Với riêng tôi, Tân Nhân là… “bà con xa”, lại ít có dịp gặp nhau, vậy mà cảm thấy rất gần gũi. Lâu rồi, vẫn chưa quên ánh mắt long lanh sáng và tiếng chào “cậu ạ” êm mát như tiếng gió lướt nhẹ qua dòng sông hiền hòa ở quê nhà trong lần gặp vợ chồng Tân Nhân ở Hà Nội…
Lúc đó, tôi mới chỉ biết Tân Nhân là vợ nhà báo Lê Khánh Căn (một cây bút chính luận nổi tiếng của báo Nhân Dân với bút danh Hồng Chuyên, về sau phụ trách Đài phát thanh Giải Phóng) mà thân phụ anh Căn lại là anh rể của tôi.
Họ Lê Khánh và họ Nguyễn Khắc tuy thuộc hai xã của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), nhưng từ cổng nhà tôi có thể nhìn thấy xóm nhà họ Lê Khánh qua một cánh đồng, nên quan hệ rất thân thiết, gắn bó. Điều “rắc rối” là chị tôi - tức chị Nguyễn Thị Vàng, chị ruột bác sĩ Nguyễn Khắc Viện - lại không phải là mẹ đẻ Lê Khánh Căn, do thân mẫu anh Căn qua đời rất sớm, sau đó chị tôi mới về làm dâu họ Lê Khánh.
Kể cũng thật… vô duyên vì “bà con xa” như thế mà lâu nay, mỗi khi nghe trầm trồ “hát Xa khơi thì chưa ai vượt được Tân Nhân”, tôi lại nói, nhỏ giọng thôi, nhưng không giấu được vẻ tự hào: “Tân Nhân gọi mình bằng cậu đó!”.
Nói vậy, cũng chính là tôn vinh đẳng cấp nghệ thuật biểu diễn Xa khơi của nghệ sĩ Tân Nhân. Nhắc chuyện bà con “rắc rối” một chút với Tân Nhân để càng thấm cuộc tình thậm “rắc rối” mà chính Tân Nhân đã chịu đựng nhiều năm ròng.
Chuyện ấy thì sau này tôi mới biết, vì “thời xưa” kiêng kỵ còn hơn cả… nghe đài BBC hay VOA; nhất là khi người nữ lại sinh trưởng tại một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và gian khó là Quảng Trị, trong một gia đình có cậu ruột là chủ tịch tỉnh; hơn thế, bản thân từng tham gia hoạt động cách mạng rất sớm khi đang học Trường Đồng Khánh Huế, rồi tham gia Đoàn Văn công mặt trận Bình Trị Thiên do Đình Quang và Bửu Tiến lãnh đạo…
Làm sao có thể “ồn ào” chuyện một nghệ sĩ như thế lại “tình tang” và có con riêng với một người đã mãi rời xa đội ngũ kháng chiến, về sống ở bên kia chiến tuyến?
Bây giờ, nhiều bạn đọc đã biết người ở “bên kia chiến tuyến” ấy là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và “kết quả” mối tình éo le Tân Nhân - Hoàng Thi Thơ là cậu bé Lê Khánh Hoài, cái tên khai sinh mang họ nghĩa phụ, sau trở thành nhà báo với bút danh mang họ mẹ Trương Nguyên Việt, và cũng là nhà văn Châu La Việt - bút danh được ghép từ các địa danh gắn bó với những kỷ niệm sâu đậm của hai người (Châu Phong - Sông La - Cửa Việt). Như thế, Châu La Việt với tôi, họ hàng càng xa, nhưng Việt vẫn gọi tôi bằng “ông” một cách nghiêm chỉnh và thân thiết.
Trong hồi ký chỉ mấy chục trang, sau khi nhắc bài thơ Xuân chết trong lòng tôi mà Hoàng Thi Thơ viết truy điệu “cô bạn đồng hương” vì tưởng cô đã hy sinh trong một trận càn ở Thừa Thiên lúc cô theo đoàn văn công biểu diễn ở đây, Tân Nhân chỉ dành mấy dòng kể “sự tích” mối tình dang dở của mình: “Xót xa thay, đó là một mối tình bất hạnh. ”(*).
Như thế, thật ra Tân Nhân chỉ mới nói đến sự tủi nhục của người con, đồng thời cũng là điều bất hạnh mà chẳng hề thốt lộ nỗi đau thầm lặng từng vò xé trái tim mình. Biết mấy nhẫn nhịn và bao dung ở tấm lòng người mẹ ấy!
