Không biết thời Hùng Vương, ông An Tiêm trồng thế nào, thả trôi theo dòng nước ra sao, mà cứ thấy dưa hấu là thấy tết.
Khi trời đất chan đầy sắc nắng vàng hoe, buổi sáng, sương nhẹ, không khí se se lạnh, ở các chợ lớn nhỏ người ta bắt đầu bán dưa hấu. Càng gần tết, dưa bán ngay trên lề đường. Những đống dưa đổ dài trên phố với những người bán dưa nước da đen đúa, tay chân rắn rỏi, mốc cời.
|
Tết ngày xưa trên bàn thờ lúc nào cũng có một cặp dưa hấu, mong cho một năm "đỏ" tươi, rực rỡ. |
Nhìn họ nâng niu, lau lau, xếp xếp từng trái dưa mà hình dung được bao nhiêu mồ hôi của họ đã đổ vào đống dưa đang bày ra đó. Giống như những người bán bông, họ cũng dùng tấm nilon căng lên che tạm nắng, mưa. Cũng ăn với dưa ngủ với dưa và cũng mong sao mau bán hết để còn sắm tết, về quê, cúng ông bà. Nhưng khác với người bán bông, trưa cuối năm đã dẹp, đống dưa hấu nhiều khi được cầm cự đến hết mùng. Chỉ có tết thôi mà, qua tết sẽ không có dưa để ăn.
Mua dưa hấu chưng tết phải biết cách. Trái dưa ngon thì phải tròn trịa, vỏ xanh đậm và đều. Búng vào vỏ nghe tiếng thanh trong. Người có kinh nghiệm nghe tiếng dưa để chọn dưa mua về ăn liền hay mua về để chưng nhiều ngày. Bữa cơm đầu năm, xẻ dưa cúng ông bà mà trái dưa chín đỏ, báo hiệu một năm mới nhiều may mắn. Người ta tin như vậy, nên phải lựa kỹ.
Đâu đợi đến tết mới được thưởng thức dưa hấu. Ở nhà tôi, khi chợ đã có bán dưa, ngày trước, ngày sau mẹ tôi đã mua về cho cả nhà ăn rồi. Mua dưa lúc này vẻ ngoài không quá quan trọng, tuy cũng phải nhìn nhìn, ngó ngó, chọn chọn, lựa lựa, búng ngón tay vô vỏ để đoán dưa chín đều hay chưa, mẹ tôi còn cẩn thận kêu người bán chêm thử, với giao hẹn đỏ mới mua. Rút miếng chêm ra tưởng chừng trái dưa chín đỏ, nhưng khi xẻ ra, đôi khi bên trong chỉ ửng hồng. Người mua lầm chứ người bán nào lầm, cả nhà trách người bán không chân thật, nhưng ngấm ngầm khen họ có nghề, biết chọn chỗ để chêm dưa. Thôi thì trét lên miếng muối, trái dưa cũng dần dần được ăn hết.
Dưa hấu chưng tết, giờ biến tấu nhiều, bên ngoài vỏ khắc những chữ thư pháp tài lộc, chúc tụng năm mới sung túc. Thật ra với nhiều người, chưng dưa hấu là cầu mong đỏ cả năm, như ruột dưa vậy. Với thời tiết miền Nam, những ngày tết mời nhau miếng dưa dấu, vừa giải cơn khát vì dưa hấu nhiều nước, vừa chúc nhau một năm rực rỡ, tươi tắn.
Trước tết, người nhà tôi ăn dưa hấu phải để vỏ lại. Bà dì thích đem vỏ dưa hấu, củ cải trắng và củ cà rốt nhận nước tương. Vỏ dưa hấu gom lại, được dì rửa sạch rồi gọt bỏ vỏ xanh. Sau đó, dì xắt thành từng miếng nhỏ hơn ngón tay út. Việc của bọn con trai chúng tôi là đem những cái mâm vỏ dưa hấu, củ cải trắng, củ cà rốt đã cắt miếng lên nóc nhà để phơi. Phơi đâu chừng một, hai nắng, dì bỏ vào các hủ thủy tinh. Đến gần tết, dì nấu nước tương đổ vào các hủ đó. Tết mở ra ăn với bánh tét, nói như bây giờ, ăn rất tròn vị. Thỉnh thoảng, tôi thấy trước khi ăn sáng, ông dượng đổ nước trong hủ ra chén húp. Hỏi ra mới biết là để giải rượu.
Nhiều năm sau, phải sống xa quê hương, ăn tết chỉ là dùng bữa tiệc cuối năm, nhậu bét nhè, dùng cơn say đè lên nỗi nhớ nhà. Lúc tỉnh dậy bụng đói cồn cào, đầu nhức ong ong, thèm đến cồn cào miếng dưa hấu ngọt man mác, miếng vỏ dưa hấu ngâm nước tương dòn dòn, ước ao húp thứ nước nâu nâu trong hủ dưa ngày xưa. Phép màu đâu dễ đến với đứa xa quê!
Nguyễn Huỳnh Đạt