Trong một nhóm kín mạng xã hội về gia đình, N.C. viết: “Tôi muốn xỉu khi nhận thư của ông chồng bên cạnh. Bức thư vỏn vẹn hai dòng, được viết nắn nót như học sinh tiểu học: Muốn diệt corona phải cần sát khuẩn/Muốn lấy vợ chuẩn thì phải lấy em”.
Dịch bệnh đang cao điểm. Nhiều cặp vợ chồng phải xa nhau, người bị cách ly, người dẫn con về quê trốn dịch. Cũng có trường hợp, vợ chồng khắc khẩu, nhìn mặt, nói dăm ba câu đã có chuyện, giờ phải 24/24 bên nhau. Có phải tất cả sự xáo trộn từ dịch bệnh đều tiêu cực?
Nhắn tin như lúc mới hẹn hò
Sau khi con kết thúc năm học từ ngày 8/5, chị Lê Thúy P. (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đưa con về ngoại ở Đồng Tháp chơi. Chị dự tính đi một tuần rồi về, nhưng sẵn đang giận chồng nên chị ở thêm 10 ngày.
Sắp tới ngày về, dịch bệnh ập đến, Gò Vấp thành ổ dịch nên anh M. - chồng chị - nói hai mẹ con ở quê, chờ tình hình êm hãy lên. Nhưng dịch ngày càng phức tạp, đường về của chị xa tít tắp.
|
Bức thư viết tay hai câu của ông chồng gửi cho vợ |
Trước đây, cả chị và chồng từng mong muốn thầm kín “không gặp nhau một thời gian cho khỏe”, vì hai người mâu thuẫn 1.001 chuyện. Mỗi ngày vợ chồng chị trao đổi chưa được 10 câu “thiết yếu”, bởi hở một chút là cãi cọ.
Bạn bè suốt ngày nghe chị “bán than”: “Chồng gì vô tâm, ăn nhậu suốt ngày, chồng người ta mắc ham, chồng mình muốn kêu công an bắt”. Và chị luôn chốt bằng câu: “Không tội bé Ly là tôi ly hôn rồi”.
Mấy năm qua, vợ chồng chị sống như ly thân: tuy vẫn cùng nhà, nhưng hai người ít nói chuyện, tiền ai nấy xài, thân ai nấy lo. Lần này, dịch bệnh bủa vây. Anh làm việc tại nhà.
Ngày nào anh cũng gọi điện thoại nói chuyện với con và phải qua “trung gian” vợ, nên trước khi chuyển máy cho con, vợ chồng chị cũng xã giao vài câu: nhớ cẩn thận nghen, đi ra ngoài nhớ mang khẩu trang, nhớ đừng bỏ bữa…
Từ xã giao, vậy mà trở thành nỗi lo thật. Bởi nhà chị P. bị phong tỏa, nhìn cảnh chồng nằm chèo queo trong căn nhà thênh thang, ngày nào chị cũng nhắn tin hỏi thăm: sắp dỡ phong tỏa chưa, nay có ai phát rau củ gì không, có bị thiếu thức ăn không? Và chị hướng dẫn: tôm khô trong cánh cửa tủ lạnh, khô trên ngăn đá… anh lấy ra nấu mà ăn.
Anh M. báo cáo tình hình dịch bệnh xung quanh. Rồi nghe hàng xóm người quen thành F0, trong nỗi lo lắng anh nhắn tin kể với vợ. Chị P. nhắn lại “nhớ súc họng nước muối nghen, nhớ ăn trái cây nghen”…
Cả chục cái “nhớ” mỗi ngày của vợ làm anh M. thấy ấm áp, và bỗng dưng quên hình ảnh người vợ tay chống nạnh, trợn mắt và xổ một tràng mỗi khi anh về đến nhà “chồng gì vô tâm vô lo, chồng gì ăn nhậu suốt ngày, chừng nào bệnh thì kêu mấy thằng bạn nhậu đến lo”. Bên ngoài dịch bệnh bủa vây, trong nhà trống trải, đơn độc, tự dưng anh nhớ vợ con da diết.
Khi dịch bệnh ở Đồng Tháp bùng phát, đến lượt anh M. mỗi ngày dặn vợ con cẩn thận, ăn uống tăng cường vitamin C, không nên ra đường…
Khi TPHCM vào ngày thứ hai áp dụng Chỉ thị 16, anh M. vừa đến cơ quan đã nhắn cho chị “giờ Grab mua đứt đường Sài Gòn rồi”, câu nói tếu táo của anh kèm theo bức hình đường phố vắng tanh, chỉ có hai người mặc đồng phục của Grab. Những giao tiếp này dần xóa đi hình ảnh người chồng vô tâm trong mắt chị. Thay vào đó là nỗi lo.
Tới nay, hơn hai tháng vợ chồng ở xa nhau, nhưng theo chị P., tình cảm được xích lại gần hơn, ông chồng vô tâm ngày nào giờ chị thấy “chịu khó nhìn thì… coi cũng được”.
Mỗi ngày, vợ chồng đều nhắn tin cho nhau và “giờ đọc tin nhắn, mình có cảm giác như hai đứa mới hò hẹn, có cả cảm giác ngại ngùng nhắn tin của 10 năm trước” - chị P. chia sẻ.
Thèm nghe vợ... càm ràm
Còn chị Võ Mỹ H., ở Q.Tân Phú, TP.HCM, than “chồng có 100 cái mụt ruồi ở chân, nên đi như ngựa, dịch bệnh tùm lum mà ông cứ đi hoài”. Giữa tháng 6/2021, anh Nguyễn Hữu T. - chồng chị H. - trở thành F1 và được đưa đi cách ly tập trung.
Trong khoảnh khắc đó, anh T. vừa lo lắng, vừa thoáng chút tức giận, chạnh lòng “chắc là vợ hả hê lắm”. Nhưng suy nghĩ này chưa dứt thì điện thoại anh báo tin nhắn của vợ: “Anh tới chỗ chưa? Khu cách ly sạch sẽ không? Có sẵn mùng mền không? Ở chung mấy người? Anh nhớ cẩn thận, cố gắng đừng tiếp xúc với người lạ nghen!”. Anh T. xúc động khi thấy dòng dặn dò của vợ: “Có thiếu gì, cần gì nhắn em nghen”.
Anh nhắn tin trả lời: “Anh biết rồi, em đừng lo”. Ít ai biết được những dòng tin nhắn này đến từ một cặp vợ chồng gây gổ như cơm bữa. Vợ ghét cay ghét đắng tật “tứ đổ tường” của chồng. Còn chồng cũng hậm hực vợ vì cứ gặp chồng là bật chế độ “chửi sa sả”.
Anh T. vốn là cậu ấm, được cha mẹ cưng chiều từ bé, nên lấy vợ, sinh con vẫn ham vui, ham chơi và không thích nghe ai càm ràm. Có những lúc cãi nhau căng quá, hai người đều buông lời mong người kia biến mất khỏi cuộc đời mình.
Lần này ít nhất là “biến mất” 21 ngày, nhưng chị H. mất ăn, mất ngủ vì phập phồng nguy cơ chồng bị lây nhiễm bệnh. Anh T. cũng hoang mang trong cảm giác tù túng, cuồng chân. Vì vậy, ngày nào vợ chồng cũng nhắn tin, gọi video call với những lời thăm hỏi, chia sẻ, động viên.
Đến ngày thứ năm, anh T. nhắn tin cho vợ: “Giờ ước gì được nằm trên giường của mình. Sao những điều bình thường vậy mà giờ xa xỉ quá”. Chị H. trêu “không ngán vợ càm ràm hả?”. Anh ghẹo lại: “Chấp luôn, giờ thèm nghe mà không có nè”.
Rồi hai người thả icon cười haha. Đây là những điều chưa từng có trong đối thoại, giao tiếp giữa vợ chồng suốt hai năm qua.
Ngần ấy năm, cuộc gọi, tin nhắn giữa hai người hầu như chỉ là: “Giờ này mấy giờ rồi? Có về không nói một tiếng để đóng cửa?”, “Đi luôn đi, đừng vác mặt về nữa”… Những lúc đó, anh T. chọn sự im lặng, tắt điện thoại ngang để đáp trả.
Vậy mà giờ đây chị H. chia sẻ: “Không ngờ khi dịch giã ập đến, hai đứa xa nhau thì lại có thể nói chuyện được”. Chỉ ba chữ “nói chuyện được” của chị H. là niềm vui, tín hiệu cực sáng về mối quan hệ giữa vợ chồng - điều đã mất trong suốt hai năm qua.
|
Ảnh minh họa |
“Hến” đã mở miệng
Có nhiều cặp vợ chồng vẫn gặp nhau hằng ngày, vẫn ăn chung, đi chung, nhưng hai người là hai thế giới. Ai cũng có quá nhiều chuyện riêng để lo nghĩ, rồi giận dỗi cũng không có thời gian giải quyết. Thế nhưng, việc giãn cách xã hội đã khiến cho không ít đôi vợ chồng có những ngày gần nhau thật khác trước đây.
Với chị Đặng Hoàng M., ở P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM, thì thời gian giãn cách đã vô tình giúp chị “bắt hến mở miệng” thành công. Chung cư Ehome nhà chị bị phong tỏa cả tháng, ai cũng ủ rũ, lo lắng. Trước đây, vợ chồng chị mỗi ngày nói vài câu, vì chồng ít nói, tính lại lạnh và cộc, nên chị “im cho lành”.
Nhưng từ hôm chung cư phong tỏa, chính anh là người chủ động “tám”: “Hình như lầu 2 có ca dương. Không biết chừng nào mới dỡ phong tỏa đây?”. Hai người nói chuyện về COVID-19, về cách chống dịch của thành phố, về nỗi vất vả, hiểm nguy của nhân viên y tế, ảnh hưởng kinh tế…
Rồi vợ chồng cùng “luyện phim” trên Netflix, dù không bàn luận sôi nổi, nhưng chị M. cảm nhận rất gần nhau. Vậy đó, bỗng dưng vợ chồng nhìn nhau nhiều hơn, nói chuyện nhiều với nhau. Rồi, một cách vô tình cả hai an ủi nhau:
“Kệ đi, ráng đi, mình khỏe mạnh, có cơm ngày ba bữa là may rồi!”. Chị M. không ngờ những câu nói ấm áp này xuất phát từ người chồng lạnh lùng, ít nói và khô như ngói.
Nghẽn mạch trong giao tiếp giữa vợ chồng, các thành viên trong gia đình là câu chuyện rất thật và rất dài. Mùa dịch bệnh, bên cạnh nỗi hoang mang, lo lắng, nếu nhìn COVID-19 ở góc độ tích cực, hẳn cũng có giá trị của nó.
Giãn cách, cách ly, vợ chồng có “combo” trọn gói bên nhau. Ăn uống, ngủ nghỉ… cái gì cũng chung, lại có một nỗi lo lắng chung nên một cách tình cờ đôi bên nói chuyện với nhau về mặt cảm xúc.
Trong khi, trước đây, nhiều đôi chỉ nói theo sự kiện: mấy giờ, ăn gì, ở đâu… Mà một khi đã nói được với nhau về nỗi lo, nỗi sợ, là gần, là thân, là quý nhau rồi. Nên dịch bệnh lo vẫn cứ lo, nhưng chúng ta cũng tận dụng khoảng thời gian lịch sử này để cải thiện, thăng hoa tình vợ chồng.
Thùy Dương