếp. Ba tình nguyện làm "người đam mê rửa chén" vì ba yêu gia đình.

  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.