Nhắc đến nghệ sĩ Lê Bình, nhiều người chắc sẽ hình dung ngay một người đàn ông gầy, cao, đen và “khổ”. Từ cái dáng đi khòm khòm, cái dáng ngồi hút thuốc tới bàn tay có ngón trỏ quặp xuống, cong cong chứ không thẳng thớm như tay người khác, vấn thuốc rê đến vàng khè. Còn với tôi, chú Lê Bình là người đã phá vỡ cái suy nghĩ “diễn viên là phải đẹp”; bởi chú không hề đẹp theo cách hiểu thông thường, không “soái ca”, cường tráng hay vạm vỡ.
Nhớ lần đầu gặp chú ở sân khấu 5B, cách đây mười mấy năm, lúc đó tôi là diễn viên trẻ mới ra trường, mon men đến sân khấu coi các anh chị lớn tập kịch để học hỏi, thấy một ông ngồi ở góc sân rít thuốc phì phò, nhả khói như ống khói xe lửa, trong lúc mọi người tập kịch trong phòng. Anh bạn cùng lớp đi chung khều tay nói: “Diễn viên Lê Bình kìa”. Tôi nhìn quanh, không thấy ông nào có vẻ là Lê Bình, bởi không thể ngờ cái ông lùi xùi ngồi đó là diễn viên Lê Bình mình hay thấy trên ti vi; bởi trong hình dung của tôi lúc bấy giờ, diễn viên chỉ xấu và nghèo trên phim, còn ngoài đời ai cũng giàu và đẹp. Lúc đó, tôi đã biết chú qua phim Đất phương Nam, đã khóc hết nước mắt cái đoạn anh em Mười Chức dùng vũ khí thô sơ và thân mình đấu với bọn lính Pháp súng ống tận răng, đã sợ nổi da gà với vai phù thủy trong Mụ yêu tinh và bầy trẻ, Ba con quỷ, Sự tích dã tràng… vì cái ngoại hình vừa xấu vừa quái trong tạo hình nhân vật của chú.
Tôi vô cùng ngưỡng mộ cái tên Lê Bình, vì đã được diễn bài thi học kỳ 5 bằng một vai trong vở kịch dài Sân ga tình người của chú - một vở kịch rất nhiều cảm xúc. Diễn viên lúc đó là các bạn Việt Hương, Thái Hòa, Tiết Cương, Cao Minh Đạt… Đám học trò ngu ngơ ngày nào giờ đã thành danh cả. Sau này, làm việc nhiều với chú, tôi mến chú vì cái tính trầm trầm, chỉ nói bên bàn nhậu, với những người ông cảm thấy an toàn; còn khi làm việc, chú rất ít nói, diễn cũng chẳng ồn ào, nhưng buông miếng hài thì câu nào dính câu đó, duyên tỉnh rụi, như chẳng diễn gì; những cảnh bi cũng chẳng lên gân lên cốt, cứ ngồi thủ thỉ nói vậy thôi, mà người diễn chung lẫn khán giả cứ chảy nước mắt hồi nào không hay…
Sau này gặp chú nhiều hơn, ấn tượng lớn nhất vẫn là cái dáng khắc khổ với điếu thuốc luôn trên tay. Nhiều lần tôi ghẹo: “Chú đen không phải tại đi nắng nhiều, mà tại chú… xông khói mình nhiều quá”. Chú cười khì: “Hút cho vui chứ béo bổ gì đâu”. Không biết chú có vui không, nhưng nghe chuyện đời chú, nhiều người bảo rất buồn. Dù vậy, tôi chưa bao giờ nghe chú than buồn hay than khổ. Nhiều người mang bí bách cuộc đời vào tác phẩm. Với Lê Bình, tôi nghĩ chắc không, vì những con người hay những câu chuyện trong mấy vở kịch của chú đều rất nhẹ nhàng, dễ thương, có ác cũng không ác “triệt để” hay quá quắt để tạo kịch tính như nhiều người vẫn viết. Hỏi chú, chú cũng chỉ cười: “Viết ác quá ai mà coi”.
Nghệ sĩ Lê Bình, vai Năm Na, phim Vịt kêu đồng
Diễn viên Mai Sơn Lâm kể câu chuyện về chú mà tôi nhớ hoài. Lâm nói: “Ngày đó, chú thấy con đi cái xe máy nhỏ xíu, cà tàng, mới nói nhỏ: “Mày là thằng diễn viên, cũng nên tươm tất một chút. Chú không có nhiều, nhưng một năm qua cũng dành dụm được chút đỉnh, cũng để đó chưa biết làm gì. Mày lấy mua cái xe mới cho hợp cái dáng của mày. À, chú thấy mày có tư chất, cũng nên chuẩn bị tương lai. Muốn học đạo diễn thì chú lo cho luôn. Chừng nào thành công rồi tính chuyện trả sau nghen”. Con nghèo, hoàn cảnh chú cũng đâu có khá gì hơn, thậm chí đời chú còn buồn hơn con mà”.
NSƯT Hạnh Thúy
Nhớ hồi đi quay phim Vịt kêu đồng, có cảnh quay gia đình Năm Na và Sáu Bé bị cướp đánh; tôi, anh Hoàng Sơn, Ngọc Hùng, Thanh Trúc, chú Lê Bình và anh em trong ê-kíp, lớp chịu trận mưa giả của đoàn phim, lớp phải dầm mưa thiệt của ông trời trút xuống, lạnh cóng, bùn lấm từ đầu đến chân. Lúc đầu, mọi người còn lót áo mưa, lá chuối, nằm lê lết ngủ tạm; sau mệt quá, chú chỉ lấy cái nón trùm đầu rồi cứ vậy mà ngủ ngon lành.
Sáng ra, mọi người vật vờ vì mệt, còn chú vẫn cười sảng khoái: “Ngủ bụi vậy mà ngon, mà chăn vịt coi vậy cũng ngon, khỏi lo quần này áo nọ, khỏi lo nhà cao cửa rộng, khỏe mạnh, ngày ba bữa cơm là sống khỏe. Có lẽ mai mốt về già tao cũng sắm bầy vịt ra đồng chăn cho nhẹ đầu”.
Nghệ sĩ Lê Bình trong vai Tư Tại, phim Đất Phương Nam
Năm ngoái, tôi có mời chú tham gia một vai diễn, chú nói chú lúc rày mệt lắm, không tham gia đâu con ơi; lại cũng nghe vài anh em trong nghề nói dạo này Lê Bình “chảnh”, mời vai ổng hay từ chối lắm, tôi có chút tủi thân, nghĩ chắc ông già chê vai diễn nhỏ. Chừng tháng sau, nghe tin ông trong bệnh viện, cô độc và bệnh đã vào giai đoạn nguy hiểm, lúc đó mới biết ông đổ bệnh từ lâu mà giấu. Ghé thăm, ông vẫn cứ khề khà: “Nói anh em biết mất công họ bận lòng”. Ngồi trên ghế, ôm con chó, ông biểu, tưởng cô độc, ai dè được khán giả với anh em bạn nghề thương quá trời, ủng hộ rất nhiều tiền chữa bệnh, rồi có mấy đứa con nuôi với học trò hay ghé thăm, với lại có “đứa này” (chú chỉ con chó) hủ hỉ, nên cũng không buồn; sẽ ráng tịnh dưỡng cho mau hết bệnh. Còn mấy kịch bản, ráng bớt bệnh, viết xong mới chết. Chưa đầy năm, kịch bản còn dở dang, chú mất.
Tôi rất không thích kiểu viết của một tờ báo - sử dụng những chữ “le lói sống khuất sau ánh hào quang” để nói về chú, như thể ông đã lụi tàn, trong khi ông vẫn diễn, vẫn viết, vẫn làm việc say mê chưa từng ngơi nghỉ, dù bệnh tật hành hạ. Ông vẫn bình thản đối diện với căn bệnh và chuyến đi xa cuối cùng của mình - theo lời kể của những người thân, ông muốn dùng số tiền cuối cùng của mình chia sẻ với những nghệ sĩ nghèo, muốn tro cốt được về với thiên nhiên, muốn đựng tro cốt trong một bình thủy tinh, cho đẹp, chứ không chịu nằm trong hũ sành, vì nặng nề lắm… Tôi nghĩ, đó chính là hào quang, có thể không hào nhoáng rực rỡ, nhưng là thứ ánh sáng rất thật, tỏa ra từ một nguồn năng lượng tích cực của một con người đáng quý.
Vai ông Phát - phim Có ngôi nhà nằm nghe nắng mưa
Tôi đã đọc rất nhiều bình luận của nhiều khán giả trên mạng xã hội, gọi chú là “một thời tuổi thơ” của họ. Tôi đã nghe những bạn diễn viên trẻ kể chuyện “tía” đã khuyên nhủ, bảo ban, dạy dỗ họ từng chút trên bước đường làm nghề. Tôi đã thấy những giọt nước mắt nghẹn ngào của những cô chú đồng nghiệp như Lê Thiện, Mỹ Uyên, Kim Xuân, Lê Cung Bắc… khi nghe tin chú mất. Trong đám tang chú, tôi thấy những khán giả lặn lội từ xa đến thắp nhang, thấy những đồng nghiệp thức trắng đêm cùng chú. Tôi nghĩ, một nghệ sĩ, khi nằm xuống, được những yêu thương đó, chắc chắn sẽ rất hạnh phúc.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.