Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mất ngày 12/6/2021. Chương trình ra mắt sách - tọa đàm tưởng nhớ cố nhà văn diễn ra muộn hơn dự kiến vì lý do dịch bệnh. Phải đến hơn một tháng sau 100 ngày ông qua đời, nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam mới tổ chức được buổi trò chuyện chủ đề Tiếng người trong văn vào sáng ngày 9/10.
Chương trình do nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên điều phối với sự tham gia của nhà nghiên cứu - dịch giả Nguyễn Quốc Vương, TS Đoàn Ánh Dương... Ngoài ra còn có đại diện nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam và một số độc giả mến mộ nhà văn.
Đây cũng là dịp đơn vị ra mắt tập hồi ký Tiếng người trong văn của cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và tập sách bạn bè viết về ông: Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi. Buổi tọa đàm cũng đồng thời mở rộng những góc nhìn, phân tích của các nhà nghiên cứu văn học về các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từ những sáng tác đầu tiên của ông cho đến những tác phẩm đồ sộ: Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa…
|
Cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh để lại cho đời sự nghiệp văn chương đồ sộ |
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế (Hà Nội), sau đó gia đình ông chuyển về sinh sống ở làng Thanh Nhàn. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi đó là những nơi chốn có ảnh hưởng sâu sắc trong tâm hồn và sáng tác của cố nhà văn mãi về sau này.
“Bố ông mất sớm từ khi ông còn nhỏ, có một tuổi thơ cơ cực nhưng rồi được hun đúc bởi cuộc sống nghèo khó đó. Có một lần, ông nhìn thấy mẹ mình bày ra một mâm cơm cúng trước sân nhà và vung con dao lên như một thể hiện rằng người mẹ ấy sẽ kiên quyết bảo vệ, nuôi nấng những đứa con nên người.
Điều đó khắc sâu trong tâm hồn của cậu bé Nguyễn Xuân Khánh. Vì vậy mà trong sáng tác của ông, các nhân vật nữ, tính nữ và sự mạnh mẽ kiên cường của người phụ nữ như trở thành một mạch nguồn văn chương của ông” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhắc nhớ về những hình ảnh tuổi thơ có ảnh hưởng đến sự nghiệp văn chương của cố nhà văn.
“Xuyên suốt trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh còn là vấn đề của sự chuyển giao văn hóa. Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có thể nói trải qua 3 giai đoạn. Thứ nhất là viết văn theo con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thứ hai là hướng ngòi bút đi tìm sự cách tân, hình thức thể hiện mới trong văn chương. Cuối cùng ông chuyển sang tìm về đề tài lịch sử văn hóa dân tộc mà khởi đầu là tiểu thuyết Hồ Quý Ly” - TS Đoàn Ánh Dương nhận định.
|
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã viết nên những tác phẩm có giá trị vượt thời gian |
Cuộc đời đặc biệt, nghèo khó và trải qua những biến động của thời cuộc khiến cho sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hết sức lận đận. Có những năm tháng ông viết nhưng tác phẩm không được xuất bản.
Có những tác phẩm như Trư cuồng, Hoang tưởng trắng (khi xuất bản được đổi tên thành Chuyện ngõ nghèo và Miền hoang tưởng) phải mất mười mấy năm sau khi hoàn thành mới được in. Nhưng tác phẩm nào của ông khi ra đời cũng xôn xao văn đàn. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói rằng nhà văn đã viết như để giải tỏa ẩn ức đồng thời bộc lộ những suy nghĩ của ông trước thời cuộc.
Bạn bè cùng thời với cố nhà văn vẫn nhớ mãi hình ảnh ông đạp máy may làm thêm, đi dịch sách thuê, nhận việc gác đêm… để kiếm tiền. Nhưng ngoài giờ làm việc ông vẫn dành thời gian ngồi cần mẫn viết hàng ngàn trang tiểu thuyết. Lao động văn chương không mệt mỏi, ông viết không thuần túy là sáng tác văn chương mà xem văn chương như là căn cước của dân tộc mình.
Khi viết Mẫu Thượng Ngàn, ông thể hiện được cả văn hóa phong tục Việt Nam qua cuộc sống sinh hoạt, tín ngưỡng của người dân miền quê Bắc bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Với Đội gạo lên chùa, ông lại muốn tìm hiểu làng quê Việt Nam đã thay đổi như thế nào sau năm 1945. Và cứ thế, tác phẩm của nhà văn chứa đựng cả dấu ấn văn hóa và những biến động của thời cuộc.
|
Bộ ba cuốn tiểu thuyết đồ sộ của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh |
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng nói ông "đội gạo lên chùa" bằng tất cả vốn sống của cuộc đời mình. “Có những chi tiết đời giúp tôi nhặt được. Năm 1977 tôi bị nghi ung thư, nằm viện, có sư ông nằm cùng phòng. Sư lại có chú tiểu theo chăm sóc, chú tiểu nguyên là bộ đội, đi lính về thì vào chùa. Tôi rỉ rả tâm sự với sư cụ và chú tiểu, và tiểu thuyết là sự thu nhặt, gắn kết, đúc rút, tỉa gọt... từ tất cả" - chia sẻ của nhà văn về chất liệu làm nên các nhân vật rất đắt giá của tiểu thuyết dày gần 1.000 trang Đội gạo lên chùa.
Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian đều được tìm thấy trong những tác phẩm đồ sộ của ông. Với tiểu thuyết Hồ Quý Ly - được viết đến lần thứ ba nhà văn mới cho in - người đọc còn thấy cả Kinh Thi, Kinh Thư, tư tưởng Khổng Tử, Hàn Phi… Cuộc tồn vong của triều Trần, nhà Hồ được nhà văn nhìn nhận và kiến giải một cách thấu hiểu và sâu sắc. Ông đặt mình vào tâm thế của các nhân vật trước thời cuộc để cất tiếng, lý giải cho những lựa chọn, cả tội ác và lòng nhân.
|
Bạn bè văn chương, các nhà nghiên cứu, các độc giả.. .đều nhớ về cố nhà văn bằng niềm tôn kính sâu sắc - (Ảnh: internet) |
“Ông đã tìm ra được con đường riêng, văn chương của ông như nguồn dữ liệu quý giá để người đọc hiểu hơn về lịch sử văn hóa nước nhà. Trong tác phẩm Nguyễn Xuân Khánh, người đọc còn có thể tìm được lời giải đáp về sức mạnh, ý chí của con người Việt Nam” - TS Đoàn Ánh Dương nhận định.
“Con đường riêng” ấy đến giờ chưa một ai có thể thay thế.
Còn ai “đội gạo lên chùa”… là lời xót xa của các nhà nghiên cứu, độc giả yêu mến nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khi ông từ giã cõi đời. Gia đình cố nhà văn cho biết, hiện vẫn còn có những bản thảo của ông bị thất lạc và cả các tác phẩm còn dang dở. Hy vọng rằng, trong tương lai gần những di cảo của cố nhà văn có thể được xuất bản để bạn đọc tiếp tục được tiếp nhận những giá trị văn chương lẫn lịch sử, văn hóa trong những trang viết vượt thời gian.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021) từng học Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1952 ông tham gia bộ đội, nhận nhiệm vụ tại một đơn vị pháo binh, sau đó dạy văn hóa tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ năm 1966, ông là phóng viên Báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973. Các tác phẩm nổi bật của cố nhà văn: ngoài bộ ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa, còn có Rừng sâu, Miền hoang tưởng, Chuyện ngõ nghèo, Mưa quê, Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi… Các giải thưởng: Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2001 và giải thưởng Thăng Long của UBND TP. Hà Nội 2002 với tiểu thuyết Hồ Quý Ly. Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006 với tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2017 và giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội 2018. |
Lục Diệp