Tôi là nhân viên văn phòng ở công ty tư nhân nhỏ. Mùa dịch, công ty đóng cửa, tôi thất nghiệp.
Chồng tôi thì đỡ hơn một chút, anh ở nhà nhưng vẫn làm online, lương vẫn có nhưng không được như trước. Với đồng lương của anh, nhà bốn người chúng tôi sẽ đối mặt với khó khăn.
Sống ở đất Sài Gòn, đến với nhau tay trắng, tám năm bên nhau với hai đứa con, vợ chồng tôi có được căn nhà nhỏ cũng là may mắn hơn nhiều người, dù để mua nhà, chúng tôi phải vay mượn nhiều.
Tôi định sẽ đi tìm việc gì đó để làm đợi qua cơn khó. Sinh xong, sức khỏe tôi giảm sút hẳn, không thể làm việc nặng. Tôi lại bị viêm da tay chân nên tránh tiếp xúc với nước tẩy, hóa chất, không thể đi giúp việc nhà hay trông trẻ.
|
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK |
Nghĩ đến chuyện tiền bạc, tôi đau đầu mà không tìm được giải pháp. Chồng cứ an ủi nói không phải lo, chỉ khó khăn tháng này thôi, dịch yên, vợ chồng tôi sẽ lại đi làm bình thường.
Anh nói là nói vậy, nhưng tôi lo vẫn lo. Đâu phải cứ hết dịch là các nhà máy công ty mở cửa lại liền đâu. Liệu tôi có kiếm được việc ngay không. Tôi lo lắng mai kia con đi học rồi lấy gì đóng tiền trường đầu năm, rồi đồng phục, sách tập…
Sáng nay, vừa lấy bịch cá nục ra, cậu con trai bảy tuổi nhìn thấy, nhăn nhó: "Hôm qua mới ăn cá nục, nay ăn cá nục nữa hả mẹ? Ngán muốn chết!".
Tôi sững người nhìn bịch cá. Tôi có nhớ gì đâu, tôi không nhớ hôm qua ăn gì, sáng nay ăn gì tôi cũng không nhớ. Nhìn thằng con cau có, tôi bỗng điên tiết: "Ăn ăn, có ăn là may rồi ở đó càm ràm!".
Và tôi bật khóc. Khóc tức tưởi ấm ức. Tôi không nhớ lần cuối mình khóc khi nào. Từ hồi vào đất này hơn chục năm, tôi luôn cố gắng hết sức, thời sinh viên một ngày chỉ ngủ bốn tiếng, còn lại dành cho học hành, làm thêm.
Có gia đình rồi, vợ chồng người ta được đi đây đi đó, mua nhà, đổi xe trong khi tôi vẫn đi cái xe máy từ hồi sinh viên. Người ta lo lắng con học kém, nay bệnh mai đau, trong khi hai con tôi học đâu ra đấy, luôn khỏe mạnh vượt chuẩn…
Tại sao người ta có điều kiện nay quần này áo nọ, đi xe xịn, điện thoại đời mới trong khi tôi mua cái áo cũng phải đắn đo, đợi có thưởng hay khoản gì đột xuất mới dám sắm. Còn điện thoại vẫn xài cục gạch nhấn số. Tại sao tôi lại thua chị kém em, trong khi tôi cố gắng hơn người khác?
Một trời ấm ức từ đâu dồn đến khiến tôi khóc muốn hụt hơi. Chồng con vây quanh tôi, người vỗ về, người ôm lấy, con gái đã òa khóc theo.
Bữa trưa do chồng phụ trách, tôi về phòng nằm khóc tiếp và ngủ luôn. Lúc tỉnh dậy, ngạc nhiên là tôi thấy nhẹ nhõm hẳn.
Ngoài phòng khách, chồng đang cùng hai con chơi cờ. Mùa dịch ở nhà, sáng thì anh lùa đám con dậy tập thể dục, chạy nhảy tại chỗ, thời gian còn lại anh dạy các con chơi cờ vua, cờ tướng, gieo hạt, trồng cây… Thấy tôi, anh vội vàng giục con đi lấy cơm cho mẹ vì bữa trưa tôi bỏ ăn.
Trong lúc tôi ăn bữa trưa muộn giờ, anh ngồi cạnh gắp đồ ăn cho tôi, anh nói anh không nghĩ là tôi lại thấy áp lực thế. Là lỗi của anh khi chưa cho gia đình một cuộc sống khá giả hơn.
Anh nói, vợ chồng mình còn trẻ khỏe, hai con ngoan ngoãn học giỏi, chúng mình cứ chăm chỉ chịu khó thì cuộc sống chẳng mấy sẽ nhàn. Ngẫm lại chúng tôi còn hơn nhiều người lắm.
Anh kể về một người quen, kinh tế khá lắm, bỗng dưng chị vợ bị bệnh, chạy chữa hai năm thì chị mất. Chị mất rồi, nhà cũng chẳng còn gì vì đã dồn hết để lo cho chị. Bây giờ ở tuổi gần năm mươi, anh bạn đó phải ở nhà thuê, một nách lo cho hai cậu con trai.
|
Ảnh minh họa |
Hay như chị hàng xóm cách nhà tôi mấy căn. Lúc nào cũng thấy chị rực rỡ giàu có. Nhà ba tầng nội thất sang trọng, hai chiếc xe hơi, còn có gần chục căn hộ chung cư cho thuê. Nhưng năm ngoái, cả xóm ồn ào vì chuyện chị đi đánh ghen. Và mới tháng trước đây lại thêm lần nữa. Chồng chị có tính lem nhem, nay cô này mai cô khác…
Tôi lườm chồng, là anh đang nói tôi sướng mà không biết hưởng chứ gì. Anh cười nói sướng khổ đều do mình. Anh cam đoan sẽ không để mẹ con tôi phải lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Có tệ lắm vẫn cơm đủ ba bữa, con cái được ăn học đàng hoàng.
Khóc xong một trận, nhìn vẻ mặt áy náy của chồng, nhìn ánh mắt non dại lo lắng của hai con, tôi thấy mình vô lý. Nhưng khóc đã khóc rồi, nhờ trận khóc mà tôi xả trôi được những muộn phiền, vợ chồng có cơ hội nói chuyện với nhau. Tôi cảm giác mình được quan tâm hơn và lời mình nói ra dễ được lắng nghe hơn.
Tôi còn nghĩ, có khi lâu lâu mình phải khóc một trận, nhưng rồi nhìn chồng với những sợi tóc bạc lấp ló ở thái dương, tôi lại thấy thương. Khi nào anh mới được khóc?
Thái Phan