Nhớ những ngày tạm quên 2 chữ “về nhà”

26/02/2024 - 18:44

PNO - Sài Gòn - TPHCM 35 năm qua đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Vào thời điểm cả thành phố “căng mình” chống dịch COVID-19 gần 3 năm trước, tôi càng thêm yêu mảnh đất này.

Lúc TPHCM giãn cách xã hội, tôi tham gia trong lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đó cũng là khoảng thời gian mà tôi và đồng đội không bao giờ quên, khi không thể 1 lần về thăm nhà, chỉ hỏi han, động viên người thân trực tuyến (online).

Ra đi để trở về

Được phân công túc trực ở các chốt kiểm soát dịch bệnh, bệnh viện dã chiến, với chúng tôi chính là nhiệm vụ thiêng liêng và đáng tự hào. Trực ở tuyến đầu chống “kẻ thù vô hình” chưa bao giờ là việc đơn giản, nguy cơ bị lây nhiễm bệnh khá cao, nhưng tuyệt nhiên không ai nao núng. Tất cả luôn bừng lên khí thế hừng hực với tinh thần quyết chiến, 
quyết thắng.

Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Sen của Bệnh viện Da liễu TPHCM - xung phong tham gia phòng, chống COVID-19  vào tháng 6/2021 tranh thủ lúc rảnh rỗi gọi video cho con gái - ẢNH: LAN ANH
Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Sen của Bệnh viện Da liễu TPHCM - xung phong tham gia phòng, chống COVID-19 vào tháng 6/2021 tranh thủ lúc rảnh rỗi gọi video cho con gái - Ảnh: Lan Anh

Để không làm ảnh hưởng đến người thân, chúng tôi phải tạm quên đi 2 chữ “về nhà” dù điểm “đóng quân” chỉ cách nhà vài cây số. Mọi liên lạc với gia đình chỉ được thực hiện khi xong ca trực. Những cuộc gọi Zalo của tôi với ba mẹ có độ dài tính bằng giờ. Dĩ nhiên, ba mẹ luôn lo lắng cho tôi, nhưng tôi dùng tinh thần lạc quan để động viên họ, dẫn chứng những ca bệnh đã bình phục để ba mẹ an tâm.

Vất vả nhưng cũng rất thú vị. Trong phòng ở, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch. Mỗi người một “khoảng trời riêng”, nên mới có cảnh khi trời mưa lớn, nói to cũng không nghe được, đành dùng điện thoại nhắn tin cho nhau. Cũng chưa bao giờ các nhóm (group) Zalo lại được thành lập nhanh và nhiều như vậy. Một mình tôi tham gia nhiều group khác nhau: nhóm trực chung ca, nhóm ở cùng phòng, còn có cả “câu lạc bộ tổ trưởng” nữa.

Thế trận lòng dân
Phải tạm “cách ly” với gia đình nhưng chúng tôi luôn được bù đắp bằng tấm lòng của người dân ở 34 phường thuộc TP Thủ Đức (TPHCM). Cho dù bộ phận hậu cần đảm nhiệm đầy đủ 3 bữa ăn hằng ngày, bà con trong vùng vẫn thường xuyên nhờ các tình nguyện viên mang sữa, trái cây, nước uống bồi dưỡng cho tổ công tác. Tình cảm này đã tiếp thêm sức mạnh để chúng  tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, đẩy lùi “giặc COVID-19”. 

Trong những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến cam go ấy, tôi càng thấm thía sức mạnh lòng dân. Những ân tình vô bờ bến đến với chúng tôi từ những người bình dị và chẳng hề quen biết. Chính điều đó đã kịp mang đến liều thuốc tinh thần, nguồn động viên to lớn, giúp những người ở tuyến đầu chống dịch cũng như mỗi người dân thêm tự tin vượt qua cơn sóng gió.
Quên sao được những trưa hè nắng như đổ lửa, một đôi vợ chồng có nhà gần chốt kiểm soát dịch bệnh của chúng tôi trên đường Đào Trinh Nhất, phường Linh Tây, TP Thủ Đức khệ nệ khiêng thùng trà đá mang đến tặng. Anh chị còn cẩn thận dặn: “Khi nào dùng hết, mấy anh cứ để thùng phía trước, vợ chồng em nhìn thấy sẽ đổi thùng khác”.

Nhìn những viên đá, tôi hiểu rằng tủ lạnh nhà anh chị đã phải chạy hết công suất bởi lúc đó, không thể mua đá lạnh bên ngoài. Một loại thức uống bình dân, nhưng với chúng tôi khi ấy là vô giá, bởi nó chứa đựng biết bao tình cảm, sự quan tâm và cả lòng tin của người dân gửi gắm.

Những hôm trực ca đêm, chúng tôi luôn có bữa ăn khuya. Các mẹ, các chị vừa nấu xong những món còn nóng hổi liền mang đến tận nơi. Thực đơn cũng thay đổi liên tục: đêm thì cháo gà, đêm khác thì trứng vịt lộn, có lần là bánh tráng cuốn thịt heo luộc. Một bác gái mang tặng rổ bắp luộc còn bốc khói, kèm lời động viên khiến ai cũng ấm lòng: “Lực lượng chống dịch phải có sức khỏe tốt mới bảo vệ được nhân dân. Có các con ở đây, bà con yên tâm lắm. Giặc Cô Vít kia rồi sẽ bị đánh bay”. 

Ngồi viết bài dự thi này, tôi đã rưng rưng khi nhớ đến những kỷ niệm mà ai cũng mong chúng không bao giờ quay lại. Mùa dịch, gia đình nào cũng gặp khó khăn, nhưng đều dành cho lực lượng tuyến đầu những ân tình không bút mực nào kể hết. Tấm lòng của người dân vừa là động lực, vừa nhắc chúng tôi luôn phải giữ vững phòng tuyến. Sau lưng là hậu phương, nên chúng tôi nhất định không để sơ hở, mất cảnh giác khiến con vi rút đáng ghét kia có cơ hội xâm nhập, tấn công những người thân yêu đã hết lòng chăm sóc tổ công tác như tình ruột thịt.

Bạn tôi - anh Huỳnh Đỗ Mừng, túc trực ở trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TPHCM - Long Thành - kể rằng khi kiểm tra một ô tô tải, dù mất nhiều thời gian nhưng tài xế vẫn vui vẻ hợp tác. Lúc tạm biệt, tài xế đã tặng gần hết thùng mì tôm cho cả chốt kiểm soát, chỉ giữ lại 2 gói đủ để dùng đến TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Đoán biết xe đi đường dài rất cần nước uống, anh Mừng cũng tặng lại vài chai nước khoáng. Đại dịch đã khiến cho sợi dây tình nghĩa thêm bền chặt.

Về nhà, nhớ lúc xa nhà 

Nhắc lại những kỷ niệm thời chống dịch để thấy rằng, 2 chữ “về nhà” lúc bình thường thật đơn giản, nhưng vào những khi có biến cố, sẽ trở thành điều cực kỳ khó khăn. Tận hưởng niềm vui sum vầy, xin đừng quên đã từng có những ngày đêm nhọc nhằn, hiểm nguy. Không thiếu những khoảnh khắc mà ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh, nên càng trân quý giá trị của sự bình yên, lại càng nhận thức được trách nhiệm không để đại dịch tái bùng phát. 

Chúng tôi nằm trong số những người thường xuyên tiếp cận, hỗ trợ bệnh nhân đủ mọi triệu chứng, cả thể nặng lẫn nhẹ. Thời kỳ mà ai cũng nghe đi nghe lại từ “F0”, chúng tôi hay đùa với nhau để xả stress: “Tụi mình lúc nào cũng là F1, nhưng mỗi sáng tự ngoáy mũi cho kết quả 1 vạch thì vẫn tiếp tục chiến đấu”.

Tháng 8/2021, hàng chục ngàn chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân viên y tế và tình nguyện viên từ nhiều tỉnh, thành phía Bắc vào tiếp sức cho “tiền tuyến” TPHCM chống dịch. Một cuộc tổng động viên, chi viện hùng hậu nhất trong thời bình. Chúng tôi được “chia lửa” nên đỡ vất vả hơn.

Dẫu vậy, trên mặt trận “không tiếng súng” ấy, đã có nhiều người ngã xuống, những hy sinh khó nói hết bằng lời. Họ trở về nhà bằng di ảnh trên tay đồng đội. Có bạn trẻ mới trước đó đăng hình đám cưới online (do vợ và chồng chiến đấu trên 2 “trận địa”) giờ chỉ còn 1 người về quê. Họ kết hôn với nhau nhưng chưa kịp ăn chung bữa cơm gia đình.

 Trong khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, đã có những bàn thờ lập tạm để chiến sĩ nơi tuyến đầu thắp nén nhang vĩnh biệt người thân qua đời ở quê nhà. Có anh lính trẻ phải chứng kiến thân nhân của mình mất tại bệnh viện dã chiến nơi anh làm nhiệm vụ. 

Tôi may mắn có mặt trong đoàn quân chiến thắng, được trở về nhà và tự thấy phải cố gắng nhiều hơn trong vai trò người ở lại, để sự hy sinh của bao người không trở thành vô nghĩa. Những “chiến binh dũng cảm” dù phải ra đi nhưng hình ảnh của họ vẫn sống mãi trong trái tim mọi người.

Tôi cũng rất khâm phục trung tá quân đội Nguyễn Trung Kiên (Bộ Tư lệnh TPHCM). Trong lần đưa tro cốt một phụ nữ tử vong do COVID-19, về phòng trọ ở phường Tân Phú, TP Thủ Đức, khi biết bé gái 6 tuổi con của chị không còn ai nuôi dưỡng, anh đã nhận bảo bọc cho đến khi bé trưởng thành. Hiện nay, bé đang từng ngày lớn khôn trong tình thương của người cha nuôi mặc quân phục đáng kính.

“Thành phố của tôi” đã mạnh mẽ vượt qua những năm tháng khó khăn nhất. Dẫu vậy, về nhà, vẫn nhắc nhớ lúc phải xa nhà, mỗi người không quên bài học xương máu để những đau thương ngày trước không bao giờ tái diễn. 

Thanh Bình (TP Thủ Đức, TPHCM) 

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.
Cơ cấu giải thưởng: 
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây:  https:/wwwphunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI