Nhớ chiếc áo ấm phụ nữ TP.HCM gửi tặng chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên

15/02/2019 - 15:46

PNO - Năm 1986, đoàn phụ nữ TP.HCM vượt qua bao nhiêu khó khăn đã lên mặt trận Vị Xuyên. Các chị thăm sở chỉ huy mặt trận xong đòi đi thăm trận địa. Các chị nói: “Để chúng em tận mắt thấy mặt mũi kẻ thù”.

Tháng 2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc xâm lấn biên giới Việt Nam, phá hoại và san bằng thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, cùng nhiều làng mạc. Có lúc quân địch kéo sâu vào hơn 50km tính từ biên giới, tàn sát vườn tược, gia súc, gia cầm và cả đồng bào ta.

Nho chiec ao am phu nu TP.HCM gui tang chien si mat tran Vi Xuyen
Trung tướng Đặng Quân Thụy

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang là mặt trận nóng bỏng nhất, ác liệt nhất và kéo dài nhất (1984- 1989). Các lực lượng vũ trang Quân khu 2 và nhân dân hai tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang đã kiên cường chiến đấu trong hơn 2.000 ngày đêm và đã giành thắng lợi to lớn, bảo vệ toàn vẹn biên giới.

Chỉ tính từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, Trung Quốc lần lượt đưa hơn 50 vạn quân của 8 trong 10 đại quân khu, tiến công toàn diện biên giới Hà Giang, tập trung vào huyện Vị Xuyên với âm mưu vẽ lại đường biên giới tới phía bắc suối Thanh Thủy. Để giữ vững biên cương, 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn của ta trực tiếp tham chiến tại mặt trận Vị Xuyên.

Hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh bảo vệ biên giới Vị Xuyên thuộc 9 sư đoàn chủ lực; hơn 9.000 thương - bệnh binh cùng nhiều đơn vị bộ đội trực tiếp tham chiến, đẩy lùi sự xâm lấn của quân Trung Quốc.

Nho chiec ao am phu nu TP.HCM gui tang chien si mat tran Vi Xuyen
Tư lệnh Đặng Quân Thuỵ kiểm tra hầm pháo ở Vị Xuyên.

Ngày 12/7/1984 diễn ra trận chiến khốc liệt nhất tại mặt trận biên giới Hà Giang. Chỉ tính riêng Sư đoàn 356, trong một ngày này, 600 chiến sĩ đã hy sinh. Thế nhưng, chúng ta chưa hề nhụt chí, những trận đánh giữ đất của bộ đội Việt Nam diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm…

Có những cao điểm bị bạt đi hơn 3m vì đạn pháo, ác liệt đến mức được gọi là "lò vôi thế kỷ". Quân dân Việt Nam đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc, buộc quân Trung Quốc phải rút quân về bên kia biên giới.

2.000 ngày đêm chiến đấu ác liệt nơi tuyến đầu Tổ quốc, trong hồi ức của chúng tôi đó là sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân từ khắp mọi miền đất nước. Tôi còn nhớ khi đó, năm 1986, đoàn phụ nữ TP.HCM vượt qua bao nhiêu khó khăn đã lên mặt trận Vị Xuyên. Các chị thăm sở chỉ huy mặt trận xong còn đòi đi thăm trận địa bằng được. Tôi còn nhớ các chị nói: “Để chúng em tận mắt thấy mặt mũi kẻ thù”.

Chúng tôi phải bố trí kế hoạch bảo vệ đoàn, đưa chị em lên Coóc Nghè rồi đi theo chiến hào ra thăm bộ đội. Chị em trong đoàn thấy bộ đội mình thiếu thốn quá, trút hết tư trang: bút, nhẫn vàng, dây chuyền vàng tặng cho bộ đội. Cuối cùng, các anh chỉ xin nhận những cây bút làm kỷ niệm.

Nho chiec ao am phu nu TP.HCM gui tang chien si mat tran Vi Xuyen
Tư lệnh Quân khu 2 Đặng Quân Thụy đi kiểm tra một trận địa thuộc tuyến biên giới.

Sau chuyến thăm đó về, rất nhiều áo len của phong trào “Áo ấm chiến sĩ” của Hội LHPN TP.HCM cùng các tỉnh miền Nam đã gửi tới mặt trận Vị Xuyên. Còn nhớ tôi cũng được tặng một chiếc và chiếc áo này, tôi trao lại cho anh chiến sĩ gác ở mặt trận. Chiếc áo ấm giản dị được các chị đan, gửi trao bằng cả tấm lòng, khiến chúng tôi ấm áp biết bao giữa tiết trời giá rét nơi miền cực Bắc.

Sự tiếp lửa của các chị em phụ nữ TP.HCM cùng cán bộ, chiến sĩ tại chiến hào, để lại tình cảm rất tốt đẹp và sâu sắc trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Hà - Tuyên. Thời gian đã trôi qua hơn 33 năm nhưng những tình cảm đó không bao giờ quên, không bao giờ phai nhạt.

Có thể nói, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở mặt trận Vị Xuyên kéo dài cả chục năm với rất nhiều gian khổ, tổn thất, hy sinh, nhưng đã giành thắng lợi to lớn. Ta đã bảo vệ được vùng đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc bằng trí, bằng lực, bằng sự dũng cảm thông minh của bộ đội, bằng sự ủng hộ của toàn dân…

Trung tướng Đặng Quân Thụy
nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 2,
Chủ tịch danh dự của Ban liên lạc mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang

Phụ nữ thành phố, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước

Còn nhớ những ngày tháng ấy, khi chúng tôi phát động ủng hộ tiền tuyến, hướng về biên giới phía Bắc, phụ nữ cả thành phố như cùng một tấm lòng. Hàng ngàn tấn lương thực, hàng triệu chiếc khăn quàng cổ cùng áo ấm, găng tay… đã được chuyển về Hội Phụ nữ.

Nho chiec ao am phu nu TP.HCM gui tang chien si mat tran Vi Xuyen

Những chuyến hàng hối hả ra tiền tuyến. Cuộc chiến kéo dài 10 năm, là ngần ấy năm phụ nữ cùng đồng bào các giới ở TP.HCM lặng thầm đóng góp sức mình cho tiền tuyến về tài lực, vật lực.

Đáng quý nhất là trong suốt khoảng thời gian ấy, chúng tôi phát động nhiều phong trào, từ “Hũ gạo tình thương”, “Áo ấm chiến sĩ” cho đến “Cây mùa xuân”, “Khăn tay trao bộ đội”… phong trào nào cũng được chị em nhiệt tình ủng hộ. Tinh thần yêu nước như đã lan tỏa đến từng ngóc ngách trái tim phụ nữ chúng tôi thời ấy. Những đêm văn nghệ ủng hộ tiền tuyến lúc nào cũng chật kín người, khí thế hừng hực.

Năm 1986, tháp tùng đoàn của đồng chí Mai Chí Thọ, tôi và các cán bộ Hội LHPN Thành phố đã được ra mặt trận Thanh Thủy - Vị Xuyên - Hà Giang thăm bộ đội. Chuyến di chuyển gian nan, vất vả, chị em ai nấy mệt nhoài, nhưng khi gặp chiến sĩ, bộ đội mình, ai nấy đều mừng rơi nước mắt. Không có đàn, chị em vẫn hát vang những khúc hát, lời thơ tặng bộ đội. Đó mãi là kỷ niệm khó phai trong đời…

Đoàn Lê Hương
nguyên Hội trưởng Hội LHPN TP.HCM nhiệm kỳ V

Thương chiến sĩ, chúng tôi cùng góp bàn tay

Năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, như bao người dân bình thường khác, tôi cũng vô cùng xót xa cho nỗi đau cùng mất mát của quê hương mình. Mỗi lần nghe đài, nghe câu chuyện tình nguyện dấn thân của những nam nữ sinh viên, trí thức Hà Nội không tiếc đời xanh, khoác lên vai ba lô ra mặt trận để rồi không có ngày về, tôi lại nghe tim mình đau nhói.

Nho chiec ao am phu nu TP.HCM gui tang chien si mat tran Vi Xuyen

Chính nỗi đau và tình yêu đất nước đó đã thôi thúc tôi, một phụ nữ dân tộc Hoa đứng lên kêu gọi chị em người Hoa ở quận 5 này ủng hộ cho tiền tuyến.

Sau nhiều đóng góp của phụ nữ quận 5 với phong trào ủng hộ chiến sĩ, năm 1984, sau vụ thảm sát ở Vị Xuyên, Hội LHPN TP.HCM tổ chức mittinh kêu gọi ủng hộ kháng chiến đã mời tôi đại diện phụ nữ thành phố lên phát biểu.

Lần đó, trước hàng ngàn chị em, tại Nhà hát lớn Thành phố, tôi mang hết tình cảm của mình kêu gọi cho phong trào “Áo ấm chiến sĩ”.

Tôi không nhớ hết nguyên văn lời phát biểu của mình, chỉ nhớ một câu nói của tôi được các chị em vỗ tay nhiệt liệt đó là: “Các thanh niên, sinh viên Hà Hội, đã không tiếc cuộc đời, gác tay bút, ôm súng ra tiền tuyến, thì tại sao chúng ta không thể dành đôi tay này đan áo, đan khăn, gửi tặng các anh chị chống gió rét, bão bùng?”.

40 năm qua đi, mấy ngày nay, lần giở các trang báo, trang tin tìm đọc về cuộc chiến này, tôi vẫn không cầm được nước mắt. Thương quá đất nước mình, thương và tự hào quá tuổi thanh xuân của các anh chị. 

Lý Kim Mai
Chủ tịch Hội khuyến học quận 5, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 1992- 1997

Nghi Anh ghi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI