Căn nhà cũ kỹ trong hẻm 246 đường Độc Lập, P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM, ba lần tôi đến đều trở về với tâm trạng khác nhau.
Lần đầu cách đây sáu năm, tôi đến phỏng vấn để viết về bà Lê Thị Hồng Vân, cả đời nhặt ve chai lo cho chồng là thương binh và nuôi năm đứa con đang tuổi ăn tuổi học.
Viết xong, bỗng nhận được tin bà nhắn qua người quen rằng, đừng đăng báo vì “đời có biết bao bà mẹ lao khổ, hy sinh cho gia đình, nhiều người đáng tuyên dương hơn”. Tôi xếp lại bản thảo, tôn trọng quyền được lặng lẽ của người mẹ ấy.
|
Kim Yến theo mẹ nhặt ve chai sáu năm trước |
Lần thứ hai là gần đây, người quen cho hay bà bị viêm não, bác sĩ “chê”, đưa về nhà nằm mê man đã nhiều tháng. Thương bà chưa một ngày vui, chưa một lần tận hưởng cuộc sống, nay lại mang căn bệnh hiểm nghèo.
Bà cả đời ky cóp lo cho con, quên mình muốn gì, thích gì, lỡ mua một cái búi tóc mà tiếc tiền hoài, tự trách mình xa xỉ.
Bên giường bệnh, Kim Yến - con gái giữa của bà đã 25 tuổi mà gầy gò, yếu ớt như học sinh cấp II vì bệnh suy tuyến giáp từ nhỏ - lúi húi chăm mẹ, từ lau rửa, xức thuốc đỏ mấy ổ loét đến xay cháo bơm vào ống cho mẹ ăn.
“Chém ho! Đừng ho nữa mẹ ơi! Rồi, mới ăn được xíu đã ói ra rồi thì sao mà no được. Mẹ ơi! Có cô đến thăm mẹ nè, mẹ nhớ không? Để con vạch mí mắt cho mẹ nhìn cô nhen!” - Yến nhẹ nhàng nói với mẹ.
Yến cho biết, năm rồi bà Vân đột nhiên bị té trước nhà, tình trạng nặng dần, không còn nhớ ai, cả con gái ngày đêm kề cận... Dấu hiệu duy nhất để biết bà thức hay ngủ là còn nhúc nhích cái tay.
Xót xa cho mẹ, Yến chảy dài hai hàng nước mắt, nhưng bà không thấy được vì mí mắt đã sụp. Thỉnh thoảng, Yến khóc ra tiếng thì bà nghe, quờ tìm tay Yến như để cố nắm lấy, dỗ dành.
Chưa vướng bận gia đình riêng như người chị và do thể trạng yếu ớt, Yến “kế nghiệp” mẹ nhặt ve chai trong thời gian tìm công việc tốt hơn nên khi mẹ ngã bệnh, Yến lãnh phần túc trực.
Lần thứ ba tôi đến thăm sau lần trước chỉ ba ngày là khi bà Vân qua đời ở tuổi 61, bỏ lại gánh ve chai, bỏ lại kế hoạch đi biển Hà Tiên một lần cho biết, bỏ lại chồng con ngẩn ngơ thương tiếc…
Nhìn Yến gầy xanh, ánh mắt thất thần đứng cạnh chiếc quan tài của mẹ, trong tôi vọng lên lời Yến nói cách đây mấy hôm: “Tại sao có người lại coi cha mẹ già bệnh là gánh nặng? Con mong mẹ sống hoài, ít nhất cũng phải được tám mươi mấy tuổi để con được báo hiếu”.
Ngồi cạnh mẹ đêm cuối trước khi đưa đi hỏa táng, Yến hồi tưởng những ký ức đẹp mẹ con từng có với nhau trong cảnh nghèo.
Suốt tuổi thơ, Yến theo mẹ nhặt ve chai ở nhiều cổng trường. Trời ào mưa, mẹ nhường nón lá cho Yến vì sợ sức đề kháng của con yếu, sẽ đổ bệnh. Nhớ lắm những lần mẹ con hí hửng vì được bạn học sinh nhặt giúp lon nước ngọt, chai nhựa trong trường nhưng bất ngờ bị bà lao công phát hiện, lấy lại. Mừng hụt, mẹ con tiu nghỉu quay về.
Khi bị bạn chọc ghẹo, Kim Yến không ấm ức méc mẹ hay “xực” lại mà thường âm thầm rơi nước mắt. Có khi thấy Yến nhặt ở phía xa để né bạn, bà Vân khuyên: “Mình nhặt ve chai là lao động chân chính, chứ có ăn cắp ăn trộm hay làm gì xấu đâu con”.
Đêm khuya trằn trọc không ngủ, Yến khều mẹ, thỏ thẻ: “Hay là mình đổi nghề khác đi mẹ!”. Bà Vân bảo không còn nghề nào thích hợp hơn với cái tuổi 60 của bà, với căn bệnh đau thần kinh tọa.
Trước đây, bà cũng từng bán hủ tíu, bánh tét nhưng do không “có duyên buôn bán” nên bị lỗ. Lượm ve chai dù kiếm được ít tiền nhưng không quá nặng nhọc, lại chủ động được thời gian, dễ dàng đưa rước con đi học và nhất là không sợ mất vốn, gây nợ.
Dù cố phân giải để con vượt qua trở ngại tâm lý nhưng chính bà cũng nhiều đêm sụt sùi rồi tự trấn an mình vì tương lai con mà cố gắng.
Giờ nếu thời gian quay trở lại, Yến sẽ không nói với mẹ câu đó. Yến sẽ theo mẹ bên gánh ve chai với nụ cười trên môi để mẹ khỏi ray rứt, bận lòng. Khi nào chuyển nghề hẵng hay, nhưng nếu đang chọn nhặt ve chai thì phải làm cùng mẹ với tâm thế vui vẻ, lạc quan.
Thuở ấy, không có giường, cả nhà cùng vào một chiếc mùng “khủng” vừa tránh được muỗi, vừa vui, vừa ấm. Nhà thuộc “đạo” rau muống, hết luộc, xào, nấu canh rồi lại làm gỏi.
|
Hình ảnh cuối cùng của bà Hồng Vân, được con gái hiếu thảo Kim Yến ân cần săn sóc |
Nghèo khó lại đông miệng ăn, mỗi bữa cơm, bà Vân luôn kêu no sớm nhất để nhường phần các con. Vậy mà thời nhỏ dại, Yến cứ tưởng đã là người lớn thì ắt phải ăn ít. Tâm trí Yến cuồn cuộn dòng ký ức về quãng đời có mẹ.
“Mẹ dù sống một đời thiếu thốn nhưng gia đình mình vẫn đủ đầy tình thương, các con thành nhân, hiếu thảo vậy là mẹ an lòng ra đi…” - tôi siết tay Yến, giã từ.
Tô Diệu Hiền