Nhớ ngoại

24/05/2024 - 06:02

PNO - Ngoại tôi đã về miền mây trắng được 16 năm. Mỗi năm, tới ngày giỗ ngoại, tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ vì năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Tôi nhớ mùa đông năm 2018, mẹ con tôi về quê để sang nhà mới cho ngoại. Chứng kiến cảnh hài cốt ngoại được chuyển từ mộ lên, được xếp ngay ngắn vào tấm lụa đỏ, giữa cánh đồng lạnh lẽo hơi sương, tôi xúc động vô cùng. Vào khoảnh khắc đó, nỗi nhớ ngoại cuộn lên trong lòng làm nước mắt tôi cứ thế trào ra. Ký ức về những ngày hè năm 2007 tôi được ở cùng ngoại dần hiện ra.

Mẹ của tác giả về thăm bà ngoại năm 2007
Mẹ của tác giả về thăm bà ngoại năm 2007

Quê ngoại cách nhà tôi hơn 300 cây số. Hồi xưa, đi lại khó khăn, cả tôi và mẹ đều say xe nặng nên có khi phải mấy năm mới về ngoại 1 lần. Năm đó, tôi xin mẹ cho về ngoại, vì kỳ thi đại học sắp tới sẽ rất bận rộn. Thị trấn nay chẳng khác gì thành thị.

Vậy mà, nhà ngoại không hề thay đổi dù chỉ một chút. Vẫn ngôi nhà gỗ 3 gian đơn sơ, vẫn cái giếng nước nhỏ xíu, vẫn gian bếp lụp xụp, vẫn cái vườn um tùm cây cối. Tôi nhớ hồi nhỏ, chị em tôi hay chơi trò tìm kho báu ở mảnh vườn này.

Vừa bước vào nhà, tôi được ngoại đón bằng nụ cười tươi rói với cái miệng móm mém duyên dáng đang nhai trầu. Dáng ngoại hao gầy, nhỏ bé thấy thương. Thả ba lô xuống nền đất, tôi sà vào ôm cánh tay khẳng khiu của ngoại, vuốt ve làn da nhăn nheo mềm mềm rồi gục đầu vào vai bà.

Trong ngôi nhà cũ kỹ, đi tới đâu cũng nghe đám mọt xẻ gỗ, đồ đạc chẳng có gì giá trị ngoài cái tủ 2 cánh chứa toàn “báu vật”. Bánh kẹo cả năm thắp hương ngoại đều cất dành trong đó chờ các cháu về ăn. Nhìn đống bánh kẹo đầy ứ, tim tôi như thắt lại. Tôi được bao nhiêu tuổi thì ông ngoại mất đã bấy nhiêu năm. Cũng ngần ấy năm, bà lủi thủi một mình trong ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm.

Ngày xưa, ngoại không cho mẹ tôi lấy ba tôi vì xa, ngoại sợ sẽ mất cả con lẫn cháu. Thế mà cuối cùng, 4/5 người con của ngoại đều đi xa khỏi thị trấn nhỏ. Cái tủ bánh mỗi năm lại nhiều hơn, có những hộp quá hạn sử dụng nhiều tháng.

Hôm nào bà cháu tôi cũng lên giường lúc 6g tối. Cái giường ọp ẹp tới mức tôi bò tới đâu, nó kêu răng rắc tới đó. Đứa con gái 37kg như tôi ngày đó nhảy vài cái chắc cũng làm nó sập. Tưởng sẽ chẳng ngủ được vào giờ gà lên chuồng, vậy mà mùi dầu gió xanh thoang thoảng từ người bà làm tôi thiu thiu rồi nhắm tịt mắt ngủ lúc nào không hay, chẳng kịp chuyện trò gì với ngoại.

4g sáng, ngoại đã thức dậy hâm cơm và thức ăn. Khi nào gian nhà tràn ngập mùi thơm dịu nhẹ, thanh mát của nước lá trà xanh thì tôi mới lò dò kéo mùng chui ra. Mỗi ngày ngoại đều kho thịt cá cho mềm bằng mật mía rồi ăn với cơm nhão. Tôi ngán đến mức nghĩ cả đời này chắc sẽ không thể ăn thêm một lần nào nữa.

Thế mà sau này, thỉnh thoảng tôi lại đòi mẹ làm cho ăn. Hễ ngửi thấy cái mùi ngòn ngọt của mật mía hòa lẫn mùi nước mắm mặn thơm lừng là nhớ ngoại da diết.

Những ngày ấy cứ thế trôi đi mà tôi chẳng hề biết đó là những ký ức cuối cùng của tôi và ngoại. Ngày tôi đeo ba lô đi Hà Nội, tôi nói khi đậu đại học sẽ về thăm ngoại. Ngờ đâu, năm sau, ngoại bị trượt chân, té khi đang đi trên đường. Lần bị té đó đã mang ngoại của tôi đi mãi.

Đến tận bây giờ, mỗi lần nhớ về ngoại, tôi vẫn thấy nhói lòng. Lời hứa con sẽ về thăm ngoại giờ chỉ còn là câu chuyện buồn xa xăm. Tạm biệt ngoại, người phụ nữ của mẹ con và của con.

Bích Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI