Nhớ ơi rau mùi

17/11/2020 - 06:57

PNO - Rau mùi đặc biệt ngay từ cái tên, nó đích thị là loại rau gia vị, làm giàu lên bữa ăn gia đình.

Mỗi khi gió mùa đông bắc tràn về mang theo mưa lạnh, mẹ tôi lại lấy nắm hạt rau mùi từ mùa trước đem gieo.

Đất gieo rau mùi được mẹ tôi chuẩn bị rất kỹ, chiếc cào sắt xới qua xới lại cho đất nhỏ mịn, rồi mẹ bón thêm phân chuồng hoai mục. Đất và phân trộn lẫn vào nhau thật nhuần nhuyễn, khi ấy hạt mới được đem gieo. Mẹ cầm nắm hạt lắc rắc một lượt như gieo sạ, một lớp hạt rải đều lặng lẽ nằm yên trên đất.

Gieo hạt cũng là một nghệ thuật, không phải ai cũng làm được. Xong xuôi đâu đấy, mẹ lại lấy cây cào khua đất một lượt nữa, rồi rắc một lớp trấu mỏng lên trên.

Mưa xuống, hạt mưa phùn phây phẩy như mưa xuân. Đêm nằm lắng nghe mầm tách hạt. Cu Tý sốt ruột cầm đèn pin ra soi, nó hét toáng lên khi nhìn thấy cái mầm xanh yếu ớt đội vỏ hạt nhô lên. Qua đôi ba ngày, màu xanh đã phủ kín luống. Mẹ tôi bảo, vậy là đạt, vì có năm hạt rau mùi giống thu hơi, mẹ gieo mãi chẳng lên cây nào.

Cây rau mùi con trông mong manh, yếu ớt như que tăm. Chững thêm tí chút, mẹ nhổ tỉa cho thông thoáng. Cái giống chi lạ, chỉ cần chạm nhẹ, mùi thơm đã sực nức bàn tay, mùi thơm phả vào người, vào mặt mũi. Đám rau lít nhít ấy, mẹ tôi trộn lẫn với mớ cải con, ít giá ủ, vậy là thành món rau ghém nhớ đời.

Rau mùi đặc biệt ngay từ cái tên, nó đích thị là loại rau gia vị, làm giàu lên bữa ăn gia đình. Nhớ ngày xưa, vào mỗi sớm mùa đông bên gian bếp tối và khói, mẹ tôi thường ngồi nấu cháo.

Chỉ là cháo trắng thôi, hạt gạo ninh nhừ nở lúp búp như hoa, mẹ cho vào nhúm rau mùi cắt nhỏ, vậy thôi mà cả nhà quây quần ăn một cách ngon lành. Tụi trẻ húp sột soạt, đến nỗi toát cả mồ hôi, đến nỗi quên hỏi tại sao hôm nào mẹ cũng nấu cháo. Cháo rau mùi làm sống mũi tôi cay mỗi khi nhớ về.

Sau này, khi điều kiện kinh tế khấm khá hơn, xào, xúp gì mẹ tôi cũng thường châm thêm rau mùi. Có khi rau hết lứa, chưa kịp mua, mẹ dùng đỡ hành lá, mùi tàu nhưng vẫn thấy thiếu vắng lắm.

Cu Tý bảo cây rau mùi “nhỏ mà có võ” ghê, lần sau chị cứ cắt ngang cây, thể nào nhà mình cũng có rau ăn dài dài. Cao kiến của cu Tý vậy mà hay, từ dạo đó, cần lúc nào tôi chỉ việc ra vườn là có ngay.

Khoái nhất là mỗi lần mẹ tôi đổ bánh khoái. Nguyên liệu cho bánh khoái tôi nghĩ cũng như nhiều loại bánh thông dụng như bánh đa, bánh mướt… Cũng là gạo, là nếp, trộn theo tỷ lệ nhất định rồi xay bột nước. Nhưng điều khác biệt ở bánh khoái là rau mùi được xem như một nguyên liệu quan trọng, không thể thiếu và không thể thay thế.

Bánh khoái không chín bằng hơi như bánh mướt. Mẹ tôi dùng cái niêu đất đáy nông, lòng nhỏ như cái bát tô, quệt một lớp mỡ lá rồi đổ bánh. Mỗi cái bánh khoái chỉ cần chừng một muôi bột nước là đủ. Phút trước đậy vung, nổi lửa hừng hực, phút sau bánh chín đã có thể khơi ra ăn.

Bánh khoái ăn càng khoái, khi ăn cùng nộm rau nhót, sung nếp, bắp chuối luộc vắt sơ, rau thơm lại vẫn rau mùi, chấm nước mắm tỏi ớt. Bánh nóng mềm lại giòn, thơm hương gạo nếp, hương rau mùi đặc trưng.

Cây rau mùi để càng già càng thơm, thơm nhất là khi mùi kết hạt. Từ xa xưa, dân gian đã biết đến cây mùi già như một vị cứu tinh giúp sát khuẩn và gột rửa tất cả bụi bẩn, điềm gở và xui xẻo đeo bám trong năm cũ.

Chẳng thế mà năm nào cũng vậy, dù có bận đến mấy thì cũng thành lễ, cứ đến chiều 30 tết, mẹ tôi lại ra vườn cắt một bó rau mùi già, rửa sạch, nấu một nồi thật lớn để cả nhà tắm tất niên. Chúng tôi như ngụp lặn trong ngạt ngào mùi hương ấy. Mùi hương của đất trời cây cỏ thẩm thấu vào da thịt, vào ngóc ngách tâm hồn, khiến ai cũng cảm giác nhẹ nhõm và khoan khoái.

Ngày xưa rau mùi chỉ có vào mùa lạnh, nhưng bây giờ chỉ cần ra chợ, hầu như lúc nào cũng có. Nghe đâu rau từ Đà Lạt về, người ta trồng rau trong nhà kính. Dẫu cây rau có to lớn và bắt mắt hơn, thì nó cũng không cách gì thơm hơn dé rau nhỏ nhắn, mảnh mai nơi góc vườn mẹ tôi.

Đất vườn dần thu hẹp rồi không còn, mẹ tôi vẫn gắng gieo rau mùi trong thùng xốp, trong chậu nhựa phế liệu… Ngày qua ngày, mùa xanh lại theo tay mẹ về, mướt mát, căng đầy…

Nguyễn Thị Hòe

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI