Nhờ chuyển đổi số, tiết học sinh động, hiệu quả hơn

08/04/2024 - 06:06

PNO - Nếu chẳng may bị ốm hay tai nạn, học sinh phổ thông ở TPHCM vẫn không lo bỏ lỡ bài học, bài tập trên lớp bởi mọi thông tin đều được số hóa, cung cấp mỗi ngày qua tài khoản học tập.

Mới đây, một học sinh của Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) gặp tai nạn, phải nằm viện. Em đã học trực tuyến thông qua hệ thống quản lý học tập LMS (learning management system). Dù chưa thể ngồi vững nhưng mỗi ngày, em vẫn cập nhật đầy đủ kiến thức, bài tập của thầy cô giao.

Bà Đỗ Thị Việt Phương - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết, tiện ích này đến từ công cuộc chuyển đổi số, học trực tiếp kết hợp với trực tuyến mà nhà trường đã thực hiện trong 3 năm qua. Thay vì “học ở lớp, làm bài tập ở nhà”, trường đã thực hiện mô hình lớp học đảo ngược: học sinh tự học ở nhà qua video bài giảng, tài liệu và các câu trắc nghiệm ngắn; khi đến lớp thì trao đổi về nội dung bài, giải quyết các vấn đề, tình huống của giáo viên rồi làm các bài tập trắc nghiệm trên phần mềm máy tính hoặc điện thoại để củng cố kiến thức. Phương pháp này đã giúp học sinh chủ động tương tác với bài giảng, bài tập, tăng khả năng quản lý thời gian - năng lực cốt lõi mà chương trình mới hướng tới.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ


Cuối năm 2023, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) bắt đầu triển khai thí điểm mô hình lớp học thông minh, bao gồm hệ sinh thái giáo dục với các phần mềm, kho học liệu 3D mô phỏng nội dung môn học, hệ thống trang thiết bị hiện đại (màn hình LED tương tác, bục giảng thông minh, máy tính bảng). Trong đó, hệ thống máy tính dành cho giáo viên và học sinh được tích hợp đầy đủ các dữ liệu như sách giáo khoa, giáo trình, thư viện thí nghiệm ảo và mô hình 3D. Những môn học có mô phỏng thí nghiệm thường được sắp xếp để học tại đây. Ở những lớp học khác, giáo viên cũng kết hợp các ứng dụng, thiết bị điện tử và phần mềm LMS để tiết học sinh động hơn.

Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 3), toàn bộ giáo viên đều qua 2 khóa tập huấn với chuyên gia về cách sử dụng hiệu quả hệ thống LMS. Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin, đến nay, trường đã đăng tải được trên 800 học liệu số, giúp quá trình giảng dạy, tương tác giữa thầy và trò không bị gián đoạn. Ông nêu ví dụ: “Khi đang học môn địa lý mà có 1 cơn bão diễn ra ở miền Trung, thầy cô có thể cho học sinh truy cập ứng dụng để quan sát rõ hơn đường đi của bão hoặc xem những thước phim để thấy hậu quả mà cơn bão để lại”.

Là giáo viên ngữ văn chưa có nhiều năm kinh nghiệm nhưng tiết học của cô Lư Tiểu Duy (Trường THPT Nguyễn Trung Trực, quận Gò Vấp) luôn sôi động, hào hứng với các câu hỏi khởi động và củng cố kiến thức trên các ứng dụng điện tử như Kahoot, Quizizz, Blooket hoặc Gimkit, Azota. Tuy nhiên, để có được 1 bài trắc nghiệm trong vòng 5-10 phút, cô phải mất từ 1-2 giờ để chuẩn bị. “Việc chuẩn bị khá vất vả, đặc biệt là với những giáo viên lớn tuổi, nhưng vì thấy học sinh vui, chịu khó học tập và rèn kiến thức nên thầy cô nào cũng cố gắng thực hiện” - cô Tiểu Duy nói.

Theo bà Đỗ Thị Việt Phương, bước quan trọng nhất trong việc thay đổi phương pháp giảng dạy dựa trên ứng dụng số là số hóa học liệu, bao gồm giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu, bài kiểm tra, các tệp âm thanh, hình ảnh, video, thí nghiệm mô phỏng… Tính đến tháng 12/2023, trường đã số hóa được 1.072 học liệu số và vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, việc số hóa không đồng đều giữa các tổ bộ môn. Các môn sinh học, vật lý, hóa học có nguồn học liệu khá hấp dẫn, thu hút, còn các môn xã hội lại có nguồn học liệu hạn chế hơn.

“Khi giảng dạy chương trình mới, giáo viên vừa lo soạn thảo bài giảng trên lớp, vừa phải chuyển đổi số nên gặp khá nhiều khó khăn, áp lực. Nhiều phụ huynh và học sinh cũng thắc mắc “vì sao đã hết dịch COVID-19 mà vẫn phải học trực tuyến”. Nhà trường vừa phải động viên, vừa phải đặt ra chỉ tiêu để thầy cô thực hiện, đồng thời giải thích để phụ huynh và học sinh hiểu lợi ích lâu dài của phương pháp này” - bà Đỗ Thị Việt Phương cho hay.

Theo bà Trần Thị Minh Đức - Phó hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) - mô hình lớp học thông minh vẫn ở dạng thí điểm và miễn phí trong năm học 2023-2024. Việc lớp duy trì được hay không phụ thuộc vào kinh phí và sự đồng thuận của phụ huynh. “Giáo viên nhà trường vẫn luôn tìm kiếm các nguồn học liệu, thí nghiệm mô phỏng từ nhiều nơi nhưng không thể hấp dẫn, chi tiết bằng nguồn tài nguyên hay hệ sinh thái của các công ty, tập đoàn giáo dục. Việc khai thác các tài nguyên này thường mất phí, mà trường lại không có tiền mua. Vì vậy, nhà trường hy vọng được Sở GD-ĐT hỗ trợ, cung cấp thêm các nguồn học liệu tốt” - bà nói.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI