Nhớ mùi xôi vò ngày Mùng 3 tết

24/01/2023 - 12:08

PNO - Ngày trước, mẹ tôi không có thói quen cúng kiếng cầu kỳ. Mỗi dịp Tết, bà chỉ làm cỗ lớn hai lần: một vào 30 Tết và một vào mùng 3 Tết.

Mẹ bảo: “30 Tết cúng lớn để mời ông bà về nhà ăn Tết. Mùng 3 Tết cúng lớn để tiễn ông bà đi. Còn những ngày khác cứ nhang khói, hoa quả, thịt kho trứng, canh măng… là cả nhà đủ ấm cúng”. Vậy nên, với cái đứa ham ăn là tôi, hai ngày mong ngóng nhất Tết là 30 Tết và mùng 3 Tết.

Nhưng 30 Tết, tôi không thích lắm vì tuy mâm cỗ nhiều món nhưng thường là những món đơn giản và sẽ là những món tôi sẽ tiếp tục ăn trong Tết như cháo gà, bánh chưng, giò lụa… Lý do vì 30 Tết khá bận nên mẹ không có thời gian nấu nướng nhiều. Nhưng Mùng 3 Tết thì khác, ngoài các món quen thuộc, mẹ sẽ đồ thêm xôi vò, nấu thêm nồi chè đậu trắng, cuốn chả giò tôm cua… Chị em tôi mê nhất là món xôi vò.

Sáng mùng 3 Tết, chị em tôi thường dậy sớm, lon ton theo mẹ xuống bếp, lấy đậu xanh mẹ đã ngâm sẵn từ tối qua để cho vào chõ hấp. Trong lúc đợi đỗ chín, chị Hai sẽ nấu một nồi mì gói, đập vào vài quả trứng gà ta, thêm miếng hành, miếng ớt, cho cả nhà lót dạ nhanh buổi sáng. Đậu xanh chín, mẹ trút ra, chia làm 3 phần, giao cho 3 chị em ngồi tán cho thật mịn và tơi đều. Vừa làm, chúng tôi sẽ vừa ngồi tám chuyện, từ chuyện lì xì, chúc Tết, đến chuyện chương trình hài kịch trên ti-vi tối qua… vừa tám vừa cười nắc nẻ.

Mâm cỗ mùng Ba Tết của nhà tôi không thể thiếu xôi vò. Ảnh minh họa.
Mâm cỗ mùng Ba Tết của nhà tôi không thể thiếu xôi vò (Ảnh minh họa).

Nhận mẻ đậu xanh đã tán nhuyễn từ “ba con khỉ nhà”, mẹ hay gọi chúng tôi như thế, mẹ lấy một nửa đậu trộn với gạo nếp, nêm nếm gia vị rồi cho vào chõ hấp. Trong lúc đợi xôi chín, ba chị em tôi sẽ theo bố chuẩn bị mâm cỗ cúng, giấy hóa vàng, bày bát đũa… Đợi đến khi mùi xôi chín tỏa ra thơm nức mũi, cả ba đứa đều nhảy cẫng lên, chui ngay vào bếp tranh nhau dỡ xôi ra đĩa, rắc đậu xanh lên, mang lên đặt vào mâm cúng ông bà.

Sau khi cúng kiếng và hóa vàng, cả nhà 5 người quây quần bên bàn ăn. Xôi vò luôn là món được “thủ tiêu” nhanh nhất. Nhìn 3 đứa con tranh nhau từng nắm xôi vàng ươm, béo ngậy, bố mẹ không khỏi bật cười. Trong năm, không ít lần mẹ đồ xôi vò, có khi vào đám giỗ, có khi vào cuối tuần, nhưng không hiểu sao tôi chỉ thấy xôi vò ngày Mùng 3 tết là ngon nhất.

Cho đến tận khi lớn lên, trưởng thành, có bạn bè, đồng nghiệp, người yêu… nhưng chị em chúng tôi luôn từ chối các cuộc hẹn vào sáng Mùng 3 để ở nhà đồ xôi với mẹ. Chị 2 và tôi lần lượt đi lấy chồng nhưng may mắn đều ở thành phố nên ngày này có thể về ăn cùng bố mẹ mâm cơm tiễn ông bà. Truyền thống ấy cứ được duy trì qua hàng chục năm, cho đến khi mẹ tôi mất mấy năm trước.

Khi mùi xôi vò thơm lừng gian bếp, với bố tôi, đó mới là Tết. Ảnh minh họa.
Khi mùi xôi vò thơm lừng gian bếp, với bố tôi, đó mới là Tết (Ảnh minh họa).

Giờ đây, bố tôi ở nhà với vợ chồng Út. Ngày Tết không còn mẹ, vợ Út không khéo nấu nướng nên Tết năm nào cũng đặt sẵn cỗ bên ngoài, rồi từ từ giản lược luôn mâm cúng ngày mùng 3. Tết đến, vợ chồng Út ở với Ba đến chiều mùng Một là khăn gói về quê vợ Út, rồi đi du lịch đến tận mùng 4, mùng 5 mới về. Bố ở nhà một mình, ra vào thắp hương cho mẹ mà không khỏi rưng rưng.

Mùng 3 tết năm nay, chị 2 rủ tôi hay là mình về nhà nấu miếng xôi vò. Vậy là chị ngâm đỗ và gạo nếp từ tối mùng 3 rồi sáng mùng 3, hai chị em sang nhà bố. Nhìn chị em tôi lui cui hấp đậu, tán đậu rồi nấu cả mì gói trứng ăn sáng như ngày xưa, bố tôi cười móm mém mà mắt long lanh. Khi mùi xôi chín tỏa ra thơm ngát cả gian bếp nhỏ, chúng tôi biết là với bố, đây mới thật sự là lúc Tết đến nhà.

Trương Hoàng Kim

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI