|
Ảnh minh họa |
Tuần đầu lên phố, tôi đã mất ngủ vì “sốc văn hóa”. Ở quê tôi, sáng dậy, nhà này và nhà kia đã ngồi trước hàng ba “tám”. Nhà có chuyện buồn thì cả xóm xúm lại giúp nhau, có món ngon cũng chia sẻ với nhau. Còn ở chung cư này, hàng xóm luôn đóng cửa im ỉm. 2 con tôi quen ở quê, chạy giỡn ở hành lang chung cư liền bị nhắc “ồn quá, để mọi người nghỉ trưa”.
Tôi buồn, chỉ ước được quay về quê. 3 mẹ con tôi trốn trong vỏ ốc của nhà mình. Thỉnh thoảng, cậu bé Ri - 5 tuổi, nhà hàng xóm - hay dừng lại nhìn vào nhà tôi khi chờ thang máy. Tôi luôn cười với Ri nên cậu bé dần quen và tôi bắt chuyện với thằng bé qua sự kết nối với 2 cô con gái 6 tuổi của mình: “Em Ri xuống đất chơi kìa, 2 chị đi chơi cùng không?”. Các con tôi mắc cỡ lắc đầu, nhưng cũng cười giao lưu với bạn nhỏ hàng xóm.
Những ngày sau, Ri đã mạnh dạn hơn, tiến tới cửa nhà tôi, nhìn vào hỏi: “Cô ơi, 2 chị đâu rồi?”. Tôi gọi 2 con “có bạn tới tìm”. Các con tôi chạy ùa ra, vì “bạn” ở chung cư là điều các con thiếu thốn và chờ đợi nhất. 3 đứa trẻ sau phút làm quen là liến thoắng, kể đủ chuyện “nhà ngoại em ở quê có nuôi con chó xù đẹp lắm”, rồi bàn luận phim hoạt hình một cách say mê. Tiếng cười trẻ con trong veo, hồn nhiên làm tôi lần đầu có cảm giác “ưa” khu chung cư, khu phố này.
Từ hôm đó, tối tối Ri qua nhà tôi chơi hoặc rủ 2 con tôi ra hành lang chung đạp xe, đánh cầu bằng tay (tụi nhỏ sáng chế từ môn đá cầu). 3 đứa trẻ chơi vui, nên cậu bé Huyền - 8 tuổi, con một gia đình người Hoa; cậu bé Hào (8 tuổi); chị em Phương - Nghi (4 tuổi)... ở cuối dãy cũng ra chơi cùng.
Đám trẻ chạy nhảy, đuổi bắt làm nhốn nháo một góc chung cư, nhưng không còn lời phàn nàn (vì nhà nào cũng có con góp mặt). Một hôm, Ri qua nhà tôi chơi và bưng qua một rổ trứng vịt, nói “cho cô nè”. Vợ chồng tôi nhìn rổ trứng mà hoang mang, không dám ăn.
Tôi nghĩ, có thể bé Ri thích 2 bé nhà tôi nên đã tự lấy trứng (con tôi rất thích ăn trứng) cho 2 chị. Tôi lật đật bưng rổ trứng qua nhà Ri kể lại việc cậu bé đem cho mà không biết có nhầm với nhà ai không? Mẹ Ri nghe vậy, cười: “Em kêu Ri mang qua cho nhà chị. Mẹ em ở quê gửi trứng lên nhiều lắm, chị ăn phụ nhà em”. Trong khoảnh khắc, tôi chợt thấy như mình đang sống ở quê, thắm đượm tình làng nghĩa xóm.
Tôi lại có thêm lần đầu lâng lâng và bắt đầu thích chung cư này. Rồi lại lần đầu tôi biết bánh tổ khi được mẹ của Huyền mang qua cho. Chị cầm 2 chiếc bánh màu đen, to với nụ cười tươi rói và tiếng Việt còn lơ lớ: “Mẹ em làm nhiều quá, nhà em ăn không hết, chị ăn tiếp em với”. Tôi bị “sốc” vì được quà lại còn nhận được lời cảm ơn của mẹ Huyền vì đã “ăn tiếp”.
Trong khi người lớn của tầng lầu mới bắt đầu làm quen nhau thì bọn trẻ đã trở nên thân thiết. Tụi nhỏ đã “xộc” vào các nhà, chơi thoải mái. Mỗi tối, bọn trẻ ra sảnh chơi thì các bà mẹ cũng lục tục kéo ra cửa lót dép ngồi nhìn chúng chơi và những câu chuyện xoay quanh con cái đã kết nối các bà mẹ đầy tự nhiên.
Thậm chí, những đứa trẻ của tầng khác cũng kéo đến đây chơi vì vui quá và vòng tròn hàng xóm được mở rộng ra tầng 1, tầng 5, tầng 7… Từ đó, thỉnh thoảng con tôi đến nhà bạn chơi, cầm về trái bưởi của nhà bạn Su ở tầng trệt, chục nem Bình Định của nhà bạn Heo ở tầng 5, bịch bánh phồng tôm của nhà bạn Bo ở tầng 7…
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Ngược lại, mỗi khi có quà quê, tôi cũng kêu con mang cho hàng xóm. Không biết từ lúc nào, tôi không còn thấy sự khác biệt ở phố và ở quê, nhất là khi chị dâu tôi lên phụ chăm cháu và nhà Ri cũng có bà ngoại lên ở cùng thì sự thân thiết, gần gũi càng tăng lên. Những buổi tối, chúng tôi vừa nhìn bọn trẻ chơi, vừa “tám” với nhau hoặc xuống đất đi dạo, uống sinh tố…
Cuối tuần, các phụ huynh cùng dắt bọn trẻ đi xem phim, đi siêu thị, Thảo cầm viên... Tôi nhớ lần đầu đi Thảo cầm viên cũng là hội hàng xóm chung cư tổ chức, nhân dịp Giỗ tổ năm 2021. Mỗi gia đình chuẩn bị 1 món ăn; người mang vịt quay, người đem chả lụa, người khệ nệ thùng nước…
Chúng tôi gần 20 người trải bạt, bày đồ ăn như đi picnic. Bọn trẻ con phấn khích chạy giỡn, hú hét vì được đi chơi. Trong lúc bọn trẻ sung sướng tận hưởng niềm vui đi chơi, còn “bọn lớn” thì quây quần vừa ăn, vừa trò chuyện rôm rả và bàn tính cho chuyến đi chơi tiếp theo.
Không chỉ có các con và các mẹ chơi với nhau, cả những ông ba cũng nhập hội. Các ông hay hẹn nhau cà phê hoặc cuối tuần lai rai vài lon bia. Còn cánh phụ nữ chúng tôi thỉnh thoảng để các con ở nhà cho chồng giữ để “hội chị em bạn dì” đi spa với nhau.
Giờ đây, “bọn lớn” chúng tôi gắn bó nhau chẳng khác bọn trẻ. Chúng tôi hay hỏi nhau “ủa, bọn nhỏ chơi hay bọn lớn chơi?”. Cũng như ở quê, khi đi vắng hay đi làm về trễ, chúng tôi có thể gửi con ở nhà hàng xóm hoặc nhờ đón giùm; hay lúc đau ốm cũng là những người láng giềng gần chạy qua giúp một tay.
Hơn 5 năm qua, tôi sống giữa phố thị, đón nhận tình làng nghĩa xóm nơi đô thành thân tình, gần gũi, ấm áp và tôi cũng có “bầy đàn” chẳng khác ở quê. Tôi nghĩ, dù ở quê hay thành phố, chỉ cần mỗi người mở lòng và chân thành với nhau, chúng ta sẽ có được những hàng xóm thân thương và tốt bụng.
Đỗ Kim Chi
(phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM)