Ba tuần sau vụ hỏa hoạn thiêu rụi toàn bộ bên trong ngôi nhà cao tầng ở số 8 ngõ 12, phố Núi Trúc, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội, hình ảnh anh lính cứu hỏa trẻ tuổi, mặt nhọ nhem, gắng sức cõng nạn nhân ra ngoài vẫn trở đi trở lại trong câu chuyện của bà con khu phố.
Bà ngoại và bố của chàng thanh niên được cứu thoát đặt tay lên ngực, chặn cơn xúc động: “Anh lính cứu hỏa ấy như ông Bụt đã đem phước lành đến cho gia đình chúng tôi. Tự đáy lòng, chúng tôi rất biết ơn”.
Trong nhà cháy có người
Ngôi nhà năm tầng của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh (65 tuổi) nhọ nhem từ trên xuống dưới. Mùi khét lẹt theo khói lửa ám vào các bức tường.
Ba tuần sau trận cháy do chập điện, mẹ con bà Thanh mới về lại ngôi nhà để dọn dẹp.
Bước qua những tàn tro ở tầng trệt, bà Thanh ái ngại đề nghị: “Cháu phải men theo cầu thang nhỏ này đi lên các tầng trên, mới hình dung được phần nào những khó khăn, vất vả mà các đồng chí cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã trải qua”.
Nói đoạn, người phụ nữ bé nhỏ, có khuôn mặt phúc hậu ấy bật đèn pin điện thoại, soi từng bậc cầu thang cho tôi bước lên. Tường lở, bậc cầu thang vỡ, vài cọc lan can còn sót lại đen sì. Tất cả đều kịt màu bồ hóng, hệt như những gian bếp đun rơm rạ, củi mục ở quê ngày trước.
Giọng bà Thanh run run: “Hôm cháy, trong nhà cũng tối om, khắp nhà là khói, đồ đạc thì bề bộn chứ không “thông thoáng” thế này đâu”.
Bà Thanh nhớ, hôm đó, ngày 10/9, bà đang ở khu chợ cóc cách nhà chưa đầy 1km thì có người chạy xe ngang qua nói: “Ngoài phố Núi Trúc đang cháy cửa hàng quần áo”.
Vì tầng trệt nhà bà Thanh cũng là cửa hàng quần áo, nên nghe người qua đường nói vậy, bà lao ngay về nhà.
Thấy từng cột khói đen bốc ra từ các ô cửa nhà mình, bà Thanh gào lên: “Trong nhà có người”.
|
Chiến sĩ cảnh sát Vũ Ngọc Hoàng đã gạn chắt sức lực để đưa nạn nhân ra ngoài |
Khi đó, một xe cứu hỏa của Công an Q.Đống Đa đã có mặt, hàng xóm thay nhau giữ bà Thanh lại, sợ bà vì lo cho cháu mà bất chấp, lao vào.
Anh Lượng, ở nhà số 10 lấy nhanh chùm chìa khóa từ tay bà Thanh rồi lao lên tầng 5 để tìm đường sang sân thượng nhà số 8.
Anh Lượng trở xuống, báo: “Lửa dưới tầng 4 cháy to quá, khói đen kịt, cháu không nhìn thấy gì”. Bà Thanh hốt hoảng đến lạc giọng: “Cháu ngoại tôi ngủ ở tầng 4”.
Đến khi bà Thanh nhìn thấy anh lính cứu hỏa tên Vũ Ngọc Hoàng mặt đen nhẻm như thợ mỏ cõng thằng cháu ngoại Xê-kô (tên gọi ở nhà của Nguyễn Hoàng Giang, 18 tuổi) của bà ra, chân tay bà vẫn mềm rũ.
Hôm đó, bà chỉ nhớ được hình ảnh chiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cõng cháu bà và hình ảnh những chiến sĩ PCCC sơ cứu cho Xê-kô trước khi đưa cậu vào bệnh viện bằng xe cảnh sát. Cháu ngoại cấp cứu hôm trước thì hôm sau, bà Thanh cũng nhập viện vì quá sốc.
“Mình không gắng gượng thì em ấy sẽ chết”
Mấy hôm nay, những dòng chữ ngắn ngủi trên trang Facebook của anh Nguyễn Viết Thành nhận được gần 8.000 lượt chia sẻ.
Anh Thành viết: “Đây là vị thần đã đến để cứu con trai tôi, một điều lạ đến khó tin. Tên anh là Ngọc Hoàng. Cảm ơn anh và cả đội rất nhiều. Khi con trai ra viện, nhất định tôi sẽ gặp anh và toàn đội PCCC Q.Đống Đa và đội PCCC Q.Ba Đình - những người đã lao vào khói lửa hôm đó - để nói ngàn lời cảm ơn”.
Khi tôi nhắc lại những lời tri ân của bà Thanh, anh Thành (bố của Xê-kô Nguyễn Hoàng Giang) mỗi khi nói về “ông Bụt hiện ra” trong vụ cháy, người lính cứu hỏa 27 tuổi của đội PCCC Q.Đống Đa gãi đầu cười ái ngại: “Đó là nhiệm vụ của tôi. Nếu không phải tôi mà là các đồng chí khác, họ cũng làm như vậy thôi”.
Hôm đó, đội PCCC Q.Đống Đa đến, sau khi phá được cửa ở tầng trệt thì chia làm hai mũi, một mũi dập lửa tầng trệt, một mũi của anh Hoàng kéo ống lên tầng 2 nhưng cửa ở tầng này đã bị chặn, không phá được nên cả nhóm kéo thẳng lên tầng 3.
Nhóm của Hoàng dập lửa được khoảng 5-7 phút thì đội PCCC của Q.Ba Đình đến hỗ trợ. Hai chiến sĩ của đội PCCC Q.Ba Đình lên tầng 4, một người đeo mặt nạ phòng độc và bình dưỡng khí, một người kéo dụng cụ để chữa cháy.
Hoàng đang dập lửa ở tầng 3, nghe tầng 4 hô “có người”, anh vội vã chạy lên. Thấy nạn nhân đang nằm sấp ở khoảng trống giữa giường và tủ, anh lật người nạn nhân thì thấy tim còn đập, nhưng hơi thở đã khò khè, yếu lắm.
Anh Hoàng nhớ lại: “Khi tôi chạy lên tầng 4 là đã đỡ khói rồi nhưng vẫn rất ngạt. Đồng chí Hữu tháo mặt nạ chụp cho nạn nhân thở. Tôi xốc cậu ấy lên, hai đồng chí của đội PCCC Q.Ba Đình giữ hai bên để tôi cõng nạn nhân xuống. Nhưng ra đến cửa thì lối đi quá chật, bình dưỡng khí ô-xy bị vướng, phải bỏ lại mặt trùm.
Theo nguyên tắc, khi cõng, hai tay tôi phải luồn qua hai chân rồi nắm lấy hai tay của nạn nhân, nạn nhân mới không bị rơi. Nhưng thực tế, khi đó, tôi chỉ giữ được bằng một tay, còn một tay phải bám vào cầu thang vì lối đi bé, chất đồ nhiều lắm, lại mất điện, khói vẫn quẩn, nếu không bám thì không đi được”.
Hàng xóm chứng kiến thì kể: “Lúc Hoàng cõng Xê-kô xuống đến tầng 2, Hoàng đã suýt gục vì quá mệt”.
Tôi hỏi Hoàng có thấy mình liều khi không có dụng cụ hỗ trợ nào mà vẫn lao lên, Hoàng nở nụ cười rắn rỏi trên gương mặt điển trai: “Lúc đó, nếu tôi đeo bình dưỡng khí, đeo mặt nạ phòng độc thì cũng không cõng được nạn nhân. Xuống đến tầng 2 là tôi đã đuối lắm, nhưng tôi nghĩ mình mà buông là cả hai anh em đều nằm lại đây, nên tôi lại gồng mình cõng em ấy ra ngoài”.
Trước lúc chia tay tôi, Hoàng vẫn lo lắng: “Tôi đã tính vào thăm Xê-kô, nhưng sau trận cháy mấy hôm thì tôi bị sốt xuất huyết, phải nằm viện mất mười ngày. Em ấy cao, to, dễ đến 80kg, không biết khi tôi cõng xuống, tay chân em có bị trầy xước ở đâu không. Tôi bị phỏng một chút ở tay, em ấy chắc cũng không tránh được”.
Nghe tôi thông báo Xê-kô đã qua cơn nguy kịch, đã nói năng hoạt bát, chỉ nay mai là được ra viện thôi, Hoàng nói như reo: “Tôi sẽ vào viện, cùng gia đình đón em ấy về nhà”.
Ngọc Minh Tâm