Gần cuối tháng Chạp, ngồi ở cơ quan mà lòng thì rạo rực không khí đón xuân. Đồng nghiệp hỏi nhau tết năm nay ăn món gì? Đến độ tuổi nào đó, việc ăn uống không còn quá cầu kỳ. Ăn sao cho đơn giản, nhẹ nhàng sẽ tốt cho hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe. Nhưng ngày tết thì khác, vẫn phải thật đủ đầy. Người ta nói “ăn tết” đấy thôi!
Đến bây giờ, tôi vẫn không lý giải được vì sao thuở ấu thơ có những món ăn nhớ đến tận giờ. Vì khi ấy thực phẩm trong mỗi gia đình còn nghèo nàn, chủ yếu ăn cho no nên bất cứ món gì có chút lạ miệng là thấy ngon, in sâu vào tiềm thức; hay vì thực phẩm khi ấy ngon thật, mọi thứ nguyên liệu đều lành mạnh, thơm ngon. Tôi còn nhớ từng thớ thịt heo mẹ làm chà bông mỗi khi nhà có chị gái sinh.
|
Chà bông mẹ làm sợi nhỏ, tơi bông rất ngon |
Ở trong gian bếp, mẹ kho nồi thịt heo trên chảo gang. Thịt mẹ cắt khúc vuông, thớ dài để khi làm chà bông sợi không bị nát. Ở khâu sơ chế khi làm món chà bông, mẹ không ướp gia vị để khi thành phẩm sẽ dậy vị ngọt từ thịt. Mẹ chỉ rưới vào chút nước mắm loại nhà làm, thơm ngon. Mẹ để lửa nhỏ liu riu cho thấm ngược hết nước vào thịt, ngả màu vàng cánh gián là bắt xuống.
Khi ấy, tôi đang chơi ngoài sân, chờ đúng mùi thịt dậy vị thơm nức mũi là chạy vào. Mẹ thấy tôi với ánh mắt háo hức thể nào cũng chọn cho tôi một cục thịt nho nhỏ vừa ăn, thổi nguội rồi cho vào miệng tôi. Tôi để miếng thịt trong miệng, chầm chậm cảm nhận vị thơm, vị ngọt nơi đầu lưỡi.
Tôi nhớ mỗi lần trong nhà có chị gái hay chị dâu sinh, mẹ đều làm một mẻ chà bông để ăn dần. Mẹ làm rất kỳ công nên mỗi mẻ mất nguyên cả buổi sáng. Sau khi kho thịt cho chín kỹ, mẹ bắt xuống để nguội hẳn, rồi tỉ mẩn xé từng thớ thịt, càng nhỏ càng tốt. Sau đó, mẹ ray trên rổ tre để sợi thịt bông ra. Đợi chảo nóng, mẹ điều chỉnh lượng củi trong bếp sao cho liu riu rồi cho thịt vào đảo đều tay. Mẹ nói công đoạn này là lâu nhất, không vội vàng được. Xao thịt càng kỹ thì chà bông mới tơi, bông lên, khi đó mới ngon mà giữ được lâu.
|
Tuổi thơ tôi chỉ cần chén cơm nóng rắc lên lớp chà bông là được bữa ngon |
Phải mất gần 2 tiếng đảo đều trên bếp, món chà bông mới hoàn thành. Cả chảo chà bông bồng bềnh như lớp mây trên chiếc chảo, nhìn mà nuốt nước miếng ừng ực.
Đợi chà bông nguội hẳn, mẹ bỏ vào chiếc hũ cổ nhỏ như lọ cắm hoa. Chiếc hũ đó trở thành vật dụng quen thuộc xoay quanh từng người chị gái tôi. Mẹ nói để chà bông vào hũ cổ nhỏ như vậy mới giữ mùi thơm lâu, và cả mỗi lần lấy ra không bị lỡ tay lấy quá nhiều. Thời đó còn khó khăn, ăn uống cũng phải nhín nhín để được lâu.
Phần của tôi bao giờ cũng là một hũ nhỏ từ mảnh vụn nơi đáy chảo. Thớ thịt có hơi bị nát nhưng ăn thì thơm ngon phải biết.
Những bữa cơm sau đó, tôi chẳng quan tâm mẹ nấu cho gia đình món gì, vì chỉ muốn ăn cơm với chà bông mẹ để dành cho. Chén cơm còn nóng, rắc lên lớp chà bông ngả vàng, cho vào miệng là ngon quên đời! Tôi ăn vài bữa là hết hũ. Lại háo hức chờ ngày các chị sinh con.
Mãi sau này, khi đã có gia đình riêng, tôi vẫn tự làm chà bông cho gia đình nhỏ của mình. Mỗi lần kho thịt, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh tuổi thơ của mình khi được mẹ gắp cho ăn trong gian bếp. Tôi cũng tự dành cho mình miếng thịt vàng đều thơm ngon, nhưng vẫn không cảm nhận được hương vị trọn vẹn như miếng thịt từ bàn tay ân cần của mẹ đút cho. Có những niềm riêng chẳng bao giờ trở lại, mà sẽ sống mãi trong ngăn ký ức một thời.
Ngày tết, tôi vẫn làm chà bông như một thói quen. Chà bông nếu xao kỹ trên lửa nhỏ có thể để được lâu, hợp ăn kèm với nhiều loại. Ngày tết, chẳng cần loay hoay bếp núc nhiều, nấu nồi xôi đậu cho cả nhà ăn sáng, ăn kèm với chà bông vừa ngon miệng, vừa lành mạnh!
Ăn chà bông dịp tết còn là cách để tôi “sống” lại tuổi thơ êm đềm trong gian bếp ấm áp có mẹ!
An Na