Nhớ mùi của chợ

26/09/2021 - 19:21

PNO - Bình thường, hôm nào má gọi chị ra chợ, chị luôn khó chịu. Vậy mà bây giờ chị nhớ chợ da diết.

Má chồng chị là một tiểu thương nhỏ, buôn bán ở chợ đã hơn chục năm. Ngày trước, má ở quê, gieo hạt, trồng rau rồi rinh ra chợ bán. Sau này lên Sài Gòn mưu sinh, má được người ta giúp đỡ, thuê được cái sạp ngay đầu chợ. Rồi cứ thế má bán buôn, gồng gánh sớm chiều cũng nuôi được cả 3 đứa con ăn học.

Ngày chị về làm dâu, ấn tượng của chị về má là sự lam lũ. Má luôn mặc đồ bộ bên trong, bên ngoài khoác áo mỏng, lúc nào cũng có cái giỏ xách cũ bên mình. Chồng chị nói cái túi coi xấu xí vậy chứ chứa toàn là tiền hàng, giấy tờ của má, quý lắm đó. Con cái nói đổi qua cái túi sang hơn, má không chịu. Má nói: "Túi xấu mới khó bị cướp giật, tụi bây không hiểu gì".

Chị là con gái một nên từ nhỏ được cưng chiều, về làm dâu cũng được cưng lắm. Nhưng lâu lâu má vẫn gọi chị ra chợ, khi thì phụ mang thêm hàng ra, khi thì ngày Chủ nhật tranh thủ ngồi trông sạp cho má một lúc, để má đi thanh toán này kia với bạn hàng.

Má bán trái cây, lúc nào nhìn vào cũng thấy tươi ngon, bắt mắt. Nhưng thứ khiến chị ngán ngẩm là những sạp hàng kế bên, người bán cá, người bán thịt, người bán bánh, bán bún… tất cả những mùi ấy hòa lẫn vào nhau, nhiều khi thành cái mùi đặc trưng mà chị gọi là mùi của chợ.

Những khu chợ nhỏ là nơi nuôi sống rất nhiều gia đình - Ảnh minh họa

Chị từng không thích mùi chợ, không thích thanh âm của chợ - Ảnh minh họa

Chị từng không thích mùi chợ, không thích thanh âm của chợ. Người này í ới người kia, khách hàng trả giá, chủ quán thì nói luôn miệng. Chị chỉ thích lên văn phòng, vừa sạch sẽ vừa yên tĩnh, thoáng mát. Nhiều lúc chị thủ thỉ với chồng nói má nghỉ việc đi, giờ con cái trưởng thành, chưa kể má cũng vất vả nhiều năm rồi. Thật ra, chị nói vậy cũng một phần vì chị không thích cứ bị má gọi lên chợ ngồi hoài. Chỉ mỗi việc ngồi trông hàng, ngó qua ngó lại xung quanh cũng khiến chị mệt mỏi. Chợ thì nhỏ, mùa mưa thì nhớp nháp, mùa nắng thì mệt mỏi.

Vậy mà anh chị nói cỡ nào, má cũng không chịu nghỉ. Chị vẫn ngại ngần má chồng nên cứ cuối tuần là lại ra sạp phụ má, dù chẳng thích công việc này, càng không thích mùi chợ, thanh âm của chợ.

Cứ tưởng chị không thích chúng mãi, cứ tưởng việc ra sạp hàng chỉ là miễn cưỡng, là trách nhiệm của con dâu, có ai mà ngờ nay chị lại nhớ mùi chợ da diết.

Mấy tháng nay má nghỉ bán, ở nhà “nghỉ dưỡng” đúng như ý vợ chồng chị, nhưng chị nào có thấy má vui. Người phụ nữ hơn chục năm trời bán bưng, nói chuyện rổn rảng nay phải ở nhà với bốn bức tường, buồn chân lắm chứ.

Chị quan sát, thấy má buồn hơn hẳn mấy ngày má còn đi bán. Ngay chính chị, cũng nhớ quá chừng những hôm trông hàng, nghe bà con quanh đó hỏi han, người cho cái bánh, người đưa chén chè.

Bữa ăn hôm trước, má bảo má coi tivi, thấy TPHCM chích vắc xin quá trời rồi, má cũng chích đủ hai mũi rồi, có khi tháng 10 được đi bán lại. Má nói má nhớ cái sạp hàng ghê, không biết mấy nay mưa gió chỗ má ngồi có bị tạt ướt rồi hư mấy thanh gỗ cũ không. Má cứ ngồi nhắc như thế, còn dặn chồng chị khi nào má bán lại, nhớ qua sửa sang cho gọn gàng, sạch sẽ.

Chị từng không thích mùi chợ, không thích thanh âm của chợ - Ảnh minh họa

Nghỉ dịch, chị bỗng thấy nhớ mùi chợ da diết - Ảnh minh họa

Chị hỏi má nhớ mùi chợ rồi hả? Má cười nói: “Nhớ chứ, nuôi 3 đứa con chừng đó năm trời nhờ cái sạp bé con con đó, cái chợ nhỏ đó. Nhìn những cái chợ cóc, chợ nhỏ ở Sài Gòn, thấy bé bé vậy thôi chứ nuôi sống bao nhiêu gia đình. Mà má còn nhớ cả khách hàng của mình. Có người chuyên mua trái cây cúng, có người hay mua cho con nhỏ, có người mua để chăm sóc cho người đau bệnh… Chỉ hi vọng sau dịch gặp lại tất cả họ, gặp chị em bạn hàng vẫn khỏe để tiếp tục bán buôn”.

Chị nghe những lời má, khẽ nhìn chồng. Hai vợ chồng hiểu ý nhau, quả là anh chị đã sai khi cứ nằng nặc bắt má nghỉ bán để ở nhà. Chỉ mấy tháng nghỉ dịch mà chính vợ chồng chị còn nhớ cái mùi chợ nhỏ ấy, huống gì má đã gắn bó cả đời.

Giờ thì anh chị cũng mong dịch chóng qua đi và chỉ ít ngày nữa thôi, Sài Gòn sẽ khỏe, những khu chợ to, chợ nhỏ ở Sài Gòn sẽ khỏe, để cho bà con tiểu thương gặp nhau mừng rỡ. Cũng là để cho những bà, những chị, những chú bác ở chợ có thể mang đến cơm ngon, canh ngọt, hoa trái cho mọi nhà.

Thùy Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI