Nhớ mùi tết

30/01/2020 - 08:14

PNO - Ngồi trên chuyến xe đò trở lại Sài Gòn để quay về cuộc mưu sinh, xe chưa kịp rời khỏi quê mà bụng dạ cứ bồi hồi thấy nhớ… mùi tết.

Tối mùng Năm, trên khắp các nẻo đường có vô số chiếc xe đò lắc lư chở bao đứa con xa quê quay lại chốn mưu sinh thường nhật. Dù rất mệt nhưng có lẽ sẽ chẳng nhiều người dám ngủ bởi sợ đánh mất những phút giây lưu luyến với vùng quê có má có ba, có họ hàng, có ký ức tuổi thơ ở đó.

Tôi có “sở thích” đếm trụ km trên đường để níu kéo. Mỗi trụ vụt qua là lại xa nhà má thêm một chút. Lần về tết nào cũng vậy, chỉ có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là được ở nhà lâu nhất, nhưng cũng chỉ được hơn tuần lễ, thế là lần ra đi đầu năm mới bao giờ cũng bịn rịn y như thời mới lên Sài Gòn đi học.

Mới hết tết đó, đã thấy nhớ cái mùi tết quê lắm rồi!

Mùi tết là gì? Có lẽ trong ký ức mỗi người sẽ có một mùi tết cho riêng mình.

Với tôi, mùi tết là mùi khói đốt đồng, là mùi của đêm giao thừa. Hồi nhỏ, nghe cái mùi khói đốt khét lẹt là thấy ghét kinh khủng vì hôi. Đến khi lớn lên mới mê cái mùi khói tỏa bay trong vệt nắng cuối chiều sót lại. Bây giờ, người ta ít đốt gốc rạ ngoài đồng. Hàng rào cũng không còn các hàng cây để lũ trẻ nhỏ gom lá đốt như xưa nữa. Muốn hít hà cái mùi khói lá không phải dễ nữa rồi. Thế mà vẫn nhớ như in cái mùi ấy.

Chợ Tết quê như
Chợ tết quê như "xuyên không" về thập niên 90

Nhưng, tết quê mình vẫn còn giữ cái nếp như "xuyên không"… thập niên 90. Đó là tết quê rôm rả, là lu xu bu dọn dẹp nhà cửa, là không khí giáp tết nhộn nhạo, là đông vui đầm ấm, là đoàn viên...

Chợ tết quê vẫn giữ được cách buôn bán dân dã, nhà trồng được mớ hoa, trái cây “hợp mùa” liền xách ra chợ bán. Chỗ bán chẳng rườm rà, chỉ cần cái bao ngày thường đựng lúa là đủ. Những ngày này, mình sẽ đi chợ ngày… tám bận. Một lần đi cùng má và vô số lần phải làm chân chạy vặt mua đồ còn thiếu khi nấu mâm cúng, khi chưng bông, trái cây…

Một gánh hàng bông chợ Tết ở Trà Vinh
Một gánh hàng bông chợ tết ở Trà Vinh thật đơn sơ 

Nếu đón tết ở quê mình, bạn có thể bắt gặp vô số những bàn lô tô tam đại đồng đường, nghĩa là ông bà, cha mẹ, con cháu cùng xúm vô chơi. Hay những “sòng bài” lộ thiên vui ơi là vui bởi “ăn thua” chỉ 5.000-10.000 đồng tiền lì xì, chủ yếu để quây quần tám chuyện.

Tam đại đồng đường cùng chơi lô tô
Tam đại đồng đường cùng chơi lô tô

Với mình, vị tết xưa đậm đà nhất chính là thời khắc giao thừa. Trà Vinh đốt pháo hoa mừng năm mới vào khung giờ “lạ đời” 22-22h30 tối. Người xem pháo hoa vẫn có thể kịp về nhà đón giao thừa cùng gia đình.

Đúng thời khắc giao thừa, loa phát thanh ở khắp các xóm sẽ phát những bài nhạc xuân, sau đó là lời chúc tết của Chủ tịch nước. Dọc hai bên dãy phố, nhiều nhà bày mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời tạo ra một mùi hương đặc biệt. Trong nhà, những chị gái lớn phải pha trà, dọn đồ cúng… Bao năm rồi vẫn vậy!

Sau khi cúng giao thừa, người già sẽ dắt con cháu đi chùa hái lộc năm mới
Sau khi cúng giao thừa, người già sẽ dắt con cháu đi chùa hái lộc năm mới

Ngoài đường, người lớn dắt con nít đi chùa hái lộc đầu năm, khi đi không quên “hú” thêm nhà hàng xóm. Trời khuya và lạnh, đường đông vui, nói cười rôm rả. Mấy đứa con nít được dịp thức khuya mà không bị la dĩ nhiên hí hửng ra mặt… Có lẽ không có 0g của ngày mới nào đặc biệt như khoảnh khắc 0g của đêm ba mươi.

Chính cái mùi tết đặc biệt, nếp ăn tết giữ được phong vị xưa nên dù có lớn lên, đi bao xa, vẫn không quên mùi tết của quê hương.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI