"Nhỡ có gì xảy ra còn có vợ có chồng"

12/09/2024 - 14:08

PNO - Hằng ngày, do bệnh tiểu đường mà mẹ tôi ăn uống phải kiêng khem nhiều. Tôi rất lo chẳng may lũ kéo tới gây lụt thì mẹ sẽ ăn uống thế nào.

Bố mẹ tôi ấp ủ mãi, cuối cùng cũng về quê nội ở Phú Thọ, dựng được mái nhà nhỏ, vui thú điền viên tuổi xế chiều. Ban đầu, anh chị em tôi cực lực phản đối vì ông bà lớn tuổi, ở như thế không an toàn. Thế nhưng ông bà muốn có không gian thoải mái của riêng mình, không thích sống chung với con cái.

Vườn sắn của bố mẹ tôi đổ rạp, bật gốc sau cơn bão số 3. Ảnh: Anh Trần.
Vườn sắn của bố mẹ tôi đổ rạp, bật gốc sau cơn bão số 3 (ảnh: Anh Trần)

Về nông thôn thì phải tập cách làm nông dân. Ở tuổi 70, việc trồng trọt, chăn nuôi là cả vấn đề nan giải. Tới thanh niên trai tráng còn chưa chắc đã làm nổi nữa là người đầy rẫy bệnh nền, từ huyết áp, tiểu đường tới tim mạch. Ông bà xót ruột khi chỉ ngồi không nhìn vườn tược cỏ mọc ngập đầu. Vậy là lúc nào khoẻ trong người thì ông tự mang máy ra cắt cỏ, bà dậy từ 5 giờ sáng ra vườn nhổ cỏ.

Hàng xóm đang trồng sắn (khoai mì) để vụ tết bán cho nhà máy vào thu mua, có tiền ăn tết. Bố mẹ tôi thấy vậy cũng bắt chước, thuê người về trồng cả vườn sắn. Bà ngày nào cũng lủi vào vườn nhổ cỏ tới mức bị ong đốt, ông thường xuyên vác rựa đi khắp một vòng quanh vườn để ngắm nghía. Ông hay nhắn tin trong nhóm chat gia đình đầy phấn khởi: "Sắn lên cao quá đầu người rồi, Tết này bố mẹ trừ chi phí chắc cũng thu về mấy chục triệu".

Thế rồi bão số 3 ập tới, ai ở yên đấy, không thể ra đường. Anh chị em tôi lòng nóng như lửa đốt, lo cho ông bà ở quê. Cứ khoảng 1 tiếng tôi lại gọi điện hỏi bố mẹ thế nào rồi, dặn dò ông bà tuyệt đối ở yên trong nhà, đóng cửa nẻo thật kỹ, lấy ván chèn cửa kính, đề phòng kính bể. Trong bụng tôi còn sợ cơn bão sẽ thổi tung mái tôn nhà ông bà. Trống ngực tôi đập thình thịch, suốt đêm tôi đếm từng phút mong bão mau đi qua.

Trời vừa sáng, tôi lập tức gọi hỏi thăm tình hình bố mẹ, mừng khi bố mẹ vẫn an toàn, ngôi nhà tâm huyết của ông bà vừa cất vẫn còn nguyên. Mẹ tôi kể: "Nhà bên cạnh bay mái tôn nhưng mà mình chưa bị. Cả đêm thấy gió lùa cứ như trực chờ giật bung mái nhà lên với những tiếng hú, rít vào mái tôn phần phật. Chắc do nhà mới làm nên vẫn còn cứng cáp, nhà hàng xóm lâu năm rồi, không chịu nổi sức giật của gió bão".

Tôi vừa thở phào nghe tin báo an toàn của bố mẹ thì thấy ông kêu lên qua điện thoại: "Vườn sắn 6.000 mét vuông hỏng cả rồi các con ơi. Mất Tết rồi". Mẹ gửi ảnh một góc vườn sắn đổ rạp, bật gốc bởi trận bão hồi khuya. Tôi chỉ biết động viên: "Không có sắn mình vẫn ăn tết mà bố mẹ. Coi như ông bà trồng cây cho đẹp đất, sạch vườn".

Nói là nói vậy chứ tôi biết bố mẹ buồn lắm, bao công sức, mồ hôi và tâm huyết. Tuy số tiền dự kiến thu từ vườn sắn không nhiều, nhưng đó là cả sự kỳ vọng, niềm hãnh diện của ông bà.

Chuyện đâu chỉ dừng ở đó. Hậu quả khi bão số 3 đi qua mới thực sự kinh hoàng gấp nhiều lần. Liên tiếp là tin xấu báo về từ các tỉnh thành phía bắc, trong đó có địa phương bố mẹ tôi đang sinh sống - Phú Thọ. Vụ sập cầu gây ra bao tang tóc rồi lũ quét làm ngập lụt, tiếng kêu cứu khắp nơi.

Tại Hà Nội, gia đình em gái tôi cũng đang chật vật vì mưa to, nước ngập, tạm thời chẳng thể di chuyển sang nhà nhau được. Hôm trời tạnh, bố định về Hà Nội chơi nhà em tôi thì lại nghe tin sập cầu, khả năng cao đê vỡ nên thôi, ông quyết định ở nhà với bà, vì "nhỡ có gì xảy ra còn có vợ có chồng".

Bố kể gia đình chú út tôi cách nhà ông bà 100m đã sơ tán sang nhà con trai của chú ngoài đường quốc lộ, do nhà chú ở vùng trũng, bị ngập. Tôi liên tục hối thúc ông bà dọn theo chú út mấy hôm, chờ "sóng yên bể lặng hãy về" nhưng ông bà không đồng ý.

Ông bà viện cớ nhà mình ở vùng đất cao khó ngập hơn, rồi nếu có chuyện gì sẽ leo thang lên mái nhà (đoạn đặt chiếc bồn nước là mái bằng) để trú tạm. Xung quanh nhiều họ hàng nên có gì mọi người sẽ ứng cứu ngay...

Tôi thấy bố mẹ quá chủ quan, và có lẽ do ông bà xót căn nhà, xót mảnh vườn tâm huyết nên chưa thấy cấp bách sẽ không dọn đi. Tôi đành dặn dò bà chuẩn bị đồ ăn (đặc biệt là những thứ như sữa, bánh dành cho người tiểu đường, nước đóng chai), thuốc men của ông bà, áo mưa, áo ấm, điện thoại sạc đầy pin. Tất cả bỏ sẵn vào túi nilong, có biến là xách chạy, leo thang lên nóc nhà chờ người cứu. Tôi sợ mẹ không chuẩn bị trước, lúc nước lên mới đi gom đồ thì chạy không kịp.

Căn nhà cấp 4 của bố mẹ tôi trước khi bão số 3 ập tới, đây là tâm huyết cả đời của ông bà, mãi về già mới cất được căn nhà nhỏ để vui thú điền viên. Ảnh: Anh Trần.
Căn nhà cấp 4 của bố mẹ tôi trước khi bão số 3 ập tới, đây là tâm huyết cả đời của ông bà, mãi về già mới cất được căn nhà nhỏ để vui thú điền viên (ảnh: Anh Trần)

Nghe tôi nói, mẹ mới sực tỉnh: "Ừ nhỉ, quên mất đồ ăn cho riêng mẹ, mẹ đâu ăn được như bình thường". Nếu người ta tới cứu trợ mà đưa cho bánh ngọt và mẹ ăn vào thì đường lên, nước mênh mang làm sao có thể đi cấp cứu. Như bố mẹ tôi thiếu ăn 2 ngày không nguy bằng thiếu thuốc trị bệnh.

Tôi cầu mong nước rút, cầu cho mưa ngừng, đê đừng vỡ, cầu chúc cho bố mẹ tôi và người dân miền Bắc đoàn kết, kiên cường vượt qua hậu quả kinh hoàng của cơn bão số 3.

Anh Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI