Chỉ bởi vì, người dân đã quen, đã nhớ hình ảnh ông Sáu Dân, anh Sáu Dân, chú Sáu Dân luôn có mặt ở khắp nơi, luôn tận mắt nhìn thấy những diễn biến trong đời sống của đất nước, luôn lắng nghe những câu chuyện từ dân và luôn cùng với tập thể cán bộ các cấp các ngành, các chuyên gia tìm mọi cách giải quyết nhanh nhất, rốt ráo nhất những vấn đề của dân, của con người – dù những vấn đề đó khó đến đâu, phức tạp như thế nào.
Nhớ ông, khi dân chúng Sài Gòn những ngày đầu sau 30/4/1975 thiếu gạo gay gắt, ông đã tự nhận lấy trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Đảng, chỉ đạo cán bộ về miền Tây mua gạo phá giá nhà nước gấp 5 lần. Rồi, bất chấp chủ trương “ngăn sông cấm chợ” của Trung ương, ông cho phép “chở lậu” gạo về phân phối cho dân. Có người sợ vì đó mà có thể bị quy là phạm pháp, ông nói rất nghiêm túc: “Nếu các anh chị vì làm nhiệm vụ được phân công mà bị bỏ tù, tôi sẽ đi đưa cơm”.
Cán bộ có trách nhiệm đều hiểu, không phải ông khuyến khích chuyện phạm pháp. Ông chỉ muốn cán bộ nhận rõ trách nhiệm cao nhất của mình trước dân: không thể để dân đói, không thể để lòng dân bất an và xã hội bất ổn. Sự thay đổi sau đó không lâu của Chính phủ Trung ương trong chính sách lưu thông phân phối đã chứng minh sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của ông là đúng trong vai trò “là người đày tớ trung thành của nhân dân”.
Nhớ ông, thay vì ngồi chờ Trung ương sửa chủ trương lỗi thời đã chỉ đạo “xé rào” để mua, để nhập vật tư nguyên liệu, xăng dầu và phụ tùng thay thế cùng với cải thiện tiền lương cho sản xuất công nghiệp sống lại mạnh mẽ với Dệt Cosevina, với Thuốc sát trùng miền Nam, với Thuốc lá Khánh Hội, với Dệt Thành Công... Cũng là ông, đã thuyết phục các cấp ủy không thực hiện chủ trương “hợp tác hóa hoàn toàn miền Nam”, vì qua khảo sát thực tế thấy chủ trương này không hiệu quả.
Nhớ ông, từ năm 1978, khi nhận thấy điện cung cấp cho sản xuất và đời sống thiếu trầm trọng, đã chỉ đạo khảo sát và xây dựng nhà máy thủy điện Trị An. Công trình thủy điện đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất đã phá kỷ lục về thời gian hoàn thành, không những giải quyết nạn thiếu điện ở đô thị mà còn góp phần điện khí hóa nhiều khu vực nông thôn Nam Bộ.
|
Ảnh: Nguyễn Công Thành |
Khi cùng các cấp ủy Đảng trong cả nước thực hiện chủ trương hòa hợp sau ngày 30/4/1975, chính ông đã mở mũi đột phá trong cách ứng xử với thành phần trí thức, công chức và gia đình sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn. Ông từng yêu cầu cán bộ dưới quyền (ông Huỳnh Kim Báu là một trong số đó) đi đón những anh chị em trí thức bị giam giữ vì vượt biên về cho ông gặp và nói với họ: “Nếu phải ra đi vì không thể ở lại thì cứ nói với tôi, đừng đi như vầy nguy hiểm lắm”.
Ông cũng là người, khi báo Tin Sáng – tờ báo tư nhân duy nhất ở Sài Gòn tồn tại từ 1975 đến 1981 bị cho “hoàn thành nhiệm vụ”, đã giải quyết chu đáo cho nhiều anh chị em ở đó về làm việc tại các tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ... Trừ một số người sau này xin nghỉ việc, chuyển ngành hoặc đi xuất cảnh, những anh chị em của Tin Sáng cũ đều làm việc hệu quả ở các tòa soạn báo cho tới ngày nghỉ hưu.
Nhớ ông, từ năm 1981 đã chỉ đạo thành lập Văn phòng Kinh tế của Bí thư Thành ủy và giao trách nhiệm đứng đầu cho Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh – người từng là Phó Thủ tướng, rồi quyền Thủ tướng của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Với quyết định này, ông Sáu Dân đã trở thành vị lãnh đạo cấp cao đầu tiên sau 1954 (ở miền Bắc) và sau 1975 (ở Việt Nam) dám sử dụng nhân sự cấp cao của chính quyền cũ phục vụ cho chính quyền mới.
Khi đã không còn làm thủ tướng, đã rời hẳn chính trường từ sau ngày thôi làm cố vấn của BCHTW Đảng, trách nhiệm công dân vẫn đau đáu từng ngày trong cuộc sống của ông Sáu Dân, khi ấy đã bước vào tuổi tám mươi. Nói trên VietNamNet ngày 12/4/2008, chỉ 2 tháng trước khi mất, ông Sáu Dân nhắc nhở mọi người (cũng là tự nhắc mình chăng?): “Xã hội sẽ không phát triển nếu không có chính sách kích thích một bộ phận dân chúng vươn lên làm giàu chính đáng. Nhưng, nếu không có chính sách hợp lý và không chống được tham nhũng để quá trình “tích lũy tư bản” diễn ra như thời “hoang dã” (nhờ hối mại quyền thế và có được đặc quyền khai thác tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất đai), thì không bao giờ tạo ra được công bằng và sự phát triển bền vững.
Có lẽ, chưa có một quốc gia nào bày tỏ sự quan tâm đến người nghèo một cách thường xuyên như ta. Thậm chí, với nhiều người, nó đã dần trở thành một thứ khẩu hiệu. Sự quan tâm đến người nghèo bằng các phương tiện truyền thông, qua các bài phát biểu, cuộc nói chuyện hay bài viết, tôi nghĩ, là đã quá đủ. Chúng ta cần nhìn vào các số liệu điều tra sau đây của UNDP để thấy, chúng ta đã thực sự làm được những gì: Nhóm 20% những người giàu nhất ở Việt Nam hiện đang hưởng tới 40% lợi ích từ các chính sách an sinh xã hội của nhà nước; trong khi, nhóm 20% những người nghèo nhất chỉ nhận được 7% lợi ích từ nguồn này”.
|
Ảnh: Thanh Đạm |
Không chỉ day dứt với câu chuyện “không thể để người nghèo chịu thiệt thòi mãi”, ông Sáu Dân chính là một trong số rất hiếm hoi cán bộ lãnh đạo cấp cao đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ tương tác cộng sinh của báo chí và đời sống nhân dân, như một yếu tố không thể thiếu để xã hội phát triển lành mạnh.
Từ năm 2007, cũng trên VietNamNet, ông đã nói với báo chí những điều trách nhiệm tận đáy lòng của một người cả đời chỉ biết có Đảng, Đất Nước và Nhân Dân: “Không thể có một xã hội phát triển lành mạnh theo đúng các chuẩn mực văn minh nếu trong xã hội đó thiếu sự công khai, minh bạch. Tôi lấy ví dụ từ một vụ việc vừa được báo chí đề cập: hàm lượng chất 3-MCPD trong một số loại nước tương vượt quá giới hạn cho phép đã được phát hiện từ trước. Thế nhưng, từ các cơ quan chức năng đến nhà sản xuất vẫn để các loại nước tương có thể gây hại sức khỏe đó lưu hành cho đến khi kết quả kiểm nghiệm được thông tin trên báo chí!
Sức mạnh của sự công khai, có thể nói, đã giúp người tiêu dùng có thái độ đúng, buộc các cơ quan nhà nước phải thực thi trách nhiệm và thức tỉnh các nhà doanh nghiệp ý thức đầy đủ hơn đạo đức và văn hóa kinh doanh.
Vụ nước tương cho thấy báo chí không chỉ công khai những gì mình muốn mà còn có nghĩa vụ công khai tất cả những điều xã hội cần. Cũng không thể nhận thức một cách thô thiển báo chí chỉ là công cụ trực tiếp của một cơ quan, tổ chức nào đó. Báo chí chỉ thật sự hữu ích khi đồng thời trở thành công cụ của xã hội, của đại chúng”.
10 năm ông Sáu Dân từ giã thế giới mà chúng ta đang sống. Chỉ bấy nhiêu câu chuyện chưa đầy đủ về ông đủ để biết rằng vì sao nhiều người trong chúng ta hôm nay lại thấy nhớ ông, thiếu ông đến thế....
Nguyễn Thế Thanh