Chuyện xưa đã qua gần 70 năm, người trong cuộc không giãi bày, mấy ai hiểu thấu? Mới đây, năm 2016, nhà văn - nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - người anh, người bạn đồng hương của Tân Nhân và cả Hoàng Thi Thơ, người hiếm hoi chứng kiến một phần nỗi đau ấy của Tân Nhân, trong bài viết dài đến 13 trang (sách Nghệ sĩ Tân Nhân & Xa khơi - Nhà xuất bản Văn học, 2017) đã cho chúng ta biết thêm nhiều chi tiết thú vị về cuộc đời người nghệ sĩ rất thân thiết với ông, thậm chí khi Tân Nhân vừa “vượt cạn” một mình ở vùng quê xa huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, ông đã đạp xe đến thăm. (Chứ không phải “Tân Nhân đau buồn mang cái thai vừa hình thành ra Bắc” như nhạc sĩ N.Đ.S. đã viết, cũng trong cuốn sách vừa dẫn).
Trong bài, có đoạn: “Ngày nay, chuyện một cô gái sinh con đầu lòng khi chưa chính thức kết hôn, thậm chí đứa trẻ sinh ra rồi sẽ không biết ai là bố của mình, gần như là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng sáu, bảy mươi năm về trước, đó là chuyện tày trời, nhất là đối với một người con gái đang tuổi nữ sinh, thuộc dòng dõi gia đình cách mạng, đã được kết nạp vào Đảng, lại xảy ra tại một vùng đất coi trọng tập tục cổ truyền là Nghệ Tĩnh. Gia đình thầy giáo mở rộng lòng nhân hậu, đưa cô gái có bầu về nhà mình tại một vùng quê yên bình cách xa sông Lam cả trăm cây số… nói với bà con xóm giềng: Con nớ chồng đang chiến đấu trong Nam…”.
|
|
Tuy vậy, chừng ấy chỉ diễn tả được một phần nhỏ, rất nhỏ tình cảnh Tân Nhân lúc đó. Có lẽ là do bài viết đã quá dài, chứ ngòi bút nhà văn lão luyện và sự trải đời của một người sống xuyên hai thế kỷ như anh Phan Quang, dễ dàng hình dung được tất cả. Thời ấy, trong hoàn cảnh tương tự như Tân Nhân, do không chịu nổi tủi nhục trước búa rìu dư luận và sự lên án của cơ quan, đoàn thể, đã có những bà mẹ đành phải “bỏ” thai nhi, thậm chí phải trầm mình xuống sông, xuống giếng.
Cho dù ưu ái cô nữ sinh tài sắc quê Gio Linh đến mấy, thì đoàn Thanh niên Cứu quốc, chi bộ một trường học nổi tiếng không chỉ ở Nghệ Tĩnh đã dễ gì “tha tội” cho Tân Nhân. Bao nhiêu nước mắt đã đầm đìa “chăn đơn gối chiếc” trong những đêm trắng dưới mái nhà trọ xã Bạch Ngọc bên thượng nguồn sông Lam ấy?
Chính Tân Nhân, trong bài thơ Nhớ nghe con đã viết: “Con sinh ra là một giọt lệ đau…”. Và theo hồi ký Áo tím đồi sim (Nhà xuất bản Trẻ, 2007) của dược sĩ Phan Thị Thu Quỳ, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 25, năm 1950 là học sinh Bình Trị Thiên ra học Trường Huỳnh Thúc Kháng, từng mê bài thơ “truy điệu” Tân Nhân của Hoàng Thi Thơ và hâm mộ bộ ba nghệ sĩ - học sinh lớp trước của trường là Trọng Bằng - Hoàng Thi Thơ - Tân Nhân… thì chị cũng như học sinh, đảng viên các trường trung cấp, trường văn hóa cấp III đã phải về Thanh Chương dự “đợt chỉnh huấn toàn đảng cho học sinh năm 1951.
Học cũng căng thẳng mà kiểm thảo cũng căng thẳng. Khó nhất là tự tu, tự khai khuyết điểm… phải nghĩ cho ra, mà không nói có khuyết điểm là không thành khẩn…”. Trong “không khí” rực lửa đấu tranh ấy, cô nữ sinh Gio Linh phạm tội “tày đình” làm sao thoát khỏi bị đem ra “mổ xẻ”.
Có thể sẽ có người nói: “Nhắc chi ngày xưa đó để xé buồn lòng ta!”. Nhưng nhắc lại “mối tình bất hạnh” xa xưa ấy của Tân Nhân không chỉ để hiểu thấu những đau khổ mà chị đã trải, mà để… cảm ơn cuộc đời còn có những con người nhân hậu - thầy giáo ở làng biển Cẩm Xuyên thì đã đành mà cả các “đồng chí” Trường Huỳnh Thúc Kháng năm xưa nữa - với lòng bao dung và biết quý trọng nhân tài, cho dù theo lệnh “trên” phải “kiểm thảo” cô nữ sinh “lỡ dại”, nhưng đã mở cho cô lối thoát, chứ không “đao to búa lớn” dọa nạt, lên án tội “hủ hóa”, “mất lập trường”, có thể khiến cô phải trầm mình xuống sông Lam cùng với “giọt lệ đau”. Và nhờ thế, chúng ta mới có Xa khơi như một “tượng đài âm nhạc” (chữ của tác giả Vĩnh Linh trong cuốn sách đã dẫn).
Lại còn một khía cạnh quan trọng nữa cần phải nói thêm: chính là qua “mối tình bất hạnh”, Tân Nhân càng chứng tỏ bản lĩnh mạnh mẽ và nhân cách trong sáng của mình. Có thể nói, ở vào hoàn cảnh éo le như Tân Nhân, người yếu đuối, chắc hẳn đã gục ngã. Nhưng cô nữ sinh đơn chiếc ấy đã đương đầu với hoàn cảnh khắc nghiệt. Và cô tin, sẽ đến ngày bố con được gặp nhau.
Nhưng thế cuộc trớ trêu, ai ngờ, mãi hơn nửa thế kỷ sau, điều đó mới đến! Và phải hơn chục năm nữa, vợ chồng Châu La Việt, vâng lời mẹ, mới có điều kiện vượt trùng dương đến dâng hương trên mộ người nhạc sĩ tài hoa nhưng không may mắn được yên nghỉ tại cố hương bên những người thân thiết nhất của mình.
Những quãng cách thời gian tính bằng thập niên, nửa thế kỷ ấy gợi nỗi đau chia cắt không chỉ của bộ ba Hoàng Thi Thơ - Châu La Việt - Tân Nhân! Dù sao, người hát Xa khơi cũng đã có dịp gặp lại mối tình đầu khi cả hai đã ở tuổi xế chiều và điều mong ước cuối cùng như là một di chúc mà chị gửi đến Bộ Văn hóa - Thông tin đề nghị cho phổ biến những nhạc phẩm giàu lòng yêu quê hương xứ sở của Hoàng Thi Thơ cũng đã được thực hiện.
Thì ra, người nghệ sĩ tuy phải sống xa quê hương nhưng vẫn chung thủy với nhân dân, đất nước và Tân Nhân, dù rất mực thương yêu kính trọng Lê Khánh Căn, vẫn thể hiện lòng thủy chung với mối tình đầu tiên…
Như thế, “mối tình bất hạnh” thời trẻ của Tân Nhân có thể gọi là một “bi kịch lạc quan” như tên một vở kịch quen thuộc với thế hệ người hát Xa khơi nổi tiếng. Cũng đáng gọi là “lạc quan” khi người tình cũ coi như mất tích bởi một vết chia cắt không phải ai cũng vượt qua được thì Tân Nhân gặp lại người “đồng chí” mà từ thời còn là nữ sinh Đồng Khánh, cô đã xem là “những thần tượng cao vời” (cùng với các tên tuổi về sau đều nổi tiếng như nhạc sĩ Trần Hoàn, chị Lê Thị Kinh, nhà văn Nguyệt Tú…).
Trong khi Tân Nhân còn “chưa hoàn hồn sau lần qua sông đầu tiên” thì chính nhà thơ Tố Hữu đã nhiệt tình vun vô rồi ra tay “tổ chức” tiệc cưới vào một ngày xuân Hà Nội còn đầy khó khăn sau chín năm chống Pháp, với “món” ngon nhất là… mấy bài hát của chính cô dâu. Kể cũng là chuyện thú vị khi đứa con thứ hai của Tân Nhân trở thành con rể của nhà thơ Tố Hữu…
Không phải là tất cả, nhưng có thể nói, mối tình bất hạnh dang dở Hoàng Thi Thơ - Tân Nhân không chỉ góp “sóng ngầm” làm nên sức lay động bao con tim với Xa khơi mà còn là chất liệu ban đầu tạo nên tiểu thuyết sử thi Huế ngày ấy. Thì ra, không phải tiếng cười mà tiếng khóc, lệ tuôn, buồn đau mới là nguồn cội của nghệ thuật. Cũng không phải là tất cả, nhưng đó là quy luật tạo nên những tác phẩm lớn để đời. Truyện Kiều là thế và biết bao tác phẩm lớn của nhân loại đều như thế. Điều kỳ diệu là những tác phẩm ấy cũng như Xa khơi lại có sức nâng đỡ con người, gợi nhắc con người hãy biết sống nhân nghĩa và hướng thượng, cho xứng với danh hiệu CON NGƯỜI viết hoa!
Nguyễn Khắc Phê
(*) Những dòng in nghiêng trong bài đều trích từ sách Nghệ sĩ Tân Nhân & Xa khơi - Hồi ký & Thơ (NXB Văn học, 2017)