|
Đêm đưa vợ đi sinh của tôi rất nhiều kịch tính. (Trong ảnh là vợ con tác giả - Nguồn ảnh: tác giả cung cấp) |
Tôi không bao giờ quên ngày đưa vợ đi sinh ở Sài Gòn. Hôm đó gần nửa đêm thì vợ trở dạ, tôi vơ vội quần áo, gọi xe trong lúc vợ ôm lưng, xoa bụng và miệng rên hừ hừ.
Thời điểm đó vợ chồng tôi mới vào Sài Gòn, nơi chưa bao giờ thiếu taxi, Grab hay xe ôm. Nhưng gọi xe lúc nửa đêm thì khác, tôi “book” mãi chẳng được chuyến nào. Vừa lo vừa sợ, vò đầu bứt tai, tôi loay hoay rồi quay sang hỏi: “Giờ sao em?”. Vợ tôi nổi lửa: “Sao là sao! Đi đẻ chứ sao!”. Tôi giật mình, ờ, chẳng có gì cấp bách bằng chuyện này.
Tôi “book” lần nữa thì may mắn có bác tài nhận cuốc. Nhưng chưa kịp mừng thì bác tài gọi lại: “Ủa anh ơi, lên Từ Dũ là đi sanh hả. Anh hủy cuốc giúp em nha, em sợ chị sanh giữa đường, em không biết làm sao”.
Tôi ậm ừ: “Giờ mà anh không chở, em cũng không biết sao luôn”. Đầu dây bên kia tắt máy! Tôi vô phòng lấy chìa khóa: "Ta đi thôi em ơi, xe máy thẳng tiến!".
Nhưng chưa kịp ra khỏi phòng thì điện thoại lại reo. Bên kia anh tài xế lúc nãy gọi lại: “Xuống đi anh ơi, em chở”. Tôi đồng ý ngay lập tức vì sợ anh đổi ý, rồi tay dắt vợ, tay cầm giỏ đồ sơ sinh đi thẳng.
Lên xe, tôi chưa kịp cảm ơn thì anh tài xế giải thích: “Anh chị đừng giận nghen, em sợ chở người đi đẻ rồi đẻ trên xe em không biết làm sao luôn. Nhưng giữa đêm hôm, em nghĩ lại nếu để anh chị chạy xe máy thì nguy hiểm quá nên em ráng. À chị cũng ráng đến bệnh viện rồi đẻ chị nha”.
Vợ đang đau cũng bật cười, tôi thì cảm thấy may mắn vì gặp anh tài xế dễ thương. Chữ “ráng” của anh giữa đêm Sài Gòn thật đáng quý!
Đến bệnh viện là đúng 12 giờ đêm, tôi dìu vợ ngồi rồi chạy đi hỏi phòng sinh, luống cuống như gà mắc tóc. Cuối cùng, tôi cũng gặp điều dưỡng tá trực. Cô đưa ra một danh sách các gói dịch vụ sinh: phòng máy lạnh, phòng quạt, mũi tiêm giảm đau, cho chồng vào chăm sóc...
“Ủa có dịch vụ chồng vào phòng sinh nữa hả chị”, tôi hỏi, cô điều dưỡng mỉm cười. Lòng tôi rối bời. Rồi như hiểu ý, cô điều dưỡng tận tình hướng dẫn chi tiết từng phần một, sau đó nói tôi nên chọn gói “thường thường bậc trung” vừa có dịch vụ tốt mà chi phí hợp lý.
“Vợ anh mắc thủy đậu, phải nằm phòng riêng, anh đến phòng kế toán đóng tiền, để chị đó em ngó chị cho”, cô điều dưỡng dặn thêm rồi dẫn vợ tôi vào phòng chờ. Tôi chạy đi tìm phòng kế toán đóng tiền, hết 5 triệu đồng, nếu dư, bệnh viện trả lại sau.
Khi tôi về phòng chờ thì vợ tôi đang nắm chặt hai tay vào khung giường, răng nghiến ken két, miệng rên hừ hừ. Cô điều dưỡng lúc nãy vẫn ngồi bên cạnh hỏi han, chuyện trò sinh nở như chị em gái thân thiết.
Tôi biết vợ rất đau nhưng không thể cảm nhận hết nỗi đau của nàng. Tôi ngồi gần, nắm tay và hỏi “em thấy sao”, nàng quát “đau chứ sao”. Cô điều dưỡng cười: “Phụ nữ sinh đẻ nóng tính thế đấy. Xưa mẹ em đi sinh còn quát cả mẹ chồng”. Nói rồi cô dặn dò kỹ, cho tôi số điện thoại để “có gì gọi em lại liền”.
2 giờ sáng, vợ giật tay bảo tôi gọi bác sĩ, chắc sắp sinh rồi! Tôi chạy ào vào phòng, bác sĩ quát: "Sao không gõ cửa?". Tôi cứ như không nghe thấy gì, trình bày: "Bác sĩ ơi vợ em sắp sinh rồi!". Thế là bác sĩ cùng điều dưỡng đưa vợ tôi vào phòng sinh, đuổi tôi ra ngoài.
|
Bệnh viện phụ sản Từ Dũ đã giúp vợ con tôi an toàn, khoẻ mạnh (Nguồn ảnh: tác giả cung cấp) |
Bạn từng đứng ngoài cửa chờ vợ sinh lần nào chưa? Tôi thì nhớ mãi đêm hôm đó, khi cứ thập thò ngoài cửa, đi không được, đứng, ngồi cũng chẳng yên. Mà đâu chỉ riêng tôi, xung quanh anh vò đầu, anh ngáp ngắn ngáp dài… Tôi biết, các anh chồng kia cũng đang chung tình thế “lòng như lửa đốt” - một cảm giác rất lạ mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới hoặc có thể tưởng tượng ra.
4 giờ sáng, điện thoại reo: “Anh là chồng của chị…. Lại nhận bé nhé”. Bạn biết không, tôi đã khóc như một đứa trẻ khi cô điều dưỡng trao con lên tay mình. Một cảm xúc không thể gọi tên, một niềm vui và xúc động đột ngột khi lần đầu tiên làm bố. Cô điều dưỡng cười, chắc đang nghĩ "chà anh chàng này trẻ con thật", rồi dúi vào tay tôi danh sách những thứ cần mua cho vợ: cháo nóng, sữa nóng…
Tôi chạy ra ngoài, mọi suy nghĩ bấy giờ chỉ gói gọn trong thế giới nhỏ: vợ và con. Tôi được làm bố rồi, tôi có con gái rồi, vợ tôi sinh thuận buồm xuôi gió rồi… Không niềm hạnh phúc nào lớn hơn thế nữa!
|
Gia đình nhỏ của tôi đã có những giây phút tuyệt vời ở đường sách Sài Gòn (Trong ảnh là vợ và con tác giả - nguồn ảnh: tác giả cung cấp) |
Sinh thường nên 3 ngày vợ tôi xuất viện. Trước khi về, vợ tôi nói nhỏ: “Anh lấy ít tiền biếu bác sĩ nhé”. Tôi đồng ý rồi đi tìm bác sĩ cùng cô điều dưỡng để cảm ơn, nhưng ai cũng cười bảo: “Làm gì kỳ vậy nè”, rồi đi thẳng.
Lúc về, tôi gọi anh tài xế hôm trước, anh chở về nhà, còn giúp xách đồ lên tận phòng chung cư. Khi tôi lấy tiền trả kèm một ít “tiền cà phê”, anh lắc đầu từ chối và cười: “Em chưa mừng con cho anh nữa cơ mà”...
Bây giờ vợ chồng tôi đã về quê sinh sống, thỉnh thoảng nhớ lại ngày đi sinh, chúng tôi lại bảo nhau: “Người Sài Gòn kỳ vậy nè”.
Đặng Đức Lộc (Hương Khê, Hà Tĩnh)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây |