Nhớ mong mùa nước nổi

03/10/2022 - 06:25

PNO - Tình trạng vắng mùa nước nổi khiến tài nguyên đất và nước của Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều thách thức lớn.

“Tháng 7, nước nhảy khỏi bờ”. Khi thấy nước sông Tiền, sông Hậu có màu phù sa, nhiều ngư dân phấn khởi, tin rằng miền Tây sẽ có một mùa lũ đẹp. Nhưng đến nay, đã vào tháng 10, lũ vẫn vắng bóng, chỉ có các đợt triều cường khiến nhiều đô thị ngập nước. Người miền Tây lại thêm một năm ngậm ngùi nhớ mùa nước nổi.

Mùa nước nổi ở miền Tây là hiện tượng tự nhiên theo mùa diễn ra hằng năm. Ngoài mặt hại như xáo trộn đời sống người dân, gây ngập sâu, cản trở giao thông đường bộ thì nước nổi mang lại nhiều lợi ích. Lũ tràn đồng mang phù sa cho đồng ruộng, tháo chua, rửa phèn, mang cá tôm từ “túi cá” khổng lồ trên Biển Hồ (Campuchia) về Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên. Lũ góp phần hình thành các tiểu vùng tự nhiên như miệt sông, miệt vườn, miệt ruộng, miệt bưng, miệt biền, miệt biển (giao thoa mặn ngọt). 

Mùa nước nổi gắn kết mối lương duyên sông - biển, tạo đa dạng sinh học và là nguồn cung nhiều loài thủy sản đặc hữu của dòng Mê Kông như cá tra, cá linh, cá ngát, cá hô mà chu kỳ sinh trưởng của các loài này theo con nước nổi. Mùa nước nổi còn sản sinh ra dòng thơ ca, nhạc họa, văn hóa dân gian giàu bản sắc vùng miền. 

Cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, việc các quốc gia đầu nguồn ồ ạt xây đập thủy điện ở đầu nguồn Mê Kông khiến nguồn nước cạn dần; nạn khai thác cát bừa bãi, khoan giếng nước ngầm tràn lan đã gây sạt lở, sụt lún đất. 

Sông cạn, thiếu nước ngọt, thiếu phù sa, nước biển vượt qua các cửa sông lấn sâu vào nội đồng, gây nhiễm mặn. Tình trạng này làm tổn thương nghiêm trọng hệ đa dạng sinh học. Trong khi đó, nhiều công trình thủy lợi cục bộ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua được xây theo kiểu mạnh ai nấy làm đã phá vỡ các túi chứa nước lũ được điều tiết tự nhiên hàng ngàn năm qua. Việc chạy đua “quay vòng hệ số sử dụng đất” đã làm trầm trọng hơn tác động của tình trạng vắng mùa nước nổi. Tài nguyên đất và nước của vùng này đang đứng trước nhiều thách thức lớn.

Những thay đổi tiêu cực liên quan tài nguyên nước sông Mê Kông và sự biến mất của mùa nước nổi ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, sinh hoạt của người dân. Thực tiễn đang đòi hỏi con người phải hành động quyết liệt hơn để bảo vệ nguồn nước, cũng là bảo vệ chính mình. Hàng loạt vấn đề liên quan đến nguồn nước và sự vắng bóng mùa nước nổi đang cần được giải quyết. 

Nhớ khi xưa, các bậc tiền hiền khai phá vùng châu thổ sông Cửu Long đã chống chọi với điều kiện khắc nghiệt của vùng đất mới. Lịch sử hàng trăm năm qua cho thấy, người dân nơi đây đã biết chủ động thích ứng và tôn trọng quy luật tự nhiên. Người ở đồng trồng lúa trời, người ở ven biển dùng lu, khạp trữ nước mưa để dùng cho mùa khô…

Ngày nay, người đồng bằng cần tiếp cận, ứng phó trước nhiều thay đổi của dòng Mê Kông, cần một chiến lược tổng thể cân bằng nước, nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên nước. Cần thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiêu dùng nước theo hướng phát triển nền công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, giảm thâm canh, giảm đầu vào, tăng giá trị và chất lượng đầu ra cho các chuỗi nông sản. 

Sản xuất nông nghiệp cần chuyển dịch theo hướng thời vụ thích hợp, sử dụng giống phù hợp với điều kiện tài nguyên nước thay đổi và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Kèm theo đó là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công.

Bên cạnh nước ngọt thì nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên để tận dụng nhằm phát triển kinh tế biển, ven biển. Các dự án điều tiết nước, kiểm soát độ mặn, ngọt được đầu tư thời gian qua đã giúp các địa phương trong vùng phòng, chống hạn mặn hiệu quả. Những giải pháp công trình mang tính kỹ thuật, công nghệ để ứng phó trước tác động của biến đổi khí hậu, sụt lún, xâm mặn là cần thiết, nhưng quan trọng hơn vẫn là chất lượng quy hoạch, chất lượng đầu tư hệ thống thủy lợi, bố trí dân cư, tổ chức sản xuất. 

Thay cho nỗi nhớ mong mùa nước nổi, người dân đồng bằng cần chuyển đổi thích hợp. Cần tiếp cận vùng theo chuỗi ứng dụng công nghệ, phát huy đổi mới sáng tạo và những ưu thế của kinh tế số (digital economy), kinh tế chia sẻ (sharing economy); xây dựng các chuỗi giá trị với sự liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân tham gia trong mối quan hệ công nghệ, thị trường và lợi ích chung. 

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI