Nhớ hoài cơm cháy bếp tro

22/11/2024 - 20:00

PNO - Những hạt cơm đáy nồi cháy non hoặc có lúc đượm vàng. Miếng cơm ấy giòn rụm, thơm lạ, mà hạt cơm bùi bùi, cái dư vị ngòn ngọt khiến người ta không thôi vương vấn.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vào đông, trời gieo những giọt mưa buồn hắt hiu vào lòng, cho nỗi hoài hương càng thêm da diết. Chà xát 2 bàn tay lạnh ngắt, tôi chợt nhớ về hơi ấm bếp lửa những ngày trời đông. Mà, nhớ đến căn bếp là nhớ đến những món ăn dân dã ở miền quê nghèo. Căn bếp ấy chở biết bao hương vị quê nhà, đặc biệt là hương vị những miếng cơm dưới đáy nồi “thơm mùi khét”.

Cơm cháy chỉ là những hạt cơm sôi quá lửa, khi những đứa trẻ nhà quê được giao nhiệm vụ nấu cơm rồi lơ đễnh hay khi những bà mẹ loay hoay vừa nấu cơm, vừa làm chuyện kia chuyện nọ. Đơn giản thế, đó là cơm cháy đúng nghĩa. Ấy vậy mà sao cái mùi cơm cháy cứ ám ảnh trong ký ức, khiến người ta không thể nào quên.

Tôi nhớ ngày xưa, mỗi lần bưng chiếc nồi cháy đen kịt lọ nghẹ đặt lên cái rế, bà bắt đầu xới cơm rồi cạy phần cơm cháy lên. Mỗi lần cơm được xới lên là làn khói mỏng sẽ mang theo mùi thơm thoang thoảng. Đó là cái mùi thơm mà lửa bếp đã nung lớp cơm dưới đáy nồi. Ai nhận được miếng cơm cháy là trong lòng sung sướng, đôi mắt ngời sáng.

Cơm cháy để lâu sẽ cứng, nên ăn ngay trong bữa cơm, khi hơi nóng còn quấn lấy những hạt gạo thơm lừng thì miếng cơm cháy mới giá trị. Những hạt cơm đáy nồi cháy non hoặc có lúc đượm vàng. Miếng cơm ấy giòn rụm, thơm lạ, mà hạt cơm bùi bùi, cái dư vị ngòn ngọt khiến người ta không thôi vương vấn.

Về sau, nồi cơm điện đã đẩy nồi cơm nấu củi vào dĩ vãng. Chẳng mấy khi được thấy miếng cơm cháy đáy nồi. Những dịp hiếm hoi còn nghe được chút hương vị thân thương của cơm cháy bếp tro là những ngày cúp điện. Cơm nấu bằng bếp gas, cũng là họ hàng với cơm nấu bằng bếp củi, có điều dễ canh hơn. Nhưng khi nấu cơm bằng bếp gas, người ta không còn trông chừng để “cơm sôi bớt lửa”, mà cứ để lửa cháy tự do và chờ cơm cháy phát tín hiệu. Bấy giờ, cơm cháy không xuất hiện một cách vô tình, mà người nấu hữu ý để tìm được chút dư hương của những ngày xưa cũ.

Hiển nhiên thôi, đến thời điểm ấy thì cái đói không còn ủ quanh bờ tre, gốc rạ nữa. Nhưng cơm cháy vẫn là cái gì đó mà những người hoài cổ ai nghe cũng thòm thèm và dĩ nhiên, khi biết trong bữa ăn của ngày cúp điện có cơm cháy thì mọi người đều tranh nhau, dù đó chỉ là một miếng nhỏ. Miếng cơm cháy ấy tuy không nồng đượm mùi củi lửa, nhưng cũng đủ sức níu thời gian từ xa xôi về lại, để nhớ thương cái vị mặn mòi của nồi kho quẹt, hay chút hương vị đậm đà của nước mắm nhỉ dầm trái ớt cay sè…

Ôi biết bao nhiêu là ký ức đẹp đẽ gắn liền với miếng cơm cháy lại ùa về khi ta nhớ lại. Chợt đâu đây như có khói bếp xông lên thơm nồng mùi củi bổi và đôi mắt nào nhòe đi như ngày xưa ngồi bên bếp lửa hồng.

Miếng cơm cháy đáy nồi ngày xưa cũng nằm im lìm dưới đáy ký ức, tựa như cái cách nó nằm dưới đáy nồi. Nhưng khi cạy nó lên thì ai cũng phải xuýt xoa, ai cũng phải nhung nhớ. Món ăn dân dã ấy đã ghim sâu vào tâm thức của những con người từng một thời cơ cực.

Và có lẽ bây giờ, đối với họ và kể cả tôi nữa, cơm cháy không còn là một món ăn đơn thuần mà đó là chất xúc tác của tâm hồn, để ta thêm yêu những điều bình dị.

Nguyễn Nhật Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI