Nhớ sao cá vét ao kho mặn

29/11/2024 - 07:00

PNO - Nhà tôi có cái ao lớn, cứ đến độ cuối năm, cả nhà lại rộn ràng vét ao, hệt như chuẩn bị cho một mùa xuân mới.

Những ngày này, thành phố nơi tôi sống cũng đã bắt đầu chớm đông. Chiều đi làm về, giữa con hẻm nhỏ, hương cá kho nhà ai thoảng qua bất chợt khiến lòng tôi dâng lên nỗi nhớ quay quắt về hương vị của những ngày thơ bé. Ba tôi gọi món ăn ấy bằng cái tên dân dã "cá vét ao kho mặn". Dẫu không phải sơn hào hải vị, cũng không chỉ riêng tên một loại cá nào, nhưng những năm tháng ấy, bao giờ tôi cũng háo hức ngồi bên bếp củi xem mẹ kho cá.

Nhà tôi có cái ao lớn, cứ đến độ cuối năm, cả nhà lại rộn ràng vét ao, hệt như chuẩn bị cho một mùa xuân mới. Từ tờ mờ sáng, ba đã chuẩn bị chiếc lưới lớn, tung mạnh ra giữa ao. Mẹ cầm sẵn xô chậu, phụ ba phân loại cá. Những con cá lớn được bán cho lái buôn, còn những con cá nhỏ, lọt lưới hay nằm lẫn trong bùn đất, đó chính là "cá vét ao" mà ba mẹ thường giữ lại.

Để bắt được những con cá nhỏ này, ba bắt đầu tháo nước từ ao ra ruộng. Vừa tháo nước, ba vừa dùng rổ nhỏ chặn ngay đường nước chảy. Những con cá lia thia, cá lóc, cá bống lẫn đầy bùn đất giờ nằm gọn trong chiếc rổ con con ấy. Ba đưa tay quệt ngang dòng mồ hôi lấm tấm trên trán rồi nhìn mẹ, cười hiền: “Năm nay cá vét ao cũng được khá lắm đó bà”. Chỉ khi ấy, tôi mới hiểu, cá vét ao là những con cá còn sót lại sau khi đã bán đi những loại cá lớn.

Mẹ chờ ba xúc cá đầy rổ, dùng chiếc rổ khác đựng cá rồi mang ra bờ kênh chao nhiều lần cho sạch bớt bùn đất, rong rêu. Mẹ cười bảo, cá vét ao tuy nhỏ nhưng ngọt thịt, khi kho lên sẽ thấm đượm gia vị và quan trọng hơn nữa là giúp gia đình tôi tiết kiệm được một khoản đi chợ.

Khi cá đã được rửa sạch, mẹ đổ ra rổ lớn để cho ráo nước. Sau đó, mẹ ra sau nhà đào mấy củ nghệ tươi, cắt thêm lá nghệ và lá gừng non rồi rửa sạch. Để món cá thêm đặc biệt, mẹ thêm nghệ, củ nén và hành tím giã nhuyễn lên trên, rồi cho thêm dầu phộng trước khi đậy kín nắp. Ướp cá chừng hơn 1 giờ, mẹ lui cui nhóm bếp củi, nấu nồi cơm nóng rồi bắt đầu cời than qua chiếc lò bên cạnh. Mẹ bắc nồi cá lên bếp than hồng liu riu, thi thoảng lại đẩy thêm than vào để đảm bảo độ nóng cho cá chín.

Dĩa cá vét ao kho mặn hao cơm  - Ảnh do nhân vật cung cấp
Dĩa cá vét ao kho mặn hao cơm - Ảnh do nhân vật cung cấp

Trời bắt đầu trở mình với cơn mưa nhè nhẹ. Căn bếp nhỏ nhà tôi ngập trong mùi cá kho đậm đà, phả lên bầu không khí ấm cúng. Tôi háo hức chờ đợi được thưởng thức thì mẹ bảo cá vét ao kho mà ăn vội thì giảm mất độ ngon. Khi cá đã ngấm đủ gia vị, mẹ cắt nhỏ lá gừng, lá nghệ non rồi trải đều lên trên. Tiếp đó, mẹ nhẹ nhàng quạt cho lớp tro bay bớt, để lộ những ánh than rực đỏ rồi quay sang tôi thì thầm: “Khi nào cá cong cứng lại, nước trong nồi sệt quánh và cạn gần hết, đó mới là lúc cá kho đạt đến độ đậm đà”.

Cá vét ao có thể ăn cùng cơm, cháo trắng, cuốn bánh tráng hay thậm chí ăn với bún tươi đều hấp dẫn.

Mùi cá kho thoảng qua chiều nay làm bao ký ức trong tôi chợt ùa về. Lại nhớ những ngày thơ bé, cùng ba mẹ ra ao vét cá, nhớ tấm lưng đẫm mồ hôi của ba, nhớ đôi tay mẹ lấm lem bùn đất, thoăn thoắt chao từng rổ cá bên bờ kênh; nhớ cả lửa bập bùng và hương củi nồng nàn của khói chiều quyện vào nồi cá vét ao kho mặn.

Ngọc Nữ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI