Ở bên này cầu Kênh Tẻ, phía Q.4, hàng quán vẫn đóng cửa, nhiều con đường vắng lặng, bị chia cắt bởi những hàng rào ngăn “vùng đỏ”. Bên phía Q.7, từ ngày 16/9, quán ăn vỉa hè, doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại.
Hàng quán mở cửa, nhân viên “ba tại chỗ”
Từ 5g, ông Võ Văn Chính cùng năm nhân viên khác ở cửa hàng hải sản gần ngã tư Đa Khoa, P.Tân Phú, Q.7 đã bắt đầu buôn bán. Hôm nay là ngày đầu cửa hàng hoạt động lại sau gần ba tháng nghỉ bán do giãn cách xã hội nên khách liên tục “chốt đơn”.
Từ đêm trước, cửa hàng của ông Chính đã giăng dây ở khu vực bán hàng để giữ khoảng cách giữa bên bán và bên nhận hàng. Hầu hết khách đến nhận hàng đều đã đặt đơn qua mạng hoặc ứng dụng giao hàng nên việc giao, nhận diễn ra rất nhanh.
Ông Chính cho biết, gần ba tháng trước, cửa hàng đóng cửa, hàng chục nhân viên đều thất nghiệp, nhiều người không cầm cự nổi, phải về quê. Ông Chính và một số nhân viên trẻ khác vẫn cố gắng bám trụ, chờ cửa hàng mở lại. Ông cho hay: “Tôi đã được cán bộ khu phố gọi đi chích vắc xin. Tuần trước, nghe chủ cửa hàng gọi điện kêu đi làm lại, tôi mừng lắm. Nghỉ việc gần ba tháng nay, hết sạch tiền rồi”.
|
Shipper lấy hàng ở một quán cà phê trên đường Lê Văn Lương (Q.7, TPHCM) - Ảnh: Linh Linh |
Theo ông Chính, một ngày trước khi ra cửa hàng bán, ông được gọi đi xét nghiệm. Cả sáu người bán ở cửa hàng đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Từ hôm nay, mọi người làm việc và ăn, ngủ tại cửa hàng (“ba tại chỗ”). Điều này có hơi bất tiện nhưng ông vẫn cảm thấy vui vì cửa hàng hoạt động trở lại, gia đình ông không còn thấp thỏm lo miếng ăn.
Cửa hàng nơi ông Chính đang làm việc là một trong số hàng trăm điểm kinh doanh, buôn bán ở Q.7 được hoạt động trở lại. Đây là đầu mối cung cấp thực phẩm cho nhiều quán ăn ở Q.7. Khi điểm cung cấp thực phẩm hoạt động, nhiều quán ăn đường phố cũng có điều kiện mở cửa.
Ngày 16/9, tiệm ăn của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan ở P.Tân Quy cũng tái hoạt động sau nhiều tháng đóng cửa. Từ sáng sớm, đã có một nhóm shipper đợi phía trước để nhận hàng đi giao. Hôm nay, bà Lan phải dán mắt vào màn hình điện thoại để chốt đơn hàng. Theo bà, khi hay tin được buôn bán trở lại, bà đã liên hệ với UBND phường để đăng ký và cam kết hoạt động an toàn. Tất cả nhân viên trong quán đều đã được tiêm vắc xin, làm xét nghiệm trước ngày bán và sẽ xét nghiệm định kỳ theo quy định. Hiện bà Lan đã chuẩn bị nơi ăn, chốn ở để nhân viên làm việc theo phương thức “ba tại chỗ”.
Từ trước ngày 16/9, nhiều cửa hàng, quán ăn trên đường Nguyễn Thị Thập, P.Tân Hưng đã rục rịch chuẩn bị cho việc tái hoạt động. Sau khi xét nghiệm ở trạm y tế, anh Nguyễn Duy Linh vội chạy về quán của mình ở số 520 Nguyễn Thị Thập để sắp xếp lại đồ đạc, chuẩn bị cho ngày mở cửa trở lại. Anh Duy Linh từ tỉnh Bình Thuận vào TPHCM chạy bàn cho quán giải khát từ nhiều năm nay. Gần ba tháng qua, quán đóng cửa, anh và các nhân viên thất nghiệp. Anh may mắn vì chỗ trọ ở “vùng xanh” (không có ca mắc COVID-19), anh đã được tiêm vắc xin đầy đủ nên được chủ quán kêu đến làm, ăn, ngủ tại quán.
|
Cửa hàng kinh doanh hải sản ở đường Nguyễn Thị Thập, Q.7 tái hoạt động sau nhiều tháng đóng cửa |
Một dãy ba cửa hàng liền kề ở đường Huỳnh Tấn Phát, P.Tân Phú cũng mở lại. Người bán cho biết, những ngày qua, họ chủ yếu phục vụ khách đến từ các hẻm “vùng xanh” trong khu phố. Chủ cửa hàng được cơ quan chức năng hướng dẫn giăng dây để giữ khoảng cách với khách hàng tối thiểu 2m. Ông Nguyễn Quân (P.Tân Phú) cho hay: “Bữa giờ tôi chỉ ở yên trong nhà, mua hàng qua mạng. Bây giờ, tôi có thể ra ngoài mua thuốc, thực phẩm. Con hẻm tôi đang sống hầu như nhà nào cũng được tiêm vắc xin rồi nên khá an tâm”.
UBND Q.7 cho hay, trước mắt, UBND quận lựa chọn đối tượng ưu tiên để thí điểm hoạt động lại, trong đó có 100 hộ kinh doanh đường phố và 50 doanh nghiệp (DN), chọn mỗi phường 10 hộ kinh doanh và 5 DN. Điều kiện để tái hoạt động là phải hội đủ năm tiêu chí: đảm bảo “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai điểm đến”; người lao động đã được tiêm hai mũi vắc xin; đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế; có phương án chống dịch đã được thẩm định; người lao động được xét nghiệm định kỳ theo quy định. Sau khi đăng ký, UBND quận thành lập tổ thẩm định các cơ sở. Nếu đạt điều kiện, các cơ sở kinh doanh được cấp mã QR và phải gắn biển “Hộ kinh doanh xanh”, “DN xanh”.
Doanh nghiệp “mở cửa từng bước”
Theo UBND Q.7, quận đã kiểm soát được dịch COVID-19 nhưng do mật độ cư dân đông và Khu chế xuất Tân Thuận quy mô hoạt động lớn nên phải vừa mở cửa sản xuất, vừa điều tiết để kiểm soát tình hình.
Chị Nguyễn Thị Huyền - quê tỉnh Quảng Ngãi, công nhân trong Khu chế xuất Tân Thuận - nói: “Công ty tôi có khoảng 400 người, hôm nay có khoảng 150 người đã chích vắc xin, nhà ở “vùng xanh” được thông báo đi làm lại. Công nhân ở lại công ty luôn chứ không được về nhà. Bây giờ, được đi làm là vui lắm rồi, ở lại trong công ty cũng không sao”.
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất TPHCM (HEPZA), DN ở Q.7 và H.Củ Chi được thí điểm sản xuất trở lại từng bước thận trọng. Cơ sở sản xuất phải có các phương án “bốn xanh”, “vừa sản xuất, vừa cách ly” hoặc kết hợp cả hai. Trong phương án “vừa sản xuất, vừa cách ly”, sẽ có: “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm”, “một cung đường, hai địa điểm mở rộng”. Phương thức hoạt động sản xuất “bốn xanh” gồm lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh.
Các DN phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và đạt các tiêu chí theo bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch, bố trí không quá 50% tổng số lao động vào làm việc. Đối với phương thức “bốn xanh”, ngoài các điều kiện chung, DN chỉ được sử dụng người lao động có “thẻ xanh COVID” (đã tiêm hai mũi vắc xin), người lao động cư trú tại “vùng xanh” theo công bố của cơ quan có thẩm quyền, không phát sinh các ca F0 trong vòng bảy ngày.
Duy trì các chốt kiểm soát
Khi nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, lượng người lưu thông trên các tuyến đường ở Q.7 đông hơn. Lực lượng chức năng tại các chốt phòng, chống dịch đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo người lưu thông tuân thủ quy định phòng, chống dịch.
|
Một cửa hàng ở đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7 mở cửa buôn bán trong “trạng thái bình thường mới” |
Tại chốt phòng, chống dịch trên đường Lê Văn Lương, P.Tân Phong, ngoài kiểm tra giấy đi đường, khai báo di chuyển như ở các quận khác, tổ trực chốt còn kiểm tra “thẻ xanh COVID”, “thẻ đi chợ” và kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính đối với shipper.
Lãnh đạo Công an Q.7 cho biết, khi thực hiện “trạng thái bình thường mới”, việc kiểm tra, kiểm soát tại các chốt vẫn được duy trì, gồm kiểm tra giấy đi đường và quét mã khai báo di chuyển nội địa, quét mã QR trên phần thông tin tiêm chủng. Q.7 đang thí điểm “thẻ xanh COVID” nên người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin có thể đi mua thuốc, đi ngân hàng, đi mua sách giáo khoa… Khi qua chốt, những trường hợp này sẽ được kiểm tra thông tin tiêm chủng và mã QR khai báo di chuyển nội địa.
Theo kế hoạch của UBND Q.7, sẽ có hơn 51.000 hộ thuộc 452 tổ dân phố “vùng xanh” của quận được đi chợ. Người dân sẽ được phát phiếu đi chợ mỗi tuần một lần. Người trực tiếp ra chợ cần đáp ứng điều kiện đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin COVID-19, tuân thủ 5K suốt thời gian đi chợ và chỉ đi chợ trong phường mình ở. Chính quyền địa phương sẽ phân chia thời gian đi chợ để đảm bảo giãn cách, tránh tập trung đông người.
Ông Võ Khắc Thái - Bí thư Quận ủy Q.7 - thông tin, “trạng thái bình thường mới” ở Q.7 được làm từng bước, không làm đại trà. UBND quận đang xây dựng phần mềm để cảnh báo người có “thẻ xanh” không được đi đến “vùng đỏ” hoặc ngược lại. Trong thời gian triển khai thí điểm “trạng thái bình thường mới”, UBND quận sẽ cập nhật, rà soát thường xuyên để đánh giá quá trình thực hiện và sẽ mở rộng dần số cơ sở hoạt động lại.
Được biết, đi kèm với việc mở cửa lại có kiểm soát, UBND Q.7 sẽ xem xét miễn, giảm thuế cho DN, hộ kinh doanh trong năm nay và quý I/2022, đồng thời đề xuất UBND TPHCM tiếp tục hỗ trợ các gói an sinh cho công nhân, người lao động; hỗ trợ các bộ kit xét nghiệm nhanh (ba ngày/lần) cho hộ kinh doanh trong tháng đầu.
Sơn Vinh
(Còn nữa)