Nhớ khói

15/12/2021 - 06:34

PNO - Sáng nay, trong muôn ngàn nỗi nhớ đan xen giữa cái lạnh của Sài Gòn, không dưng tôi bồi hồi nhớ và thèm hít hà mùi khói un.

Đã tháng 12, trên tường, những tờ lịch cuối phất phơ, năm bắt đầu cạn dần. Buổi sáng, Sài Gòn có hôm chỉ 20oC, cái lạnh hiếm hoi của thành phố quanh năm hừng hực nóng. Mọi người đón nhận không khí se lạnh của Sài Gòn bằng cảm giác sung sướng. Tin Sài Gòn lạnh bỗng chốc “nóng ran” trên cõi mạng, khiến thị dân Sài Gòn như tạm quên đi con số F0 ám ảnh mỗi ngày.

Tôi vốn là cư dân Sài Gòn chính hiệu nên cảm nhận cái lạnh mơn man da thịt chỉ như cảm giác tình cờ chạm mặt cố nhân, thế thôi. Không thấy buồn, không thấy vui, chỉ thấy nhớ mông lung, một nỗi nhớ mơ hồ văng vẳng.

Tôi đã từng trải qua cái thời Sài Gòn vẫn còn “mùa đông” se sắt lạnh với những sớm mai liu riu gió, trên đường phố, người ta đua nhau nón dạ, áo len đủ màu sắc, đủ kiểu dáng. Mấy anh con trai diện padersuy đen cho ra dáng tài tử, phong trần, lịch lãm. Các chị nữ sinh áo dài trắng phủ bên ngoài chiếc manteau, trên vai điệu đà phất phơ phu la màu rượu chát, chậm rãi những vòng quay xe đạp, dọc ngang phố xá thênh thang. Ngày đó, Sài Gòn lạnh theo chu kỳ. Không như bây giờ, một chút se sắt gió được xem như món quà hào phóng của đất trời.  

Sáng nay, trong muôn ngàn nỗi nhớ đan xen giữa cái lạnh co ro của Sài Gòn, tôi bỗng thèm hít hà mùi khói un.

Hồi đó, lúc tôi về, cánh đồng mênh mông nhà anh đã trở thành vườn cây ăn trái. Những cây chôm chôm theo thời gian mỗi ngày mỗi lớn, rã tàn rợp bóng. Mùa cây thay lá, ra vườn đã nghe xào xạc bước chân. Nhiều năm sau, cứ vào độ đất trời chuyển mình như thế này, buổi sớm mai bị cái lạnh buốt lưng đánh thức, tôi thường ra sân quét lá gom lại đốt để sưởi ấm. Lá qua đêm còn đẫm sương, trầy trật bắt lửa làm thành một đống un mờ mịt khói.

Khói “xà quần” kín một góc sân, khói theo gió xoắn xuýt quanh ngọn cây. Trời còn chưa tỏ, ngoài sông thả vào mấy ngọn chướng nôn nao, ngồi nhìn đám khói theo gió uốn lượn vòng vèo, nghe tiếng gà gáy muộn, tôi thường hít hà mùi khói un mà cõi lòng nặng trĩu, “nhớ ông bà ông vải” gì đâu.

Khói lá un không thoang thoảng ngan ngát mùi rơm rạ như khói đốt đồng. Nó ngai ngái, nồng nàn, khắc khoải… nhưng rất lành, không hề làm cay sống mũi.

Nói đến khói làm “tuôn nước mắt nước mũi” tôi đâm nhớ hồi mới về làm dâu. Nấu nồi cơm gần 4 lít gạo, đốt nắm lá dừa đút vào cái cà ràng đã bị tôi “ngu ngốc” nhét đầy nhóc củi. Lòng bếp chật quá, củi không bắt được lửa, lá dừa un khói mịt mù gian bếp, tôi khum đầu, chu mỏ thổi, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Chừng cơm chín rồi, đưa tay áo lên quẹt ngang nước mắt, mỉm cười, mới biết, hình như không chỉ có khói bếp làm tôi tuôn khóc mà có cả những giọt tủi thân, hờn trách.

Tôi lại nhớ đến cái miệng hầm ở ngoài góc vườn với những vệt khói len qua khe hở vươn ra đầy sự “cố gắng, quyết tâm và kiêu hãnh”. Cái hầm bên dưới chất đầy miễng gáo dừa hầm than dành cho ngày tôi “nằm ổ”. Những mẻ than sưởi ấm hai mẹ con trong những ngày cuối năm lạnh lẽo, thơm thảo tấm lòng người đàn ông vụng về, chân chất.

Nghe tôi than thở “nhớ quá”, chị bạn dưới quê nhắn lên đầy tâm trạng: “Mùi khói un độc đáo chỉ có những người từng lớn lên, từng gắn bó với vùng quê mới cảm nhận được hết cái yên bình, cái hạnh phúc. Chỉ có “người trong cuộc” mới thấu hết chứ không thể diễn tả bằng lời. Nói nghe thương quá! Dân Sài Gòn chánh tông mà nỗi nhớ giản dị, mộc mạc, đơn sơ y như là được má sinh ra từ miệt ruộng vườn vậy”.

Chị nói vậy vì chị đâu có biết, mùi khói đốt đồng đã từng là cả một khoảng trời thơ ấu của tôi. Quê ngoại tôi cũng là một dãy cù lao nằm mấp mé nước sông Tiền - cù lao Ngũ Hiệp. 50 năm trước, Ngũ Hiệp không phải là vùng đất của tỷ phú sầu riêng như bây giờ. Đất cù lao ăn theo con nước ròng, nước lớn, chỉ trồng được lúa một vụ. Mãi sau mới xen thêm được vụ lúa ba trăng là tròn năm. Cứ tới nghỉ hè và tết là chị em tôi được má cho về ngoại. Sau mùa gặt, ông ngoại tôi  thường đốt đồng để “phơi đất”, diệt trừ sâu bệnh, côn trùng, cho đất “ăn tro” lấy lại sức chờ làm mùa tới. Cả một cánh đồng được nhóm lên không biết bao nhiêu là “bếp lửa”. Khói theo gió len lỏi vào tận trong xóm, chui vô liếp tre, đậu trên ngạch cửa… Cả một vùng quê thơm ngát mùi của khói. Cho nên, tôi đã biết mùi khói un từ hồi nhỏ. Khói đốt đồng mang mùi rơm rạ thơm ngọt, dịu dàng và thanh sạch.

Cho đến khi các công trình nghiên cứu khoa học hiện đại chỉ ra rằng khói mang nhiều độc tố, tôi vẫn hằng tin rằng khói “thanh sạch”, tôi nhất quyết như thế, tôi tin khói ở một nơi không gian thiên nhiên chiếm ngự, đất trời mênh mông thoáng đãng, ở một nơi lòng người tràn ngập yêu thương, đơn sơ giản dị, chân chất, thật thà… thì khói hoàn toàn “thanh sạch”. Hình như tới đoạn này thì tôi “tư duy” hơi bị phản khoa học, bị tào lao xí đế. Nhưng thiệt tình tôi vẫn hằng tin như thế. Cũng như giờ đây, tôi đang… nhớ khói (hay nhớ “ông bà ông vải” gì đằng sau cái mùi khói un ấy mà tôi không tiện nói ra. Tôi cũng không biết nữa).

Cát Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI