Nhớ bánh thuẫn xứ Quảng

13/02/2024 - 07:13

PNO - Trong ký ức, tết thực sự đến nhà tôi vào ngày cúng ông Táo. Bởi thời điểm đó nhà tôi có 2 “sự kiện” quan trọng, là cúng ông Táo và đổ bánh thuẫn.

Vừa rồi, trong lúc dạo chơi ở lễ hội Tết Việt tôi có ghé ngôi nhà miền Trung và tình cờ được mời ăn những chiếc bánh thuẫn nóng hổi mới ra lò, được “gặp” lại dáng vẻ của nội bên bếp bánh… Vậy thôi mà mắt bỗng rưng rưng, bao nhiêu ký ức xưa ùa về, vì thấy nhớ nội, nhớ tết xưa da diết.

Mỗi dịp Tết đến, đĩa bánh thuẫn không thể thiếu trong mâm cúng của người miền Trung
Mỗi dịp tết đến, dĩa bánh thuẫn không thể thiếu trong mâm cúng của người miền Trung

Gia đình tôi là gốc miền Trung (Quảng Ngãi), nhưng đã chuyển vào miền Nam sinh sống từ rất lâu. Do đó, tôi rất quen thuộc với bánh thuẫn. Nhớ lúc còn sống, nội hay kể, đây là loại bánh đặc trưng của người miền Trung nên mỗi dịp tết nhà ai cũng có. Nhà tôi cũng vậy, gần đến tết nội sẽ chuẩn bị bột, khuôn bánh để đổ bánh cúng ông bà, đãi khách và đặc biệt để con cháu ăn miếng bánh nhớ đến quê hương.

Trong ký ức, tết thực sự đến nhà tôi vào ngày cúng ông Táo. Bởi thời điểm đó nhà tôi có 2 “sự kiện” quan trọng, là cúng ông Táo và đổ bánh thuẫn.

Buổi sáng, sau khi cúng ông Táo xong là nội và má tôi lọ mọ lau khuôn, chuẩn bị củi lửa, chuẩn bị trứng gà, bột bình tinh, đường cát, ít bột vani, ít gừng… để cả nhà cùng đổ bánh.

Buổi tối, sau khi cả nhà ăn cơm xong thì nội và má bày tất cả các nguyên liệu ra để sẵn sàng làm bánh.

Trong lúc má nhóm bếp, nội khuấy bột đổ bánh, lũ con nít tụi tôi ngồi xung quanh bếp lửa vừa xem nội đổ bánh, vừa hít hà mùi thơm ngào ngạt của bánh vừa chín tới và… mong chờ những chiếc bánh “dạt”.

Để bánh chín vàng đều 2 mặt, than sẽ được để cả trên nắp khuôn
Để bánh chín vàng đều 2 mặt, than sẽ được để cả trên nắp khuôn
Bánh thuẫn chính vàng đều, mùi thơm ngào ngạt
Bánh thuẫn chính vàng đều, mùi thơm ngào ngạt

Bánh “dạt” là những chiếc bánh chín nhưng không nở, hoặc nở không đều, hoặc trong quá trình lấy bánh ra khỏi khuôn bị rớt/bị biến dạng… nên nội để sang một bên cho chúng tôi ăn cho đỡ cơn thèm.

Mặc dù vừa mới ăn cơm no, nhưng trước những chiếc bánh “dạt” thơm nức mũi, chị em tôi không cưỡng lại được, tranh nhau “ních” cho căng bụng mới chịu đi ngủ.

Hồi đó, bánh - kẹo là điều xa xỉ, vì lẽ đó, chị em chúng tôi rất mong chờ tết đến để được ăn bánh thuẫn. Đặc biệt, khi được ăn những chiếc bánh thuẫn, là biết tết đã đến rất gần rồi, lòng thấy vui và háo hức vô cùng.

Cứ thế, ký ức tết của tôi gắn liền với thau bột, lò than, chiếc khuôn bánh “diệu kỳ”, với những chiếc bánh thuẫn nội đổ - loại bánh ngon nhất mà tôi từng được ăn, cho đến ngày nội mất.

Sau khi nội mất, má tôi vì quá bận rộn với việc buôn bán nên cũng không còn đổ bánh thuẫn nữa, thay vào đó là những loại bánh, mứt, kẹo mua ở chợ. Chúng dù rất bắt mắt và rất ngon, nhưng có lẽ, không thể nào sánh bằng bánh thuẫn của nội.

 

Chiếc bánh thuẫn mới ra lò
Chiếc bánh thuẫn mới ra lò rất thơm và mềm, ăn vào như tan trong miệng

Thời gian thấm thoát trôi, mới đó mà nội đã rời xa chúng tôi gần 30 năm. Từ ngày nội mất tôi không còn được ăn bánh thuẫn nữa và cũng dần quên luôn tên bánh cho đến khi tham dự lễ hội Tết Việt. Từ xa, lẫn trong dòng người đông đúc, mùi thơm ngào ngạt của chiếc bánh thuẫn đúc bằng than đã dẫn dụ tôi đến đúng nơi cần đến, đã đưa tôi trở về ký ức tết xưa.

Đứng nhìn cô nướng bánh thoăn thoắt dùng cọ chuối thấm dầu làm trơn khuôn, đổ bột vào khuôn, đậy nắp, canh than (cả bên dưới và bên trên khuôn) và đợi bánh chín rồi lấy ra khỏi khuôn mời thực khách thưởng thức. Cầm chiếc bánh đưa lên mũi ngửi trước khi ăn, một trời ký ức, một trời thương nhớ nội, thương nhớ tết xưa bỗng ùa về trong tôi. Bây giờ, nhiều gia đình miền Trung đã không còn thói quen đổ bánh thuẫn vào dịp tết nữa, các loại bánh kẹo khác đã lên ngôi, nhưng tôi tin rằng, bánh thuẫn vẫn có một "chỗ đứng" nhất định trong lòng tôi và nhiều người khác nữa.

Bài và ảnh: Lan Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI