Nhờ nghỉ dịch, con rể giúp cha vợ viết cuốn hồi ký quý báu

17/09/2021 - 09:50

PNO - Khi nghe bố vợ kể lại cuộc đời hoạt động cách mạng đáng nể phục, ông Nguyễn Văn Nhân nảy ra ý định tận dụng thời gian giãn cách để ghi chép thành cuốn hồi ký.

Từ khi có dịch COVID-19, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Doãn Đại (94 tuổi) không ra ngoài đi xe đạp tập luyện được như trước. Cụ Đại cũng không tới nhà người thân, bạn hữu thăm thú, đàm đạo thường xuyên.

Cụ ít giao tiếp xã hội, sức khỏe yếu hẳn đi, những bệnh lặt vặt như cảm cúm, đau mỏi, sự suy nhược cơ thể, các chức năng hoạt động kém cũng khiến cụ thêm sa sút. Có lúc cụ nằm liệt giường nhiều ngày. Con cháu lo lắng, sợ cụ Đại không thể sống lâu thêm với họ được.

Ông Nguyễn Văn Nhân, là con rể của cụ Đỗ Doãn Đại cùng vợ mình là bà Hỷ thường xuyên gần gũi cụ để chăm sóc. Có những việc chỉ đàn ông mới làm được trong quá trình chăm sóc cụ Đại. Ông con rể Nhân vì thế mà có cơ hội gần gũi bố vợ hơn, được nghe cụ kể lại những câu chuyện từ thời đi theo cách mạng.

Để bố vợ vui và không bị mất trí nhớ, ngày nào ông Nhân cũng khéo gợi ý để ký ức của cụ Đại trở về, và cụ trở nên hoạt bát hơn, sức sống trở lại trong ánh mắt  lóe lên niềm vui và tự hào.

Gia đình Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Đỗ Doãn Đại
Gia đình Phó giáo sư Tiến sĩ Bác sĩ Đỗ Doãn Đại
Bác sĩ Đại và vợ là Hoan đón đứa con đầu lòng tại Hà Nội năm 1954
Bác sĩ Đại và vợ là cụ Hoan (áo trắng) đón đứa con đầu lòng tại Hà Nội năm 1954

Hơn 9 thập kỷ cuộc đời mình, cụ Đỗ Doãn Đại có một cuộc đời đáng nể, đáng kể lại cho thế hệ sau. Cụ từng học trường Pháp, có bằng y khoa do chế độ thực dân cấp. Sau đó, theo lời kêu gọi của Việt Minh, cụ bí mật tham gia hoạt động cách mạng, đi khắp nơi ở miền Bắc tuyên truyền gây dựng cơ sở cách mạng. Sau ngày giành độc lập 2/9/1945, cụ Đại tham gia bộ máy lãnh đạo mới của tỉnh Hưng Yên.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cụ Đại đã vào chiến trường với nhiệm vụ một bác sĩ quân y. Tay nghề phẫu thuật của bác sĩ Đại giỏi đến nỗi anh em chiến sĩ yêu thương đặt cho biệt danh “Vua quân y địch hậu”. Cụ Đại cũng từng làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong những ngày chống Mỹ.

3-	Ảnh ông bà Hoan - Đại chụp trong kháng chiến chống Pháp, khi ông là Vua quân y
Ảnh ông bà Hoan - Đại chụp trong kháng chiến chống Pháp, khi ông là "Vua quân y địch hậu"

Khi nghe bố vợ dần kể lại cuộc đời mình với những hoạt động độc đáo, đáng nể phục, ông Nguyễn Văn Nhân nảy ra ý định, trong những ngày giãn cách xã hội không thể đi ra ngoài làm việc được, ông sẽ tận dụng thời gian ghi chép lại những câu chuyện cuộc đời của bố vợ.

Những ghi chép này cứ dày lên dần theo ngày tháng, và mỗi khi đọc lại, ông Nhân thấy thấm thía như được học những bài học cuộc sống sâu sắc. Ông nghĩ, không thể lãng phí những tư liệu quý giá thế này được, cần lưu lại cho con cháu trong gia đình hoặc bạn hữu tham khảo, học tập, nghiên cứu.

Cuộc đời làm việc, cống hiến và chiến đấu của cụ Đỗ Doãn Đại đã trải qua những cuộc chiến tranh của dân tộc với Pháp, Nhật, Mỹ, chiến tranh biên giới rồi đến công cuộc xây dựng đất nước trong thời hòa bình là cả trang sử quý báu không dễ ai có được.

Ông Nhân quyết định tập hợp, biên tập những ghi chép của mình theo lời kể của cha vợ thành cuốn hồi ký Mãi mãi màu áo trắng. Ông Nhân vốn là một nhà báo, biên tập viên nên việc này không khó với ông.

Cuốn hồi ký Mãi mãi màu áo trắng dày tới 260 trang, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối tháng 9/2021.

Bác sĩ Đỗ Doãn Đại trong vai trò là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đón Nhà du hành vũ trụ Liên Xô German Titop thăm bệnh viện năm 1972
Bác sĩ Đỗ Doãn Đại trong vai trò là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đón Nhà du hành vũ trụ Liên Xô German Titop thăm bệnh viện năm 1972

Vợ chồng ông Nhân, bà Hỷ và đại gia đình thật vui mừng vì đã có món quà ý nghĩa là cuốn hồi ký Mãi mãi màu áo trắng để chính là món quà ý nghĩa tặng cụ Đỗ Doãn Đại nhân sinh nhật lần thứ 95 của cụ vào tháng 12 tới đây.

Kiều Bích Hậu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI