Nhớ… mùi tết

20/01/2023 - 14:46

PNO - Sáng 29 tết, bày các loại hạt, bánh, mứt ra “kiểm đếm” để chuẩn bị chưng lên bàn thờ, bỗng tôi nhớ mùi tết năm xưa tới nao lòng.

Nói suy nghĩ này với chồng, nghe xong anh bật cười: “Em đang ở giữa lòng tết mà? Hay để anh mua thêm cho em hai cái bóng to khắc chữ “vạn sự như ý” nữa cho em có đủ mùi của tết?”.

Ừ, thì anh đúng, trong nhà đầy bánh mứt, rồi thịt, bánh tét, bánh chưng, trứng chả… mâm ngũ quả cũng chuẩn bị gần đủ rồi. Ngoài sân hoa cúc, mai, vạn thọ, thược dược, mấy loại hoa tết, nhà tôi có thiếu gì đâu? Nhưng sao tôi cứ nhơ nhớ cái mùi tết cũ.

Tết cũ của tôi, đó là cái thời xa ngái khi tôi còn chưa đến tuổi trăng tròn. Mỗi năm hễ tết là tôi được theo chân ngoại ra ra vào vào tíu tít thăm coi trái mít, trái dừa, chùm ruột… có kịp tới độ vừa ăn để lấy sên mứt hay chưa? Rồi lựa nếp, lựa đậu chuẩn bị đến ngày gói bánh. Rồi cũng đi ra, đi vào để hóng bạn mẹ mang tắc, thơm qua sên đường làm xi rô uống. Hơn hết là chờ các dì nhận vải mới về, để những chủ nhật cuối cùng của năm, tranh thủ ngày nghỉ các dì đo đo, cắt cắt, may cho lũ trẻ chúng tôi quần áo mới. Để lúc chạy chơi tung tăng trong sân nhà lại được nghe kêu: “Chi ơi/Duy ơi, vô đây thử cái áo, cái quần này coi vừa chưa con?”. Giả vờ chơi đó, nhưng thật ra chỉ chờ được kêu thử áo mới!

Thời đó, như bao nhiêu nhà trong xóm, gia đình tôi chẳng dư giả gì. Chỉ khác mọi người đa phần đều làm nông, còn mẹ và các dì các cậu của tôi đều làm nhân viên nhà nước, nên cứ tết là nhà tôi luôn được phân phối thịt, cá, đường, sữa, gạo, nếp, vải… nhiều hơn người ta một chút. Đây là lúc ông bà ngoại tôi bận rộn nhất nhưng cũng hay cười nói nhất trong năm. Bởi các con đều đi làm đến trưa 29 mới được nghỉ, nên mọi việc dồn về phía ông bà ngoại của tôi. Ông thì phụ việc nặng, như xẻ thịt, cá, chặt xương… Rồi sau đó ông cặm cụi ngoài vườn, uốn mai, tỉa nhánh hoa lan, sắp đặt các chậu cây cảnh. Còn bà ngoại tôi thì ôi thôi, luôn tay luôn chân.

Tôi không thể nào kể hết việc của bà. Ngày bà vẫn lo đủ cơm ngày ba bữa cho cả nhà. Sáng, ngoại cho gà vịt ăn xong thả chúng ra vườn, rồi đi cắt lá, tước tàu chuối hột để phơi. Đi chợ về, nấu xong cơm nước, ngoại cắt củ cải, cà rốt thành hình hoa mang ra hong nắng. Chiều các dì, các cậu mang thực phẩm tươi về, thịt ngoại xẻ ra, chọn mỡ mang thắng bỏ vào các hũ thủy tinh để dùng dần. Ba rọi, nạc một phần ngoại để kho tàu, phần mang chuẩn bị làm nhân bánh tét. Cá, ngoại mang kho rục, hoặc nướng sơ qua, để bảo quản được lâu ngày.

Những ngày giáp tết thế này, ngoại đi chợ ngày hai bận, chợ sáng cũng đi, chợ tối ngoại cũng lật bật lội bộ cùng các con gái ra sắm sửa. Dĩ nhiên đứa cháu gái duy nhất là tôi cũng hớn hở theo đuôi. Những ngày đó tôi sướng lắm. Vừa đi vừa cứ hít hà vào lòng mùi tết. Đó là mùi của cơ man nào là hoa, là mùi bánh, mứt, cả mùi hăng hăng của dưa kiệu, củ hành… Cái mùi tết lạ lắm, nó chỉ có trong nắng, trong gió mơn man của đất trời vào độ những ngày này trong năm. Qua độ xuân rồi sẽ không ngửi không cảm được dù bạn có cố làm dưa kiệu, bánh tét, củ hành để dùng.

Tôi cứ tự hỏi vì sao mùi tết năm xưa cứ không dứt trong tâm trí dù bây giờ mỗi năm xuân về, tôi vẫn háo hức mua sắm, bày mâm, tìm mua quần áo mới cho cả gia đình? Phải chăng vì lâu rồi tôi không còn thời gian sên mứt, làm dưa? Phải chăng vì lâu rồi tôi không còn được ngồi chờ may áo mới? Phải chăng vì lâu rồi, mọi thứ quà cho tết được bày bán quanh năm? Hay thật lòng hơn, bởi tết xưa, tôi còn có ông bà ngoại?

Thụy Chi

 

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI