Nhớ tết là nhớ mẹ

06/01/2019 - 06:00

PNO - Cho đến bây giờ, ngay cả những lúc nhìn mẹ nằm thiêm thiếp vì cảm sốt, hay những lúc mẹ ứa nước mắt vì cơn đau khớp, tôi cũng không dám nghĩ một ngày nào đó nhà mình không còn bóng dáng mẹ.

Em gái ở xa nhắn tin hỏi: “Chị có về quê trước tết không, về bao nhiêu ngày?”. Tôi giật mình, có lẽ em đang nhớ nhà, nhớ quê, nhớ những cái tết xa ngái trong ký ức. Tết bây giờ đối với nhiều người đã đơn giản hơn rất nhiều so với 20 hay 30 năm trước. Có phải vì mình chưa từng tha hương, trong trắng trời tuyết phủ, xung quanh toàn những thanh âm xa lạ trong những ngày tết, để nhớ thương ray rứt cái nắng nơi quê nhà? Có phải vì mình tương đối đủ đầy thức ăn, quần áo; tình làng nghĩa xóm không đậm đà như xưa nên cái chộn rộn, háo hức như hồi ấy dần mai một?   

Nghĩ đến những cái tết xưa, nghe tiếc nhớ bồi hồi. 

Nho tet la nho me
Ảnh minh hoạ

Tết trên hết là sum vầy. 365 ngày, có mấy khi mình háo hức đi viếng thăm họ hàng, làng xóm hay áo quần xúng xính đẹp đẽ đâu. Cái nghèo, cái cơ cực đã đeo bám mình suốt năm dài. Thức dậy khi mặt trời hãy còn chưa tỉnh giấc, mải miết bươn bả có khi đến chạng vạng mới về. Ăn uống gói ghém giản đơn cho nhanh gọn rồi ai việc nấy. Cứ như con nước thủy triều lên xuống, có mấy khi lười biếng nằm yên không chảy? Ngày tết gác lại mọi nhọc nhằn lo toan, kết nối tình thân, quý giá biết nhường nào.

Tôi còn nhớ như in cái se lạnh đầu hôm khi gió chướng thổi về những ngày giáp tết. Đó là dịp hiếm hoi ở miền Tây, chị em tôi mặc những chiếc áo len quanh năm nằm im trong tủ. Đường từ nhà đến trường như nhỏ lại bởi tứ bề là nước bủa vây. Nước xâm xấp mặt đường. Những con cá thòi lòi ngơ ngác ôm chặt quày dừa nước dập dềnh theo từng cơn sóng nhỏ. Đi trên cầu mà có cảm giác như ngồi trên chiếc ghe nhỏ, thèm thò chân xuống làn nước mát lạnh tung tẩy cho thỏa.

Những chiếc thuyền giấy chở ước mơ ngày bé thả xuống dòng sông này cho đến giờ vẫn cứ chấp chới mãi trong tôi. Thi thoảng, ngồi xếp thuyền giấy chơi với con, nghe như thể thời gian đã ngừng lại từ lúc nào. 

Nhớ tết là nhớ mẹ. Cho đến bây giờ, ngay cả những lúc nhìn mẹ nằm thiêm thiếp vì cảm sốt, hay những lúc mẹ ứa nước mắt vì cơn đau khớp, tôi cũng không dám nghĩ một ngày nào đó nhà mình không còn bóng dáng mẹ.

Nho tet la nho me
Ảnh minh hoạ

Ba tôi có lần đùa với cháu: “Mai này không còn bà ngoại là không có thịt kho trứng cho con đâu. Không có bánh tét cho ông ngoại. Không có khổ qua hầm cho mẹ. Không có tôm kho tàu cho dì út...”. Mẹ lỏn lẻn cười như nhận một lời khen. Tôi cố cười theo cả nhà. Tối nằm im bên cửa sổ quen thuộc suốt thời con gái, nghe tiếng thằn lằn tặc lưỡi, nỗi sợ hãi lo lắng cứ mơ hồ, nỗi niềm thương yêu mẹ cứ nhoi nhói bên ngực trái. 

Thoạt nghĩ mình cũng là vợ, là mẹ, cớ sao không thể nào cả đời chỉ biết như con tằm nhả hết tơ, không màng đến điều gì như mẹ vậy? Tôi chưa từng thấy mẹ so đo với ba việc nào mẹ làm nhiều ba làm ít. Chưa từng thấy mẹ kêu ca sao mẹ không có giây phút nào dành riêng cho mình. Cũng như, chưa từng thấy mẹ ngồi trong nhà mà buồn tủi vì không có thứ này, thứ kia như nhà người ta. 

Ngày thường, mẹ đã không rảnh tay, rảnh chân. Ngày tết, từng món ăn, từng ngóc ngách nhà cửa, cây tăm, hũ muối, chai rượu trắng... không có món nào mà mẹ quên chuẩn bị chu đáo. Những năm con còn nhỏ, ngồi kéo võng ru con ngủ, nhìn mẹ lui tới bắt cái này, bỏ cái kia, nấu cái này, xào cái nọ, bày mâm cúng ông bà ngày tết, tôi hình dung rõ về sức mạnh khủng khiếp của tình yêu thương nơi trái tim đàn bà.

Tôi gửi tin nhắn cho em mình: “Chị và các cháu về một tuần trước tết. Về làm bánh tét, mứt dừa với mẹ. Về đi mua bánh tráng nướng uống trà sáng với ba. Về mua bông vạn thọ để trước sân. Mỗi sáng ngồi đếm xem bông này có mấy con ong ghé chơi hén!”. Nghe sóng mũi cay cay, như đâu đó trong thẳm sâu lòng mình có tiếng thì thầm: sắp tết rồi! 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI