|
Chùa Cầu Hội An - Ảnh: Internet |
Không biết tự bao giờ - có lẽ là ngay từ những ngày thơ ấu - tôi vẫn nghĩ rằng, Hội An sẽ mãi mãi đứng lại giữa dòng trôi chảy bất tận của thời gian. Những đời người có thể tàn lụi, nhưng lớp con rồi lớp cháu lại sẽ tiếp tục sống cuộc đời lặng lẽ đậm màu sắc văn hóa của cha ông. Ngay trong những món ăn, Hội An cũng như muốn nhắc nhở người du khách xa lạ rằng, nơi đây, đời sống tinh thần thấm đượm trong từng tế bào vật chất. Rau sống Phố là một điển hình. Không có bất cứ nơi đâu mà món rau sống bình thường, mộc mạc, vốn là món ăn của những con người quen sống đời nghèo thanh đạm, lại được tô điểm và hình thành với nhiều loại rau mùi đến như vậy. Đó là một hỗn hợp rau tươi đủ loại, vừa thơm ngon vừa đậm đà nét đẹp của nghệ thuật pha trộn thảo mộc hài hòa đến mức tuyệt hảo không ngờ. Hay như cao lầu Hội An, một món ăn tuy có tên gọi quen thuộc, nhưng lại không giống với cao lầu ở bất kỳ nơi nào khác trên đất nước này.
Tôi nhớ những đêm ba mươi tết nghi ngút khói hương và sực nức mùi trầm của Hội An, khi các cụ già áo the thâm, khăn đóng, ra phố vào giờ giao thừa, cung kính thắp hương ở các ngã tư đường, còn các cụ bà cũng áo xống chỉnh tề, sau những tràng pháo đón năm mới, đã kéo nhau đến chùa hái lộc, xin xăm.
Đêm giao thừa ở phố cổ Hội An, trong ký ức nồng nàn hương hoa thời thơ trẻ của tôi, còn sống động bội phần với hình ảnh của một quán cà phê nhỏ - cà phê Đạo - mà người chủ hiếu khách vẫn có lệ mở cửa khai trương, đón mừng năm mới, vào lúc 2g sáng ngày mồng Một tết. Khách vào quán, ngoài việc được tiếp đãi thân tình, còn nhận được một tấm thiệp “Chúc mừng năm mới”. Cho đến bây giờ, đã sống qua hai phần ba cuộc đời, có dịp đi gần như khắp mọi miền đất nước, kể cả ra nước ngoài, tôi vẫn không bao giờ còn gặp được một quán cà phê nào có cách xử thế đẹp như vậy.
Tôi có thói quen lang thang trong những đêm giao thừa trên mọi ngả đường của phố cổ, rồi tạt vào ngồi nghỉ chân ở cái quán nhỏ dễ thương đó - cà phê Đạo. Khách có thể ngồi lại ở cái quán nhỏ ấy cho đến tận sáng mồng Một, khi tiếng pháo và tiếng cười trẻ thơ vang khắp các ngả đường trong thành phố cổ. Đến khi ấy, tạm biệt người chủ quán vui tính sau những lời chúc tết thân tình, tốt đẹp, thấy thật ấm lòng.
Người dân phố Hội, vốn xưa nay vẫn thế, đón xuân không phải với tiền bạc phung phí, khoe khoang, mà bao giờ cũng như lặng lẽ bày tỏ niềm hân hoan, tự hào về sự phong phú của truyền thống văn hóa tốt đẹp. Luôn luôn như có một cái gì đó thật gần gũi, chân tình trong cách thể hiện niềm vui, nỗi buồn của con người Hội An.
Đã đi nhiều nơi, gần như trong suốt cả cuộc đời mình, nhưng chỉ có khi nhớ về Hội An tôi mới thấy được tất cả cái thế giới kỷ niệm trong veo, tâm hồn trong sáng, tựa như mỗi hơi thở, mỗi ý nghĩ, mỗi ký ức, dù là nhỏ nhất, cũng đều làm trái tim tôi rung động bồi hồi. Phải chăng, vì Hội an bao giờ cũng trong lành?
Phải rồi, Hội An trong ký ức tôi luôn có thiên nhiên trong và con người lành!
Vào những năm tuổi thơ, khi tôi còn được sống ở Hội An, thành phố cổ này có một cái lệ, mà ngày nay nhớ lại, tôi thấy thật tuyệt vời, có lẽ không nơi nào có được. Đó là, cứ vào khoảng 21g đêm giao thừa, tất cả mọi gia đình trên hai con đường phố cổ là đường Chùa Cầu và đường Quảng Đông (nay là đường Trần Phú và Nguyễn Thái Học) đều đem chổi, giẻ lau nhà ra quét sạch rồi đổ nước chùi rửa đoạn đường phố ngay phía trước nhà mình. Nhà nào cũng vậy, vừa chùi cọ mặt đường sạch bóng, vừa chuyện trò vui vẻ. Có lẽ cái không gian trong lành, thân ái ấy sẽ còn sống mãi trong trái tim những người sống tại Hội An vào những năm tháng đó. Sau khi làm sạch mặt đường, nhà nào cũng mang những chậu hoa ngày tết ra bày ngay trên hè phố nhà mình.
Qua bao nhiêu năm tháng của cuộc đời lưu lạc, đổi dời, Hội An vẫn để lại trong tâm hồn tôi một mùi hương thoảng nhẹ, mơ hồ mà đằm thắm, quyến rũ không thôi. Trong những đêm thanh vắng, khi thả bộ trên đường Phan Chu Trinh, nhất là đoạn gần nhà thờ Tin Lành, ngang qua cây đa hơn trăm tuổi ở đầu đường, tôi nghe như thoảng trong gió nhẹ có một mùi hương dịu dàng, ngỡ như mùi hương kỳ bí trong những trang sách liêu trai. Dân gian gọi đó là mùi thơm của loài hoa bải hoải. Còn mẹ tôi, một người đàn bà quê ít học, lại dạy tôi rằng đó là hương của hoa vong ưu thảo.
Cái mùi hương nhẹ nhàng, kỳ ảo ấy, cùng với hình ảnh mẹ, có lẽ sẽ còn đi theo tôi trong suốt những tháng năm còn lại của cuộc đời. Và mỗi khi nhớ về Hội An, tôi lại như cảm nhận vẫn còn quanh quất đâu đây mùi hương của loài hoa quên sầu kia. Cũng chính từ hương thơm dịu dàng của loài vong ưu thảo mà tôi nhận được một bài học khác, về cách thế ở đời. Muốn hạnh phúc, ta cần biết quên đi nhiều điều, cần biết tha thứ để lòng trở nên thanh thản.
Hội An đã gọi bằng một tiếng gọi thầm. Đó là một thứ tiếng gọi không có âm thanh. Đó là một thứ tiếng gọi thiêng liêng được kết nối bởi những mối ràng buộc, liên hệ của truyền thống. Hội An đã gọi những người con của mình, và cả những du khách phương xa, bằng chính bầu khí của nó, cái bầu-khí-văn-hóa đặc thù của Hội An.
Chính cái nếp sống và phẩm hạnh của con người Hội An là phần tinh túy nhất của văn hóa Hội An, đã khiến không chỉ những người Hội An đi xa, mà ngay cả những du khách từ bốn phương trời khi đến Hội An, đều có cảm giác như được trở về nhà, trở về với sự bình yên. Mà nghĩ cho cùng, sự thanh-bình-tâm-hồn chẳng phải là cái đích quay về của mọi kiếp nhân sinh trăn trở trong một thế giới luôn biến động, bất toàn đó sao!
|
Tần Hoài Dạ Vũ ở phố cổ Hội An |
Về Hội An hôm nay, nhìn ra phía biển xa xanh biếc, có cảm giác cơn gió mùa xuân đang thổi lại. Cái cảm giác ấy rất thực khi được sống trong lòng Hội An. Hội An có một mùa xuân quá khứ kéo dài, có một mùa xuân của tương lai vừa tới. Hội An đã kéo biển lại với mình, kéo cả thế giới lại gần mình.
Vì thế mà mùa xuân ở Hội An, hương vị ngày Tết Nguyên đán của Hội An ngỡ như cứ dài mãi quanh ta.
Và cả lòng ta nữa, dù lưu lạc ở bất cứ chân trời nào, cũng dài mãi những thương nhớ Hội An, nhất là thương nhớ hương vị Tết cổ truyền...
Tần Hoài Dạ Vũ