Cô sinh viên năm nhất Huyền Thư – ngành Quy hoạch đô thị, Đại học Auckland (New Zealand) đến với thi ca chưa đầy hai năm, sáng tác gần 300 bài thơ, trong đó có 40 tác phẩm được giới thiệu trên sách, báo, tạp chí. Mỗi khi trong đầu xuất hiện tứ thơ hoặc cảm xúc đong đầy, ngay lập tức cô sáng tác trên điện thoại và lưu trữ trong email.
‘Cảm xúc khi đến một mức nhất định, mỗi người sẽ tự giải tỏa theo cách riêng của mình. Tôi viết để thỏa mãn nhu cầu, và đôi khi soi lại những cảm xúc buồn – vui ấy để biết rõ mình đúng hay sai, cần sửa chữa điều gì trong cuộc sống thực tại’. Hòa cùng tiếng lòng của những nhà thơ trẻ: rung động lứa đôi, tình cảm gia đình, nỗi niềm khắc khoải xa quê hương, Huyền Thư vẫn tạo được nét khác biệt – điều cần và có của một thi sĩ: ‘Nhưng tôi vẫn chờ tiếng thì thầm từ Châu Đại Dương/ Chờ đôi mắt em thốt lên những điều dịu dàng nhất/ Hơi ẩm gió mùa mang làn hương sự thật/ Còn tôi thương em… như một lẽ rất đời’…
|
Nhà thơ Huyền Thư |
Khi hay tin mình đạt giải nhì trong cuộc thi thơ trẻ New Zealand 2016 do trung tâm viết văn của trường đại học Victoria tổ chức, Huyền Thư (tên thật là Tăng Thị Huyền Anh) xúc động cho biết: 'Thành tích đạt được là một điều vô cùng bất ngờ, do tôi chưa bao giờ nghĩ tham gia cuộc thi vì cơ hội với giải thưởng. Cũng bởi tình cờ một người bạn giới thiệu và khuyên tham dự nên tôi đồng ý gửi bài vào thời hạn cuối cùng của cuộc thi.
Và khoảng một tháng sau đó thì nhận email báo tin được giải. Cảm giác lúc đó vô cùng bối rối nhưng cũng rất hạnh phúc. Nhờ giải thưởng, mà tôi có cơ hội tham gia một buổi trại sáng tác tại đại học Victoria, Wellington. Qua đó tôi may mắn được gặp gỡ và học hỏi các bạn trong top 10 cuộc thi đến từ nhiều thành phố trên cả nước'.
Bài thơ đoạt giải 'Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu?' đã đề cập đến hậu quả của trận lụt kinh hoàng, cô viết bằng tiếng mẹ đẻ và tự chuyển ngữ sang tiếng New Zealand. Duyên cớ Huyền Thư đến với thơ ca cũng rất tình cờ, tựa như lần được giải thưởng trong cuộc thi thơ trẻ.
Trước đây, có đôi khi Thư sáng tác truyện ngắn, nhưng lại không có nhiều thời gian để viết liền mạch nên mọi thứ viết ra còn… hơi lộn xộn! Tình cờ, một người bạn gợi ý Thư đến với thơ. Trùng hợp sao, thời gian ấy Thư đọc được một bài thơ hay của nhà thơ trẻ Nguyễn Trường Phong. 'Tôi đã đọc say mê. Và đồng ý với bản thân sẽ bắt đầu đem cảm xúc của mình gửi gắm trong thơ', cô gái trẻ tâm sự.
Vậy là Thư bắt đầu viết, từ khoảng đầu năm 2015. Với cô, thơ ca là một phần vô cùng quan trọng với cuộc sống thực tại. Nhiều lúc cô cảm thấy việc mình viết cũng giống như chuyện ăn, ngủ hàng ngày - không có sẽ rất khó chịu. Và, cũng nhờ có thơ mà cảm xúc của Thư được giải tỏa nhiều. Nỗi nhớ quê nhà rất rõ rệt, bên cạnh đó Thư còn chia sẻ nhiều câu chuyện được nghe hay những điều tận mắt chứng kiến từ cuộc sống xung quanh.
Cứ thế, mỗi ngày qua đi trong tuổi trưởng thành là một lần Thư nhìn thấy những góc cạnh của cuộc sống, và trong đó có vô số điều làm bản thân suy tư. Và khi cô viết một bài thơ chính là lúc tự mình trải nghiệm lại những điều đã thấy, giúp hoàn thiện cá nhân và để tâm hồn lắng lại sau những ồn ào vốn có của cuộc sống.
Điều thú vị, là cô sinh viên trẻ 20 tuổi hiện đang theo học ngành Quy hoạch đô thị. Có cảm giác, nghề nghiệp tương lai và sở thích thơ ca – hai điều hoàn toàn khác nhau, đôi khi lại giúp bản thân cô được lấp đầy và cân bằng những khoảng trống của cuộc sống. Chọn Quy hoạch đô thị, một chuyên ngành gần gũi với kiến trúc, nhưng bên cạnh những mẫu thiết kế thì còn liên quan rất nhiều đến nhu cầu cuộc sống của người dân.
Ở thời đại mà cuộc sống đô thị đã cuốn hút rất nhiều dân số thế giới, Huyền Thư luôn có ước mơ sau này chúng ta sẽ sống thông minh với những thiết kế đô thị bền vững để bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc và ô nhiễm. Hoặc ít nhất là tạo ra một không gian sống thoải mái cho bản thân. Thư đã có những hồi ức đẹp về tuổi thơ để viết thành bài thơ nên cô cũng rất muốn mình bây giờ và sau này sẽ sống thật – đáng - sống, bắt đầu từ việc học cách tạo không gian và môi trường thoải mái cho sức khỏe và tinh thần của chính mình và mọi người xung quanh.
Cô gái trẻ Huyền Thư sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ nên có một tuổi thơ khá giản dị. Nhiều hồi ức hay hình ảnh Thư viết trong các bài thơ là những nét đẹp chân thật của làng quê cô từng sống. Thư luôn tin rằng mọi người ai cũng có một tuổi thơ để mãi nhớ nhung.
Bản thân cô may mắn được hiểu rõ về làng quê và cảm nhận tình người ấm áp nơi đó nên đôi khi cuộc sống thành thị khiến Thư rất nhớ những tháng ngày thong thả, bình yên đã cũ. Vì vậy nếu có ai đó bất chợt tự hỏi những gì đã tạo nên con người Thư, thì có lẽ đó là kỷ niệm và trải nghiệm - những kỷ niệm tuổi thơ ở làng quê cũng như trải nghiệm từ những vùng đất đã đi qua và đang sống.
Huyền Thư hiện đang du học, sống xa nhà, nên cảm giác nhớ quê, nhớ gia đình âu cũng là điều dễ hiểu. Nhất là những dịp lễ tết khi nhà nhà sum vầy thì cảm giác trống trải trong Thư lại càng dâng đầy. Nhưng ngược lại, Huyền Thư cũng ý thức mình đã nhận được rất nhiều trong những tháng ngày qua.
Đặc biệt phải kể đến là trải nghiệm bản thân về thiên nhiên, con người, lịch sử và văn hóa của vùng đất mình đặt chân đến. Từ đó mở mang được tầm nhìn của bản thân để trở thành một người mạnh mẽ và tự lập. Cái được đồng hành cùng cái mất, nhưng cô chấp nhận vì Thư nghĩ tuổi trẻ của mình như vậy là hạnh phúc.
Luôn nuôi trong mình mong muốn được đi du lịch đến nhiều vùng đất trên thế giới - thành phố, làng quê, vùng cao, thảo nguyên hay sa mạc... Đi để trải nghiệm cuộc đời. Và biết đâu trải nghiệm nhiều thì sẽ càng viết được nhiều điều tuyệt vời hơn nữa. Cô gái trẻ cũng ấp ủ ước vọng, khi có điều kiện sẽ dành thời gian đi làm tình nguyện, và giúp đỡ những em nhỏ khó khăn.
Huyền Thư tâm sự, cô chỉ mong mọi thứ diễn ra ở mức đơn giản nhất có thể. Ngay từ khi còn nhỏ, Thư luôn cảm nhận được ý nghĩa của những điều giản dị. Đôi khi những điều rất nhỏ thôi lại mang đến ý nghĩa thật lớn trong cuộc sống chúng ta. Đặc biệt là những điều đến từ trái tim thì luôn dễ dàng chạm đến trái tim nhất. Cô hy vọng bản thân và mọi người đều có thể sống vui và không tỵ hiềm nhau những điều tầm thường, nhỏ nhặt.
Huyền Thư tự nhận, có lẽ bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm để nói những điều sâu sắc về cuộc sống, nhưng cô luôn nghĩ lòng bao dung sẽ cho con người một cuộc đời thanh thản, vì suy cho cùng bao dung người cũng chính là bao dung cho mình. Hỏi cô gái về tình yêu, Huyền Thư thận trọng bộc bạch: 'Tôi không có kinh nghiệm và trải nghiệm gì nhiều. Đôi khi tôi sống bằng quan niệm để cho mọi thứ đi theo quỹ đạo của nó một cách tự nhiên, điều gì đến ắt hẳn sẽ đến. Và dù cuộc sống hay tình yêu cũng vậy, chúng ta chỉ hạnh phúc khi không gượng ép'.
Khánh Thủy
Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu?
Có biết những buổi xót lòng đôi mùa lũ sông ngập đồng, lúa chết.
Khói rạ chiều quê hun hao gầy mắt biếc. Có cậu bé nhà bên bắt bầy cá diếc. Bỏ tận đáy chum như sợ tuổi thơ đi mất cuối ngày
Về lại con đường đá sỏi mùa mưa bay. Theo tiếng sáo diều ra quá triền đê phía ngoài đầu xóm. Gặp bà cụ khuyết răng cười nguyên miệng móm. Đứng dựa gốc tre chờ mãi thằng con từ phố sắp về nhà
Nhớ rất nhiều là nhớ những ngày qua. Thiên lý nồng hương, chiều hạ buồn mắt bão. Lũ ve sầu được mùa sục sạo. Mừng khóm hòe gần độ biết đơm bông. Hàng cây năm ấy ông trồng. Đẻ những tán xòe, tán xanh trong lòng người ở lại
Có còn đâu thơ dại? Đủ cho nỗi đau mùa cũ tự mọc mầm. Đứng trước bóng mình để dặn nỗi trầm ngâm: “Đừng khóc! Vì còn dấu chân cõng muôn vàn lời hứa”
Học tiếng vỡ lòng từ quê hương lần nữa. Để biết yêu hơn một làng xưa, nắm đất, gia đình. Rồi nơi đâu đó thuộc về hình hài cũ. Người đã biết mình là trọn một sinh linh
Trong nỗi nhớ có hạt nắng bình minh. Có dấu gót giày về trên nền gạch mốc. Trong tiếng mở cửa về cọ diêm đốt thuốc. Là trăn trở nốt xem: nhớ đến bao nhiêu là nỗi nhớ đã nhiều?