“Nhờ Hội nay tôi làm bánh nhanh hơn, đỡ tốn sức, lại có lời hơn”

21/06/2024 - 06:16

PNO - Niềm vui bất ngờ đã đến khi chị Phượng nhận được hỗ trợ 5,5 triệu đồng từ dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TPHCM” để phát triển nghề làm bánh, nâng cao thu nhập.

5g sáng, chị Bùi Thị Kim Phượng (phường 11, quận 8) đã có mặt ở chợ để giao bánh cho các mối hàng. Một vòng từ chợ Xóm Củi, sang chợ Thiếc, rồi qua chợ Bình Tây, những hộp bánh vơi đi cũng là lúc nắng lên, chị quày quả về nhà, cất chiếc xe máy rồi đẩy chiếc xe ba gác qua nơi ở trọ của mẹ và dì để đón họ về nhà mình lo cơm nước.

Cuối ngày, khi mẹ và dì đã ăn xong bữa tối, chị lại đẩy ba gác đưa họ về nhà trọ rồi trở về làm bánh để kịp giao vào 5g sáng hôm sau. 1 ngày của chị dường như không có lúc nào ngơi tay.

Chị Bùi Thị Kim Phượng (giữa) giới thiệu bánh với chị em hội viên phụ nữ phường
Chị Bùi Thị Kim Phượng (giữa) giới thiệu bánh với chị em hội viên phụ nữ phường

Nằm sâu trong hẻm nhỏ trên đường Tùng Thiện Vương, phường 11, quận 8 là ngôi nhà nhỏ bé của gia đình chị Bùi Thị Kim Phượng. Ngôi nhà hiện đã xuống cấp trầm trọng, mái tôn rỉ sét, mối mọt đục khoét khắp nơi. Chị Phượng cho biết, những ngày mưa vừa rồi mới thực sự thấm thía. Nước mưa chảy từ mái tôn xuống ướt hết đồ đạc, nước bên ngoài tràn vào nhà khiến cuộc sống của 9 người trong gia đình càng thêm khổ sở.

Nói về chị Phượng, chị Phạm Như Nguyện - Chủ tịch Hội LHPN phường 11 - cho biết: “Chị Phượng vất vả, làm luôn tay vì cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn. Mới 40 tuổi mà tóc đã nhuốm bạc. Vậy mà chưa khi nào tôi thấy chị than thở, lúc nào cũng hướng về phía trước”.

Chỉ trong một thời gian ngắn, biến cố liên tiếp ập đến với gia đình chị Phượng. Người chị chồng đơn thân sống cùng nhà bị tai biến mạch máu não khiến đôi mắt không còn nhìn thấy. Nhưng đau đớn nhất là cách đây 3 năm, đứa con đầu lòng của chị cũng không còn nhìn thấy ánh sáng sau cuộc phẫu thuật rung giật nhãn cầu.

Đồng lương phụ bếp của chồng chẳng đủ nên chị phải cùng gánh vác. Vừa lo kinh tế gia đình, vừa chăm sóc 2 người mù, chị Phượng còn phải chạy tới chạy lui để lo cơm nước cho mẹ và người dì bị liệt.

Mỗi ngày, chị Phượng làm hàng trăm cái bánh đủ loại, từ bánh đậu xanh, bánh tổ, bánh bao, bánh lá liễu, bánh bò, ca dé… và cả tàu hũ Singapore. Ngoài các mối hàng lớn thường xuyên ở 3 chợ nói trên, thỉnh thoảng, chị cũng có các đơn hàng để chuẩn bị cho hội nghị hoặc cưới xin, cúng giỗ. Bận rộn như vậy, chị còn nhận may sửa quần áo cũ để kiếm thêm thu nhập.

Tháng trước, niềm vui bất ngờ đã đến khi chị Phượng nhận được hỗ trợ 5,5 triệu đồng từ dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TPHCM” để phát triển nghề làm bánh, nâng cao thu nhập. Chị cho biết, nhờ có số tiền đó mà chị mua được nhiều dụng cụ phục vụ công việc.

Trước nay, nhà chỉ có 1 xửng hấp bánh nên chị phải hấp từng đợt. Còn nay có 3 xửng hấp cùng lúc, lại có thêm khuôn, nên tiết kiệm được nhiều thời gian.

Ngoài ra, vì không có nhiều vốn nên các loại đường, bột, nguyên liệu làm bánh, hộp đựng bánh, lâu nay chị chỉ mua cầm chừng. Bây giờ có tiền thì mua nguyên cây, nguyên lố, giá cả cũng được ưu đãi, vì thế mà lợi nhuận cũng khá hơn. Đó là chưa kể, “việc làm bánh nhanh hơn, đỡ tốn sức hơn, nên chị có thêm thời gian để hỗ trợ con gái và lo cho bao nhiêu người bệnh” - chị Phượng phấn khởi.

Phương Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI