Nhờ dịch, các ông chồng đã biết nấu ăn

07/09/2021 - 18:40

PNO - Sau cơn dịch, hẳn ai cũng nhận ra ý nghĩa của việc tự thân vận động khi cuộc sống không ngừng thử thách con người bằng cách đặt ra những giới hạn.

Không ít các ông, các anh vốn trước kia chưa từng động đến chuyện bếp núc đã lên tay thấy rõ sau mấy tuần ở nhà chống dịch. Bí quyết không nằm ngoài "chân lý" khá đơn giản: muốn ăn thì lăn vào bếp. 

Khang, cậu em họ tôi từng quan niệm bếp núc là việc của đàn bà. Dù đã được góp ý vài lần cả nghiêm túc lẫn nửa thật nửa đùa về cách suy nghĩ ấy nhưng Khang vẫn bảo lưu quan điểm: đàn ông thì không vào bếp, nếu vợ mệt hay bận thì đi ăn ngoài hoặc gọi dịch vụ đem đến, cần nữa thì thuê người giúp việc. Bởi Khang quan niệm kiếm tiền mới khó chứ kiếm cái để ăn không khó.

Ngay từ đầu mùa dịch, vợ Khang được yêu cầu ở lại công ty sản xuất theo phương án "3 tại chỗ". Hai đứa con được gửi về quê ngoại từ đầu hè nay ở đâu vẫn ở nguyên đó, mình Khang ở nhà vì công ty tạm ngưng sản xuất do dịch.

Sau khi hết sạch nồi thịt kho trứng, nồi canh khổ qua dồn thịt và mấy cây chả lụa mà vợ đã chuẩn bị sẵn trước khi đi, Khang chuyển qua ăn mì gói, phở ăn liền. Thế nhưng, chỉ vài ngày, các món này làm Khang ngán tới cổ, nên phải tự xoay xở chuyện ăn uống khi lệnh giãn cách cứ kéo dài khiến các dịch vụ bán thức ăn đều đóng cửa. Qua điện thoại, Khang được vợ hướng dẫn rã đông thực phẩm, cách nấu những món đơn giản nhất như trứng chiên, rau xào.

Gia đình cô bạn tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Là nhân viên y tế, từ những ngày đầu của đợt dịch thứ tư, bạn bận sấp mặt với những chuyến công tác. Khi thì đi lấy mẫu xét nghiệm ở các khu dân cư, lúc đi tiêm vắc xin cho người dân ở các trung tâm y tế, lúc lại đi phục vụ luân phiên cho bệnh viện dã chiến.

Bạn luôn về đến nhà trong trạng thái mệt lử, chưa kể phải cách ly mất vài tuần nên thời gian đâu nữa mà lo cơm nước. Biết thế nên từ đầu mùa dịch, bạn đã gửi bọn trẻ về nội và huấn luyện ông chồng vốn không hề mó tay vào việc bếp núc khi vợ còn ở nhà từ luộc rau, chiên cá, kho thịt. Dù chồng bạn chưa dám tự tin vào tay nghề bếp núc của mình cũng như các thành phẩm của anh ấy chỉ mới đạt "le-vồ" tự nấu tự ăn, nhưng bạn đã có thể an tâm khi "chiến đấu" xa nhà.

Đàn ông không biết nấu ăn không có nghĩa là họ không làm được, chỉ là họ có muốn làm hay không (ảnh minh hoạ)
Đàn ông không biết nấu ăn không có nghĩa là họ không làm được, chỉ là họ có muốn làm hay không (Ảnh minh hoạ)

Nếu anh là đàn ông và không biết (hay không muốn) nấu ăn, hẳn là anh chưa biết câu "đàn ông trông hấp dẫn hơn khi vào bếp".

Tôi không biết có bao nhiêu đàn ông mặc định "bếp núc là việc của phụ nữ" như cậu em tôi, nhưng rõ ràng việc trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để sinh tồn không bao giờ là thừa, kể cả chuyện bếp núc, không phân biệt phụ nữ hay đàn ông.

Chẳng ai biết trước ngày mai ra sao. Đứng trước hiểm họa khôn lường như cơn dịch vừa qua, hẳn ai cũng nhận ra việc tự thân vận động có ý nghĩa đến thế nào khi cuộc sống luôn không ngừng thử thách con người bằng cách đặt ra những giới hạn.

Không mong sẽ có lúc hữu dụng như những lúc dịch giã thế này nhưng đàn ông đôi khi cũng nên biết làm những việc bếp núc cơ bản. Đó không phải là sự hạ mình, khiến họ trở nên kém nam tính hơn mà chỉ là sẻ chia việc nhà với người phụ nữ của mình. Và cũng nhờ vậy, họ mới có thể tự lo cho mình khi xung quanh không còn sự hỗ trợ hay mất đi điểm tựa (theo nghĩa đen).

Vi Lê

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI