Nhớ nồi bánh tét đêm giao thừa

21/01/2023 - 17:18

PNO - Hơn 70 năm cuộc đời, tôi được nấu bánh tét với ba má trọn 55 mùa xuân. Sau đó, nồi bánh tét đêm xuân chỉ còn trong hoài niệm.

Ngày xưa, bước vào đầu tháng Chạp, má tôi đã lo dặn người quen đặt hàng từ quê gởi lên nếp mới. Má nói nếp mới có hương thơm, vị ngọt, gói bánh sẽ ngon hơn. Mua chỗ lạ sợ nhầm nếp cũ. Đem nếp về, má đổ ra thau, kêu chị em tôi xúm xít lựa những hạt gạo lẫn trong đó ra, rồi đem phơi thêm một nắng cho khô kỹ mới đổ vô bao bố cất để sẵn chờ đến sáng 30 tết.

Má tôi thường nói, chỉ có lá chuối hột gói bánh tét là ngon và êm nhứt!
Má tôi thường nói, chỉ có lá chuối hột gói bánh tét là ngon và êm nhất

Gần 20 tết, canh ngày trời nắng đẹp, ba sẽ đốn một cây chuối hột để chẻ dây phơi, để dành cột bánh. Sáng 29 tết thì má giật lá chuối xuống, dạy mấy chị em tôi cách rọc lá, xé lá, rửa sạch, phơi cho lá vừa dịu lại thì mang vô xếp lại. Một chồng lá lớn để gói lớp ngoài, chồng lá nhỏ hơn gói bên trong cùng thì xếp ngang, lớp giữa phải xếp dọc để giữ cho đòn bánh chặt lại, không bị bung khi nấu. Thì ra, cách xếp lá để gói bánh cũng cần “kỹ thuật”. Đêm 29, má lấy đậu xanh và nếp ra ngâm, rồi sáng 30 thì vo, gút sạch đổ vô rổ cho ráo nước. Má phân công chị em tôi đứa nào việc nấy, phụ má nạo dừa, đãi vỏ đậu, lột chuối để làm nhưn. Thịt mỡ má ướp hành muối vừa thắm thì đem ra phơi nắng để miếng mỡ được trong khi nấu chín.

Vắt xong nước cốt dừa thì má đem thắng trên chảo, nêm thêm chút muối rồi dùng nước cốt dừa đã thắng tới ra xào nếp. Những hạt nếp vừa khô ráo, hút đẫm nước cốt dừa thơm lừng, bóng bẩy, được má đổ ra thau. Công đọan gói bánh bắt đầu. Mà dùng chén để đong nếp, đậu, nên khi gói xong, các đòn bánh đều đặn, xếp ngay ngắn nhìn rất đẹp.

Chị hai tôi được má dạy cách gói bánh, bịt đầu bánh sao cho vuông vứt, cách dọng bánh để cân đều cho 2 đầu, không bị khúc to khúc nhỏ. Còn tôi và nhỏ em lãnh phần cột bánh. Phần nầy cũng quan trọng lắm, bởi phải biết canh chừng, nếu khi gói đòn bánh chưa đều, thì người cột phải lăn tròn cho đều lại. Má nói: "Tết mà, cái gì cũng phải đẹp, cũng phải vuông tròn, bánh cũng vậy".

Lúc gói bánh sắp xong thì trời cũng vừa xế bóng. Ba tôi và em trai ra đào một cái hố nhỏ, kê gạch ống ba bên để làm lò, đốt lửa lên cho chiếc nồi chứa hai phần ba nước sôi sùng sục. Rồi ba vô bưng mâm bánh ra thả từng cặp được cột lại chặt để thả vô nồi. Xong xuôi ba mới lấy những tàu lá chuối tươi còn nguyên vẹn để đậy lên, trước khi đậy nắp vung. Nhờ những tàu lá chuối gặp nước sôi nên chín rũ, bao quanh miệng nồi, rất kín hơi, nước không bị trào ra ngoài làm tắt lửa.

Rồi từ lúc đó ba sẽ là người canh lửa cho đến gần giao thừa. Thường là ba phải châm nước thêm một lần vào lúc đầu hôm, chứ không thì nước sẽ cạn, bánh bị khét là xui lắm. Má nói vậy và luôn nhắc chừng ba, dù bà bận bịu rất nhiều việc nhưng không bao giờ quên “liếc chừng” bếp lửa của nồi bánh tét.

Gần giao thừa cũng là lúc bánh vừa chín tới. Ba vớt ra từng cặp treo lên dàn sào tầm vông em trai vừa làm xong. Má lấy một đòn nhúng vô thau nước lạnh cho nguội lớp lá để vớt ra mở bánh tét những khoanh đầu tiên bày lên mâm cúng giao thừa.

Những khoanh bánh được bao quanh bởi màu xanh của lớp lá chuối, từng hột nếp bóng mướt, thơm mùi nước dừa, lẫn mùi nếp mới, mùi đậu xanh, mùi mỡ hành, với miếng mỡ vuông vứt trong veo nằm giữa lòng khoanh bánh tròn vành vạnh.

Cho đến bây giờ, hương thơm mùi bánh tét của ba má vẫn còn phảng phất đâu đây. Đêm giao thừa hàng năm, hình ảnh má lâm râm khấn nguyện, bên bếp lửa ba đang cời tro vừa tàn của nồi bánh tét đêm xuân mãi còn nguyên trong ký ức!  

Kiều An

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI