Nhớ thương một loài rong biển

14/07/2024 - 18:49

PNO - Đến Lý Sơn đâu chỉ nghe biển hát, đâu chỉ thấy quanh mình cứ mãi vương vít hương tỏi hành. Đến Lý Sơn đâu chỉ để nếm vị ngọt bùi của những con cá biển tươi rói mà người dân vạn chài mới đánh bắt. Đến Lý Sơn, tôi thấy lòng mình đầy nỗi niềm với một loài thực vật bản địa - rau cum cúm.

Chẳng biết tự bao giờ, cây rong biển sụn lại có tên rau cum cúm. Nhiều người còn gọi nó là rau bồng bồng, rong sụn nhưng người đảo Bé (đảo An Bình) của Lý Sơn chỉ dùng tên gọi thân thương - rau cum cúm. Rau cum cúm mọc ở nhiều nơi dọc biển miền Trung nhưng tại Lý Sơn, loại rau này lại mang đặc trưng khác.

Là một loại rong biển thân tròn, nhỏ bé, nhiều nhánh choãi ra hệt những nhánh san hô, cum cúm cũng có nhiều màu như san hô. Cum cúm ở đảo Bé khác với nhiều nơi vì ở đây, loài rong biển này mọc trên những dải đá trầm tích ngàn năm của núi lửa phun trào, mọc đan xen trong các rạn san hô ngầm cách bờ đảo chừng chục mét. Chẳng biết có phải vì thế mà màu sắc, mùi vị của cum cúm nơi đây độc đáo hơn chăng?

Rau cum cúm ở Lý Sơn - Nguồn ảnh: Internet
Rau cum cúm ở Lý Sơn - Nguồn ảnh: Internet

Khi biển trở lại hiền hòa trong xanh, bờ cát trắng ngần phô ra dưới ánh nắng mướt non là lúc cum cúm vào mùa. Những chiếc thúng chai nho nhỏ tiến về phía dải đá ngầm. Từng ngư dân như những người thợ lặn chuyên nghiệp lặng lẽ rời thúng trầm mình vào mênh mông con nước. Dưới làn nước trong xanh kia, trên những dải đá ngầm bằng dung nham núi lửa hàng triệu năm kết tụ, từng mảng rau đủ màu sắc xõa mình chao theo từng con sóng.

Rau cum cúm không dài, tầm 10cm, mọc thành từng đám mềm mịn, có vạt màu xanh lam như màu nước biển, có vạt màu hồng nhạt trong như màu san hô… Rau không chỉ mọc trên đá mà đôi khi còn lẩn trong rạn san hô phía dưới. Làm sao thu hái rong mà không ảnh hưởng đến san hô là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự yêu thương, tỉ mẩn của người thợ thu rong. Công việc thu rong ở đảo Bé không phải của riêng cánh đàn ông mà phụ nữ và những thiếu niên cũng thoăn thoát ngoi lên hụp xuống giữa sóng nước dưới cái nắng gay gắt.

Rau cum cúm mới thu hái - Ảnh: Hữu Thạnh
Rau cum cúm mới thu hái - Ảnh: Hữu Thạnh

Rau cum cúm không phải là loại rau chịu sàng sảy thô bạo. Cái tên cum cúm như thể đòi hỏi sự nhẹ nhàng, nâng niu. Món quen thuộc nhất từ loại rau này là gỏi cum cúm.

Người ta cho rau vào nước xáo sơ và lượm lặt rác, mảnh vụn đá còn bám chân gốc, sau đó trụng nhanh qua nước sôi để bớt đi mùi tanh nồng của biển. Rau cum cúm được coi như thứ rau “nhà nghèo” nên khi đem làm gỏi cũng được gọi là “gỏi nhà nghèo”. Trụng qua nước sôi, thêm một ít hành ngò, một ít đậu phộng rang đã giã, một chút nước mắm hớt - loại nước mắm cá cơm được ủ bằng chính đôi tay của các mẹ, các chị trên đảo - thế là hoàn thành món gỏi. Vì giản đơn trong gia vị đi kèm nên gỏi cum cúm vẫn giữ được nguyên vị ngọt giòn của cọng rong biển pha chút vị beo béo của đậu phộng.

Không chỉ món gỏi, những ngày nắng gắt, người dân đảo Bé lại chế biến thêm món canh cum cúm. Rau vẫn được chần qua nước sôi để bớt mùi. Một nồi nước sôi khác cho ít tôm đã giã hoặc con cá biển tươi rói vào, nêm nếm gia vị vừa ăn, bỏ rau cum cúm vào là xong. Cum cúm giòn cộng với vị ngọt đậm đà của tôm, cá biển khiến chén canh như xua đi cái nóng oi nồng giữa hòn đảo chỉ có cát, nắng và gió.

Gỏi cum cúm - Ảnh: Hữu Thạnh
Gỏi cum cúm - Ảnh: Hữu Thạnh

Một ngày, ai đó đã đem cum cúm rời đảo, đến tận những nhà hàng nơi thành phố xa xôi. Qua bàn tay khéo léo của các đầu bếp chuyên nghiệp, cum cúm nghiễm nhiên trở thành những món ăn đặc biệt trong thực đơn cao cấp. Đâu chỉ là gỏi cum cúm thông thường, giờ còn có cum cúm trộn tôm, cum cúm trộn mực, canh cum cúm… Món nào từ cum cúm cũng trở thành đặc sản nếm qua 1 lần sẽ đọng lại bao dư vị khó quên.

Tôi đọc đâu đó câu châm ngôn đại ý cuộc đời không lấy hết mọi thứ của ai, điều đó hẳn đúng với người dân đảo Bé. Đảo Bé - cái tên gọi đã cho thấy sự bé nhỏ và dậy lên trong lòng ta niềm cảm thương vô vàn. Trời đã lấy đi sự màu mỡ của đất, lấy đi những giọt nước ngọt tinh khiết làm cho đảo khô cằn thì trời cũng đã trả cho hòn đảo cảnh sắc thiên nhiên an lành. Nơi đảo Bé có sự hòa điệu của cát biển và những con sóng lăn tăn giữa muôn trùng khơi, có vẻ đẹp kỳ thú của những bờ đá trăm năm rêu phủ. Hơn thế, cũng chính thiên nhiên đã ưu ái ban cho đảo Bé một loại sản vật mà không phải nơi nào cũng có: rau cum cúm.

Một lần nếm thử cum cúm, ta nghe như lời thầm thì của biển, nghe như trong từng cọng rong xanh giòn ngọt có dư vị của sự cần mẫn gian truân, có cả tình yêu mà con người nơi đây rót vào biển cả. Biển ngàn năm sóng vỗ, để rồi cọng rong bé nhỏ kia tới mùa lại tái sinh như lòng người cứ mỗi bình minh lại ánh lên niềm yêu mới. Chợt thấy thương thương một loài rong biển.

Thanh Tuân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI