Nhớ một nụ cười rất… Trần Kim Trắc

08/01/2019 - 14:30

PNO - Ông vừa kể chuyện vừa nheo mắt cười. Quả thật, ông có một nụ cười rất đa nghĩa. Nụ cười bảo là chua xót, mỉa mai cũng đúng, mà hả hê, sảng khoái cũng không sai.

Năm 2005, tôi ghé thăm nhà ông, đúng lúc ông cùng vợ - bà Hoàng Nguyệt Liên, khi ấy đã ở tuổi 70 - đang ngồi tâm sự chuyện đời. Bà đeo kính, tay đang đan dở chiếc áo len, nụ cười nở trên môi; còn ông đang nheo mắt nhìn bà với tách trà trên tay đầy sảng khoái. Tôi nhìn ông bà như nhìn một đôi tiên ông - tiên bà đã quên cái sự đời từ lâu lắm. Bà đằm thắm, gia phong, nền nếp; ông tếu táo, phóng khoáng, ung dung.

Nho mot nu cuoi rat… Tran Kim Trac

Trần Kim Trắc có thời tuổi trẻ trúc trắc trục trặc như cái tên. Năm 16 tuổi, sau 3 năm sống chung một cách khó khăn với mẹ kế, chàng thanh niên mới lớn tên Trắc quyết định tòng quân, trở thành chiến sĩ tiểu đoàn 307 anh hùng. Tám năm sau - năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Mấy năm sau, ông nhận tin, người vợ miền Nam không chờ được ngày ông quay về, đã đi lấy chồng. Rồi ông vướng một oan án trong quân đội, đành ra quân, lên rừng nuôi ong và trở thành “một người đàn ông rách rưới te tua… mà hay ngẫm nghĩ chuyện đời”.

Ông vừa kể chuyện vừa nheo mắt cười. Quả thật, ông có một nụ cười rất đa nghĩa. Nụ cười bảo là chua xót, mỉa mai cũng đúng, mà hả hê, sảng khoái cũng không sai. Có lẽ, chính lý lịch quân ngũ “có vấn đề” và nụ cười đa nghĩa bất cần đời của kẻ chả biết “cha căng chú kiết là ai”, nên dù là cuộc hôn nhân rổ rá cạp lại, vẫn là “cuộc hôn nhân bị từ chối”.

Nhưng dưới mắt bà Liên, ông luôn là một bố dượng trên cả tuyệt vời. Bà bảo, tới tận tuổi cổ lai hy, “hình ảnh anh ấy, cơm nắm muối vừng, không ngại bom đạn, còng lưng chở con bé Vân Anh (8 tuổi) nhà tôi bằng chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ kỹ suốt 13 tiếng đồng hồ, từ nơi sơ tán (Tuyên Quang) quay về trường nhạc (Hà Nội) cho con kịp ngày khai giảng thì tôi không bao giờ quên”.

Đó là ơn, là lòng nể phục, giúp bà vượt qua mọi định kiến của gia đình, xã hội để đến với ông. Ông lại bảo, “đó là sự hy sinh, là nghĩa tình mà cho dù tôi có cày bừa mửa mật cũng không thể trả hết ơn bả”.

Nho mot nu cuoi rat… Tran Kim Trac
Nhà văn Trần Kim Trắc và vợ - ảnh Lam Điền

Cùng năm đó, tôi lại gặp ông ở sân bay. Chuyến bay muộn lúc 23 giờ, khi ông vừa dự đại hội nhà văn ngoài Hà Nội trở về. Vẫn dáng người dong dỏng cao, vai đeo túi quà tặng từ đại hội, ông tủm tỉm cười bắt tay tôi, trước khi ngoắc taxi về nhà. Tôi hẹn có dịp sẽ lại thăm ông bà. Bẵng một thời gian, chỗ bán mật ong trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM) của ông bà đóng cửa lúc nào không biết, rồi bặt tăm đến tận bây giờ.

Ngẫm lại, cuộc đời ba chìm bảy nổi thời trai trẻ chính là chất liệu sống phong phú để ông cho ra đời nhiều tác phẩm văn chương thú vị. Tôi không có cơ hội đọc hết các tác phẩm đó, nhưng qua cách ông hóm hỉnh về quá khứ của mình, tôi nghĩ, những tác phẩm của ông luôn có cái nhìn vị tha, bao dung. Bất kỳ ai, cho dù là một người rất xấu, ông cũng nhìn ra ở họ một điểm tốt đáng trân trọng.

Nho mot nu cuoi rat… Tran Kim Trac
Nhà văn Trần Kim Trắc và vợ tại buổi ký kết tác quyền với NXB Trẻ năm 2015

Nghe tin ông mất. Tôi lật lại quyển sách ông tặng ngày ấy, dường như ông vẫn nhẹ nhàng quanh đây: “Cuộc đời mỗi con người ít ra cũng bằng một quyển tiểu thuyết. Chuyện này chỉ nghe và chép lại không có chế thêm” (Một khúc cầm chơi).

Trần Kim Trắc, sinh năm 1929 tại huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang). Ông mất ngày 17/11/2018 do suy hô hấp nặng. Thi thể được hỏa thiêu. Tro cốt một phần đã thênh thang ra sông, một phần được gửi lại chùa. Tuy vậy, mãi đến giỗ 49 ngày của ông (4/1/2019) thì thông tin này mới chính thức được xác nhận. 

Nguyễn Thiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI