Nhớ sao ba khía Đầm Dơi

07/11/2024 - 06:34

PNO - Mùa ba khía rộ là tầm từ tháng Bảy đến tháng Mười âm lịch. Cứ vào mùa ấy, cơm nước xong, khi màn đêm buông xuống là ông ngoại lại lấy đèn đi bắt ba khía.

“Nhớ con ba khía Đầm Dơi,

Nhớ tô cơm nguội sớm mơi đỡ lòng.

Đừng lo cưới vợ miệt đồng,

Ba khía cơm nguội ăn ròng cả năm”.

Tiếng cô hướng dẫn viên du lịch ngâm nga làm khách trong đoàn tham quan vỗ tay tán thưởng. Trong chuyến đưa gia đình người bạn ở nước ngoài về chơi, tôi có dịp ghé lại quê hương Đất Mũi sau bao năm dài xa cách. Từ ngày ông bà ngoại mất, rồi gia đình cậu, dì cũng lên thành phố lập nghiệp, dễ đến chục năm rồi tôi chưa về lại nơi này.

Những bãi sình lầy nơi rừng ngập mặn là nơi ba khía thường sinh sống - Ảnh do nhân vật cung cấp
Những bãi sình lầy nơi rừng ngập mặn là nơi ba khía thường sinh sống - Ảnh do nhân vật cung cấp

Bữa cơm đãi đoàn trưa nay có món mắm ba khía. Bẻ cái càng ba khía hồng hào, chan miếng nước mắm ba khía trộn với đường, ớt, tỏi vô chén cơm, tôi nhớ đến nao lòng những đêm ngày xưa theo ông ngoại đi bắt ba khía.

Mùa ba khía rộ là tầm từ tháng Bảy đến tháng Mười âm lịch. Cứ vào mùa ấy, cơm nước xong, khi màn đêm buông xuống là ông ngoại lại lấy đèn đi bắt ba khía. Tôi tròn mắt hỏi: “Ban ngày trời sáng, vừa thấy đường đi, lại nhìn rõ con ba khía sao ông hông bắt, lại chờ tối hù mới bắt vậy ông?”.

Ngoại cười, xoa đầu tôi giải thích: “Ban ngày, ba khía thường trốn biệt ở trong hang, muốn bắt phải dùng móc sắt. Mình thấy đường thì nó cũng thấy đường, nó bò nhanh cấp kỳ, lấy đâu mà bắt. Chỉ có cách dùng móc thọc vô hang rồi ngoéo nó ra, cực lắm mà không được bao nhiêu”.

Ban đêm, ba khía rời hang đi kiếm ăn. Người bắt ba khía phải lội bùn, soi đèn, thấy con nào là nhanh tay chụp. Mà chụp cũng phải có kỹ thuật - phải thật nhanh, không để ba khía kẹp trúng tay. Hễ đã bị ba khía kẹp thì rất khó gỡ, không khéo là làm gãy luôn cái càng của con ba khía.

Tôi để ý thấy mấy người bắt ba khía hay đeo găng tay để lỡ có bị kẹp thì đỡ đau. Riêng ông ngoại thì chưa bao giờ phải xài bao tay, dù bà ngoại có để sẵn ở nhà. Ông bắt rất giỏi, là một tay… sát ba khía. Ông nói đeo găng vướng víu, chậm chạp chứ chẳng ích gì.

Có lần, tôi năn nỉ mãi, ông quyết định cho thằng cháu cưng đi theo. Tôi nhớ năm đó mình vừa tròn 6 tuổi. Đêm đó, ông không lội bùn mấy chỗ nước sâu mà chỉ dắt tôi đi ven mấy bãi bồi. Ông xách theo cây móc sắt đầu uốn cong cong.

Mỗi khi phát hiện hang ba khía, ông cầm tay tôi thò cây móc vào miệng hang, chờ con ba khía đưa cặp càng kẹp vào móc sắt là nhanh tay lôi ra ngoài. Thấy con ba khía kẹp lủng lẳng ở đầu móc, tôi vỗ tay reo ầm. Con ba khía chợt nới lỏng càng, rơi ra ngoài thùng nhựa. Theo phản xạ, tôi nhào tới chụp, bị nó kẹp vào tay đau điếng. Nghe tiếng tôi khóc váng, ông ngoại cầm luôn bàn tay có treo con ba khía lủng lẳng của tôi đưa lên miệng cắn rốp một cái bể luôn chiếc càng, giải thoát cho tôi.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Những tháng mưa dầm, chợ thì xa, mâm cơm của ngoại luôn có món ba khía làm chủ lực. Ba khía nướng thơm lừng, ba khía rang me, ba khía hấp chấm muối tiêu chanh. Nhưng ngon và bắt cơm nhất vẫn là mắm ba khía. Mắm ba khía trộn gỏi đu đủ, mắm ba khía chan cơm nguội ăn hoài không biết no.

Ngoại mất rồi, nhà đất cũng bán, con cháu lên thành phố lập nghiệp, lâu lâu thèm chỉ còn cách ra chợ mua mắm ba khía về, nhưng sao vẫn không tìm lại được hương vị ngày xưa.

“Lẫn trong hương vị mặn mòi,

Miếng cơm cơ cực đẫm mùi quê hương.

Xa rồi lòng cứ vấn vương,

Để thương, để nhớ bước đường bôn ba”.

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI