Từ đầu năm 2023, quán cà phê - sách An Nguyên (265 Tùng Thiện Vương, phường 11, quận 8, TPHCM) đã rộn ràng với kế hoạch tổ chức chương trình “Góp thịt kho trứng tặng người nghèo”. Ý tưởng của cặp vợ chồng anh Nguyễn Đình Tiến - chị Ngô Thị Trâm Anh (chủ quán) được nhiều bạn bè, đối tác, khách hàng hưởng ứng.
Để gây quỹ cho chương trình, người ủng hộ vừa góp tiền vừa đem tặng sách, cà phê, quần áo, trang sức thủ công mỹ nghệ, vật dụng gia đình… Nhiều sản phẩm mới nguyên hoặc đã qua sử dụng nhưng còn mới được An Nguyên bán lại với giá rẻ.
Nghệ nhân thư pháp Phan Thanh Sơn không chỉ tặng bức tranh chữ Phúc để chương trình bán đấu giá mà còn tham gia trực tiếp trong phiên chợ yêu thương. Ông đồ cho chữ và chia sẻ về nét đẹp của chữ thư pháp chứa đựng những ước mong trong năm mới đến người tham dự.
|
Vợ chồng anh Đình Tiến – chị Trâm Anh xin chữ “Tài Lộc” cho mùa xuân này |
Theo ba mẹ đến ủng hộ chương trình, các bé mê tít trò xếp lá dừa thành hình chim, đồng hồ, túi xách, nón… do chú Hoàng Minh Trường hướng dẫn. Bé Bảo Ngọc (học lớp 2, ở quận 5, TPHCM) được ba đưa đến “phiên chợ” này rất sớm.
Hăm hở, hồi hộp ngồi chờ ông đồ cho chữ, sau vài phút, em đã cầm trên tay tấm liễn “Bảo Ngọc - chăm ngoan học giỏi” với nét chữ thanh thoát, bay bổng. Bảo Ngọc “bật mí” đây là lần đầu tiên em xin chữ của ông đồ. Cô bé cũng nâng niu chú chim xếp bằng lá dừa trên tay suốt, không dám đặt xuống bàn, sợ sơ ý làm chú chim... bị xẹp.
|
Bé Bảo Ngọc nôn nao chờ ông đồ cho chữ |
Tại phiên chợ, Bảo Ngọc chọn mua một chiếc gương bé xinh. Đến đây, em cũng được biết ý nghĩa của chương trình là quyên góp, giúp người nghèo có thịt kho ăn tết. “Năm nào, tết con cũng được về nội chơi, được ra đồng, được ăn thịt kho trứng và rất nhiều loại bánh mứt. Con thấy nhiều người nghèo khổ không có nhà cửa, tết cũng không có gì ăn, đi ăn xin, tội nghiệp lắm! Con mong tết các ông bà, cô chú đó được một bữa ăn ngon”, Bảo Ngọc nói.
|
Bé Bảo Ngọc và món quà quý từ ông đồ |
Chị Trâm Anh luôn nhớ ngày tết mẹ nấu món thịt kho tàu. Sau giải phóng, nhà còn nghèo, tết nhất đơn sơ thì thịt kho tàu với bánh tét nhà gói chính là bữa ăn “đặc biệt” của gia đình chị. Sau này khấm khá hơn, món này vẫn không bao giờ thiếu trong dịp tết cổ truyền. Nồi thịt kho nhiều trứng hơn, nhiều thịt hơn và ăn suốt ba ngày tết với củ kiệu hay rau luộc. Tết trên Tây Nguyên trời còn lạnh, nồi thịt kho đông một lớp mỡ trắng, trước khi ăn phải hâm nóng. Vì hâm đi hâm lại, thịt càng nhừ và trứng thì thấm nước thịt đến tận lòng đỏ.
Từ khi lấy chồng miền Tây, chị mới biết thịt kho tàu kho bằng nước dừa sẽ ngon hơn. Nồi nước thịt kho trứng sẽ vàng ươm như mật sóng sánh. Nhưng tiết trời miền Tây ngày tết khá nóng, làm thịt mau thiu khi kho bằng nước dừa. Nhưng mẹ chồng của chị rất kỹ, bà sẽ múc từng nồi riêng để ăn từng mùng và dành riêng cho mỗi đứa con một phần để đem về thành phố. Vợ chồng chị Trâm Anh và các em luôn bảo: “Dù tụi con có nấu ăn giỏi đến đâu thì món thịt kho tàu cũng không kho ngon bằng nồi thịt của mẹ”.
|
Chị Trâm Anh cùng các bé mê tít các tác phẩm xếp bằng lá dừa và những trò chơi dân gian |
Chị Trâm Anh đỏ mắt bồi hồi kể lại, năm chị mới sinh con đầu lòng, anh Đình Tiến kho 5 kí thịt với 50 cái trứng vịt cho gia đình… 2 người ăn. Chị hỏi: “Sao anh kho nhiều vậy, nhà mình ăn sao hết?”. Anh nói: “Vì hồi nhỏ nhà nghèo, đông anh em, ba mẹ chỉ kho cái nồi thịt nhỏ, ăn hết vẫn cứ thòm thèm. Nên bây giờ có điều kiện hơn, anh kho ăn cho thỏa, để nhớ thời hàn vi…”.
“Bà con nghèo tại Sài Gòn hay mưu sinh tại Sài Gòn có lẽ cũng có những kí ức thân thương cùng gia đình với món ăn truyền thống này. Nên việc chia sẻ với bà con một bữa cơm đủ đầy, chứa đựng yêu thương trong những ngày tiễn đưa một năm cũ đầy khó khăn, cũng là để biết ơn đời đã cho chúng mình nhiều cơ hội có cuộc sống tốt đẹp hiện nay. Và gửi gắm ước mong bà con cũng sẽ gặp được nhiều may mắn trong năm mới”- chị Trâm Anh bày tỏ.
|
Thịt kho trứng, món ăn không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền |
Đến nay, sau hơn 10 ngày phát động, chương trình đã quyên góp được 120 phần thịt kho trứng, kèm dưa giá (250 nghìn đồng/phần) cùng 230 bao lì xì (130 nghìn đồng/bao). Người ủng hộ lại tất bật rủ nhau qua Bếp Yêu thương để cùng phụ nhóm thiện nguyện của chị Lê Ngọc Hạnh thái ướp thịt, bào gọt cà rốt, luộc và lột hột vịt, chia từng hộp. Món ăn mang bao tâm tình sẽ được gửi tặng bà con nghèo, các cụ già neo đơn vào chiều ngày 22 và 23 tháng Chạp.
Những ngày giáp tết tất bật, có khi không kịp ăn uống nhưng chị Trâm Anh vẫn rất vui, hạnh phúc vì mình không hề là cánh én đơn côi. Chị biết quanh mình có rất nhiều bạn én, chị én, anh em én, cô én, chú én… hào sảng và thiện lành. Tất cả đã cùng hai vợ chồng hiện thực hóa ước mong đem lại cho những người kém may mắn một mùa xuân ấm tình và chứa chan hy vọng.
Tô Diệu Hiền