Nhớ ba, nhớ chiếc xe đạp thuở nào

12/10/2024 - 18:11

PNO - Một tay ba lái xe, một tay quàng ra sau vịn, sợ con té. Người đi đường nhắc coi chừng cháu té, ba ra sức vịn chặt hơn, bặm môi đạp qua quãng đồng không lộng gió.

Mẹ kể, ba là dân Sài Gòn chính gốc. Hồi mới lấy nhau, nhắm không bám trụ được chốn đô thành, ba mẹ dắt díu nhau về quê phát hoang làm rẫy. Cuộc sống heo hút nơi khỉ ho cò gáy, đêm đêm làm bạn với ếch nhái muỗi mòng, chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả, vất vả trăm bề. Đã vậy, công sức bỏ ra nhiều, mùa màng thất bát, nông sản làm ra không biết bán đi đâu, ba dần nản chí.

Ba trở về thành phố tìm kế sinh nhai. Ba tháo vát, việc gì cũng làm được. Ngặt nỗi lòng người khó dò, ba mấy phen bị lừa. Mỗi lần thất bại, ba tự nhủ, ráng làm lại, có chút tiền mới trở về với vợ con. Cứ thế đằng đẵng mấy năm trời, từ lúc con được 2 tháng đã không có bóng hình ba bên cạnh.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Con được 4 tuổi, ba trở về. Ba nói mấy năm qua ba đi bán “chợ trời”. Lúc đó con chưa hiểu, ngọng nghịu hỏi, sao ba đem trời ra chợ bán. Ba xoa đầu con, cười ha hả. Ba mang về nhiều đồ lỉnh kỉnh, mày mò lắp cái nọ gỡ cái kia, ra chiều bí mật. Vài ngày sau, ba khoe chiếc xe đạp lắp ráp từ những thứ góp nhặt được. Chiếc xe cũ kỹ, nhưng với cả nhà, đó là món đồ vô cùng quý giá.

Ở thôn quê không có gì chơi, những dịp lễ tết, ba lấy xe đạp chở con ra thị xã cách nhà hơn 10 cây số. Nơi đó đông đúc người, vô cùng nhộn nhịp. Con thích chơi vòng quay ngựa gỗ, chơi mãi không chán. Ba đứng nhìn, cười mãi không thôi. Nghe tiếng leng keng của ông bán cà rem, ba mua cho con 1 cây. Kem đá thôi mà con ăn hết sức ngon lành, như thể đó là món ăn tuyệt nhất trên đời. Mãi về sau, tiếng leng keng cùng cái mát lạnh của que kem trên tay ba vấn vương mãi.

Chơi mệt, con thiu thiu ngủ gục gà gục gặc. Trên đường về, một tay ba lái xe, một tay quàng ra sau vịn, sợ con té. Người đi đường nhắc, chú ơi, coi chừng cháu té, ba ra sức vịn chặt hơn, bặm môi đạp qua quãng đồng không lộng gió.

Con học xong cấp I, ba nộp hồ sơ cho con thi vào lớp chuyên toán của tỉnh. Ngày đi thi, ba cọc cạch đạp xe chở con ra thị xã, ngồi chờ cho đến lúc con thi xong. Hôm có kết quả, ba đi từ sớm tinh mơ, chờ xem thông báo. Về chưa đến nhà, giọng ba oang oang đầu ngõ: “Con gái tui đậu chuyên toán rồi”. Ba rủ bạn bè nhậu ăn mừng. Hôm sau, cả xóm ai cũng biết con thi đậu, tấm tắc khen làm ba tủm tỉm cười hoài. Từ đó, con gắn bó với môn toán cho đến khi tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa.

Chuẩn bị cho con đi học xa, ba loay hoay tân trang chiếc xe đạp. Ba lọ mọ tháo cái nọ thay cái kia, sơn phết lại. Chiếc xe cũ được thay áo mới. Ba tập cho con chạy. Xe thì cao, người con nhỏ thó, chống chân không tới, leo lên xe ba đẩy lấy đà con mới chạy được. Xiêu xiêu vẹo vẹo, lúc con hoảng hồn nghĩ là mình sắp ngã chổng vó thì ba như hiệp sĩ xuất hiện cạnh bên đỡ lấy, giúp con vững vàng. Mấy lần con hăng quá chạy nhanh, ba theo không kịp, con té trầy tay trầy chân. Ba dậm chân dậm cẳng chép miệng hít hà, như thể chính ba bị té.

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Chiếc xe cũ hay bị tuột sên. Mỗi lần đi học về, nhìn tay chân quần áo con lấm lem dầu nhớt, ba tặc lưỡi xuýt xoa, lụi cụi sửa, sửa xong liền khoe thành quả với con: “Ngon lành rồi đó”. Nhưng được vài hôm sau, bệnh cũ của nó tái phát. Cứ như vậy, không biết bao nhiêu lần ba đổ mồ hôi cho con có phương tiện tới trường.

Lên cấp III, nhà có điều kiện hơn, mẹ mua cho con xe mới. Chiếc xe đạp cũ trở thành con ngựa thồ cho mẹ đi chợ, đi việc này việc nọ gần nhà, mãi đến khi sắm được chiếc xe máy, nó mới xong nhiệm vụ, được nằm nghỉ ngơi trong góc.

Sau vài lần chuyển nhà, chiếc xe xưa giờ đã không còn, ba đã về bên kia mây khói. Mỗi lần nhớ ba, con lại bồi hồi nhớ những kỷ niệm của 2 cha con cùng chiếc xe đạp cọc cạch thuở nào.

Hoàng Ngọc Thanh

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI