Nhớ tết ngày xưa quết bánh phồng

01/02/2025 - 12:48

PNO - Bắt đầu cán bánh từ 2-3 giờ sáng, đến đầu giờ chiều là có vài trăm cái bánh thành phẩm. Bánh phồng chỉ làm vào dịp tết để biếu cho nhau và nướng lên cúng tổ tiên ngày cuối năm và cúng mùng Ba tết.

Những ai thuộc thế hệ 7X, 8X từng sống ở quê chắc hẳn còn nhớ không khí quết bánh phồng những ngày giáp tết, nó vừa mệt, vừa vui.

Bước vào tháng Chạp là nhà nhà lên kế hoạch quết bánh, xem năm nay làm bánh phồng nếp (làm bằng bột nếp), bánh phồng mì (làm từ củ mì) hay bánh phồng chùi hoặc làm luôn cả 3 loại. Cả xóm cùng nhau làm. Một nhà làm thì nhiều nhà khác tới phụ, nhà nào làm sau thì những nhà đã làm trước đó tới phụ lại. Hình thức này gọi là vần công, giúp qua giúp lại không tốn tiền.

Bột nếp, củ mì sau khi được luộc chín cho vào cái cối đá thật to và dùng cái chày bằng gỗ cũng rất to để quết. Một người cầm chày quết, một người dùng đũa bếp dùi bột và cho thêm nước cốt dừa, nước đường vào.

Khoảng 2-3 giờ sáng là bắt đầu quết bánh. Lúc ấy, chưa có đèn điện nên có thêm người cầm đèn dầu để kiểm tra bột. “Nhân sự” cầm đèn không ai khác là những học sinh "nhí". Quết đến khi bột đã dai, mịn và đều thì cho ra thau, bắt từng thành viên nhỏ, đều để cán thành bánh. Công đoạn cán từ cục bột vừa nhỏ, vừa dai thành chiếc bánh to, tròn, mỏng đều nhau cũng không dễ. Ai khéo tay và có kinh nghiệm cán thì mới cho ra thành phẩm đẹp.

Bánh phồng mì có loại để nướng và ăn sống - Ảnh: Bánh phồng Sơn Đốc
Bánh phồng mì có loại để nướng và ăn sống - Ảnh: Bánh phồng Sơn Đốc

Các cô, các bác, các dì hàng xóm là những người cán bánh. Họ cán rất đều tay, bánh tròn, đẹp và có độ dày vừa phải, không quá mỏng và cũng không quá dày. Để bánh có kích thước đều nhau thì người bắt bột phải cho ra những viên bột đều nhau. Thời đó, không có cân làm bánh như bây giờ, nên tất cả phụ thuộc vào sự khéo léo của người bắt bột.

Bánh cán xong được phơi lên những chiếc chiếu mới hoặc chiếu chỉ dành phơi bánh. Số lượng bánh lớn cần có nhiều chiếu nên một nhà làm thì gom chiếu các nhà khác lại. Cho nên chiếu mỗi nhà đều được cột mảnh vải nhỏ để nhận diện. Chiếu nhà này cột vải màu đỏ, nhà kia vải xanh, nhà khác thì là vải bông… Đến người cuối cùng thì chiếu được giặt sạch, phơi khô và để dành sử dụng vào năm sau.

Người phơi bánh cũng phải khéo tay, vuốt bánh đều và không quá mạnh tay. Trẻ con lúc ấy chỉ được bưng bánh từ người cán đến người phơi và thích được ăn cục bột dai, dẻo có vị béo béo, ngọt ngọt và nghe các cô, các dì "tám chuyện".

Vừa làm vừa nói cho đỡ buồn ngủ nên có bao nhiêu chuyện trên đời đều được đem ra kể. Từ chuyện vui, chuyện bực mình trong nhà đến chuyện quá khứ lừng lẫy của ông hàng xóm hay cuộc sống xa xứ của một người trong ấp. Chỉ cần tham gia làm bánh phồng 1-2 đêm là biết hết tình hình của cả xóm, có khi là cả ấp.

Bánh được nướng bằng than vỏ dừa hay gáo dừa. Bánh phồng lên đều, giòn, béo, ngọt vừa vị ăn rất ghiền
Bánh được nướng bằng than vỏ dừa hay gáo dừa. Bánh phồng lên đều, giòn, béo, ngọt vừa vị ăn rất ghiền.

Đến mờ sáng là bánh đã cán xong để kịp phơi nắng sớm và mọi người về đi chợ, đi làm vườn hay ra ruộng. Phơi bánh và phải canh, không để quá khô bánh sẽ bể và không ngon. Chiếu bánh đem vô nhà hết nóng là bắt đầu gỡ bánh. Đây là giai đoạn cuối nên phải gỡ sao cho bánh không bị rách và tròn như lúc ban đầu. Đến xế chiều là có vài trăm bánh phồng và bọn nhỏ vác chiếu sang nhà sẽ quết bánh tiếp theo.

Bánh phồng nếp, phồng mì ăn sống đều rất ngon nhưng chỉ dành cho người có răng khỏe. Răng ai không chắc thì thích bánh nướng, ăn rạo rạo vui tai.

Bánh phồng nếp được bán nhiều vào những ngày giáp Tết - Ảnh: Bánh phồng Sơn Đốc
Bánh phồng nếp được bán nhiều vào dịp tết - Ảnh: Bánh phồng Sơn Đốc

Những cái tết sau này ít còn ai quết bánh phồng. Thế hệ các bà, các mẹ đã già yếu, còn các con thì đi làm xa không thể làm được cả trăm bánh phồng. Thêm nữa, bánh cũng được bán nhiều nên chỉ cần ra chợ là có ngay loại mình muốn.

Bây giờ, thấy bánh phồng là lại nhớ về không khí quết bánh phồng ăn tết sôi nổi ngày ấy. Cái cối đá, chày gỗ và cả chiếc chiếu thơm mùi bánh đi vào ký ức đẹp thời thanh xuân của bao người...

Xuân Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI