|
Xe đạp là một nét văn hóa độc đáo của thành phố Amsterdam |
Thành phố xe đạp nhiều hơn người
Tôi đã nhiều lần nghe nói Amsterdam là thành phố xe đạp nhưng lần đầu đến đây vẫn không khỏi bất ngờ. Cứ tưởng người dân nơi đây thích đạp xe như một hoạt động thể dục thể thao nhưng không, họ sử dụng nó như một phương tiện đi lại hằng ngày. Không chỉ nam nữ thanh niên mà ngay cả những cụ già tóc bạc phơ hay những mẹ bỉm sữa địu theo con nhỏ cũng đi lại bằng xe đạp. Tôi đã nhìn thấy những chiếc xe đạp được gắn thùng bên hông hoặc phía sau để chở theo 2 đứa trẻ cùng lúc.
Hẳn bạn nghĩ họ phải cố gắng lắm để có lối sống như thế? Thực tế, họ trông không có vẻ gì là gắng sức. Mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên vì xe đạp đã là một phần trong đời sống thường nhật của người dân thủ đô.
Có lần, đi phà qua North Amsterdam, tôi cứ tưởng khi đến bến, người ta sẽ xuống xe, dẫn bộ chầm chậm lên phà. Nhưng không, hành khách cứ đạp xe vèo vèo rồi chạy một mạch từ đường phố thẳng lên phà. Họ đi làm, đi học, đi chơi, đi hẹn hò… đều bằng xe đạp. Có lẽ vì thế mà thành phố này có đến 881.000 chiếc xe đạp, nhiều hơn cả dân số của nó. Mỗi ngày, quãng đường tất cả người dân Amsterdam đạp xe cộng lại lên đến khoảng 2 triệu km.
Amsterdam có biệt danh “thành phố xe đạp” có lẽ không đơn giản chỉ vì số lượng. Thương hiệu trên còn đến từ việc chính quyền địa phương và cộng đồng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người đi xe đạp.
Số liệu từ website thingstodoinamsterdam.com cho thấy toàn thành phố có 767km đường để đạp xe, trong đó có 513km dành riêng cho phương tiện này. Nhiều bãi đậu xe đạp quy mô lớn cũng được xây dựng khắp nơi trong thành phố. Đặc biệt, tại ga trung tâm Amsterdam có bãi đậu xe đạp với sức chứa lên đến 10.000 chiếc.
Con số trên nghe có vẻ hơi choáng nhưng thực ra không nhiều so với số người thường để xe ở khu vực đó. Để giải quyết bài toán không gian, các bãi xe có nhiều tầng chồng lên nhau rất phổ biến tại đây.
|
Bên trong mỗi chiếc houseboat có thể là cả một căn hộ tiện nghi |
Một điều thú vị là người dân Amsterdam dường như không phải hy sinh yếu tố thời trang khi đi xe đạp. Bạn nghĩ đi xe đạp thì chỉ có thể mặc quần áo thể thao đơn giản? Không hề. Tôi đã phải đứng lại ngẩn ngơ ngắm nhìn không biết bao nhiêu lần và đưa máy lên chụp đến vài chục bức ảnh người dân đi xe đạp vì họ quá đẹp, từ nét mặt, vóc dáng cho đến cách ăn mặc. Những chiếc váy điệu đà, giày bốt, áo măng tô, khăn choàng, áo vest… trên yên xe đạp luôn khiến tôi mê mẩn.
Một trong những hình ảnh sâu đậm nhất trong trí nhớ của tôi về Amsterdam là một buổi sớm mai, tôi đang ngồi trước một quán cà phê nhỏ để thưởng thức ly sô-cô-la nóng thì trông thấy một đôi tình nhân chầm chậm lướt qua trên xe đạp. Cô gái ngồi phía sau có mái tóc bạch kim đang nép đầu vào lưng chàng trai. Tôi tự hỏi liệu nó có phải hình ảnh được cắt ra từ một cuốn phim ngôn tình nào đó.
Nếu muốn thử cảm giác hòa vào dòng xe đạp trên đường phố Amsterdam, bạn có thể thuê xe với giá 10-20 euro/ngày. Ngoài tiền thuê xe, còn có một khoản phí bảo hiểm trộm cắp, khoảng 3 euro/ngày.
Có cần phải lo tới chuyện trộm cắp ở một thành phố châu Âu văn minh như thế? Câu trả lời là có. Thông tin từ các trang web dành cho du khách cho biết mỗi ngày có đến hàng trăm vụ trộm xe đạp diễn ra ở thành phố nhộn nhịp này.
Ngày rời Amsterdam, ra đến sân bay Schiphol, thương hiệu thành phố xe đạp vẫn còn rõ nét. Tại đây, chúng tôi thích thú thấy khu vực sạc điện thoại bằng cách… đạp xe. Hành khách có thể sạc thiết bị của họ bằng nguồn năng lượng được tạo ra khi đạp xe. Quả là một cách thú vị để giết thời gian chờ đợi ở sân bay đồng thời giúp giãn gân cốt trước khi yên vị hàng giờ trên những chuyến bay.
Đi bộ khám phá di sản văn hóa thế giới
|
Kiến trúc nhà đa dụng đặc trưng của Amsterdam |
Những ngày ở Amsterdam, tầm 9 giờ sáng, khi nắng vừa lên, chúng tôi bắt đầu đi dạo dọc các kênh đào ở khu trung tâm thành phố. Hệ thống kênh đào được xây dựng từ thế kỷ XVII cùng những dãy nhà theo kiến trúc cổ truyền dọc 2 bên đã làm nên nét đặc trưng của thủ đô Vương quốc Hà Lan. Năm 2010, hệ thống kênh đào với tổng chiều dài hơn 100km đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Những ngôi nhà cổ được xây từ gạch đỏ, nâu có chiều ngang hẹp, cao, nhiều ô cửa sổ và không có ban công. Đó là những ngôi nhà đa dụng, tầng hầm thường được dùng làm cửa hàng hoặc nhà kho, những tầng trên là nơi ở.
Nếu như Venice (Ý) chằng chịt nhiều kênh hẹp, chỉ vừa đủ cho 1-2 chiếc thuyền gondola qua lại thì kênh đào ở Amsterdam đa số rộng hơn, đủ chỗ cho cả những chiếc houseboat (nhà trên thuyền). Đừng xem thường những chiếc houseboat này, bên trong nó có thể là cả một căn hộ tiện nghi với đầy đủ bếp, phòng tắm, phòng ngủ, phòng khách; bên ngoài còn có ban công để ngồi “chill”, vừa ngắm kênh đào, vừa ngắm những ngôi nhà và du khách qua lại. Nếu muốn thử cảm giác sông nước, bạn có thể lên Airbnb hoặc booking.com chọn đặt phòng nghỉ trên houseboat. Đa số có thiết kế độc đáo, lại nằm ở khu vực trung tâm vô cùng thuận tiện.
Ngày cuối ở Amsterdam, gia đình chúng tôi quyết định dạo chợ hoa tulip ở gần Koningsplein (King’s Square), một quảng trường nằm giữa 2 con kênh: Singel và Herengracht. Đây là khu vực nhộn nhịp, nơi tụ tập vui chơi của người dân địa phương lẫn du khách. Dọc chợ, các cửa hàng bày ra đủ loại củ hoa tulip, từ cánh đơn đặc trưng đến cánh kép lạ mắt. Chúng được đựng trong những túi to, trông như túi… hành tây, khô queo và có khi trông hơi bẩn. Giá cả thượng vàng hạ cám, 2 euro cũng có mà 50 euro cũng có khiến tôi khá nghi ngại.
Tôi quyết định chỉ mua một ít, chọn túi nhỏ nhất, nghĩ thầm “cất công mang về mà trồng không lên cũng đỡ tiếc”. Khi lúi húi xới đất trồng xuống vườn nhà, tôi không dám trông đợi gì nhiều. Vậy mà cuối cùng chúng cũng đâm chồi xanh tốt rồi nở hoa rực rỡ. Đặc biệt, trong số đó còn có một cây tulip cánh kép múp míp đáng yêu vô cùng.
Giờ đây, tuy đã có thể tự hào nói rằng tôi có hẳn một góc Amsterdam trong vườn nhà mình, tôi vẫn trông chờ lắm một ngày trở lại…
Cúc T.