Nhịp sống Hội

28/01/2017 - 13:00

PNO - Điểm son 2016 chưa bao giờ khép lại. Những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp vốn được “nghị quyết hóa” đang từng ngày bắt nhịp, triển khai và thẳng tiến vào cuộc sống năm 2017.

Lòng yêu thương, nhiệt thành, năng động của biết bao cán bộ, hội viên phụ nữ; sức sống của những mô hình, câu lạc bộ đội nhóm, cuộc vận động…chưa bao giờ ngưng nghỉ. Những “cuộc chiến” chống thực phẩm bẩn, chống bạo lực gia đình, chống đói nghèo, thất học lại đến từ ước vọng xây đắp, vì một bữa cơm sạch, vì một mái ấm bình yên, vì một cuộc sống no đủ, hạnh phúc…

Vãng gia, góp bình yên cho phố

Chi ngồi trước mắt tôi, 38 tuổi, mắt đầy vết chân chim, đôi tay sạm vì quanh năm đẩy xe hàng rong. Khuôn mặt Chi gầy gò, nhưng đôi mắt Chi đang lấp lánh niềm vui. Chi khoe với tôi mấy bộ quần áo mới vừa được một chị ở Hội Phụ nữ (PN) xã gửi tặng hai con.

Chi chính là người phụ nữ được cô Nguyễn Thị Giỏi, thành viên tổ tư vấn cộng đồng (TVCĐ) xã Tân Quý Tây, H. Bình Chánh cùng công an khu vực xông vào nhà ứng cứu vì bị chồng đánh đập, ép treo cổ cách đây vài năm.

Nhip song Hoi
Chị Phạm Kim Cương tại hội thi nấu ăn.

Cuộc giải cứu thành công. Chồng bị đưa ra giáo dục tại cộng đồng, Chi  cùng hai con được Hội LHPN xã và công an can thiệp cách ly với kẻ gây bạo lực. Sáu tháng trời ba mẹ con sống trong bình yên thì cũng trong sáu tháng đó, cô Giỏi vài ba hôm lại tạt ngang nhà coi chồng Chi sống ra sao, than trách điều gì.

Nhìn căn nhà trống trước hở sau, cô Giỏi xót xa hỏi, hổm rày, bây nhớ vợ con bây nhiều phải hông. Cái cúi đầu tủi hổ, ân hận thay cho cái gật, cô Giỏi mừng muốn rớt nước mắt, sẵn dịp, cô kể chuyện ba mẹ con, lồng vô cái trách nhiệm làm chồng, làm cha. Rời nhà, cô cầm theo mấy gói kẹo, bịch bánh của chồng gửi cho vợ, cha gửi cho hai con. Một chút an ủi, xoa dịu vợ, xích lại tình thâm. Sau sáu tháng, họ đoàn tụ
một nhà.

Cô Giỏi kể: “Tội thằng Ph., nghèo, ít học, không biết cách tỏ bày tình cảm với vợ con. Đi làm mệt bị bạn bè rủ rê nhậu nhẹt, về nhà muốn vợ chiều cũng không biết cách nên cưỡng ép, làm con Chi không chịu nỗi mới gây nhau mà xảy chuyện”… Sự thấu hiểu và đồng cảm đó của người TVCĐ đã cứu vãn một gia đình bên bờ vực.

Thế nhưng sau đó chỉ hai năm, anh Ph. mất vì bạo bệnh, Chi suy sụp tinh thần, cô Giỏi lại là chỗ dựa của chị suốt cho tới hôm nay. Có suất quà nhỏ hay học bổng nào, cô Giỏi và các chị cán bộ Hội ở ấp cũng nghĩ ngay đến Chi trước tiên. Chi nói: “Nhờ có mấy cô ở tổ TVCĐ, em mới được nếm trải hai năm hạnh phúc của tình chồng, nghĩa vợ. Các con mới có kỷ niệm đẹp về cha”.

Nếp nhà Chi đã yên, nhưng chiếc điện thoại nhỏ của cô Giỏi thì đêm nào, ngày nào cũng dồn dập chuyện đầu trên xóm dưới. Đó đây trong những nếp nhà còn những số phận phụ nữ nhọc nhằn, còn chuyện cơm chưa lành, canh chưa ngọt, cô và các chị ở tổ TVCĐ hãy còn thắc thỏm chưa yên…

Buổi sáng tháng Chạp 2016, tôi ngồi ở quán cà phê Nhóc trên đường Cao Lỗ, Q.8 hàng giờ liền chờ chị Phạm Ngọc Dung. Rồi chị đến, cùng với một người phụ nữ. Câu chuyện không đầu không kết, Dung ngồi lắng nghe, mái tóc kia, bờ vai nọ thỉnh thoảng lại rung lên, nấc một tiếng. Nín bặt.

Dung  nắm lấy đôi vai gầy guộc của người thiếu phụ, lấy khăn giấy cho chị lau gương mặt nhoẹt nhòe son phấn, tôi mường tượng một câu chuyện hết sức đau lòng như hàng chục câu chuyện hôn nhân mà chị Dung từng tham vấn từ khi chị bắt đầu với công việc không lương này ở tổ TVCĐ KP.1, P.4, Q.8.

Năm 47 tuổi, khi đang là cán bộ ngân hàng Công thương TP.HCM, chị Dung xin nghỉ hưu non để về chăm mẹ già bạo bệnh. Một lần đi sinh hoạt tổ dân phố, nghe chị em than khóc về chuyện bị bạo hành, Dung cứ ray rứt mãi. Gương mặt của người phụ nữ thâm tím, chị ám ảnh không thôi rồi lần tìm đến nhà người phụ nữ bất hạnh đó.

Những vết thương không hề tự vô ý gây nên, cơn cớ của những vụ bạo hành là sự bắt nguồn từ hai phía. Chị tận tình lắng nghe. Chị cẩn trọng tìm hiểu nguồn cơn. Chị xâu chuỗi và tìm ra những can thiệp, trước hết từ chính bản thân phụ nữ, kiểm soát cơn hờn giận, ghen tuông cũng như cách “đối trị” người đàn ông sau đó.

Và chị đã thành công. Khu phố chị ở đã thôi dần tiếng chửi bới, đánh đập, rượt đuổi. Có khi người ta tìm đến chị, có khi chị lặn lội đến tận nơi, miễn sao hóa giải những rắc rối lớn thành rườm rà nhỏ, xóa những gút mắc thành chuyện hiểu nhầm, bỏ qua, xóm giềng là chỗ thân tình sớm hôm - như nguyên tắc hoạt động của tổ TVCĐ. Chị trở thành tổ trưởng tổ TVCĐ KP.1 từ đó.

Đầu tháng 12/2016, chị Dung tham gia khóa tập huấn công tác tham vấn vãng gia do Hội LHPN TP.HCM tổ chức. Những kiến thức được hệ thống, những phương thức tiếp cận bài bản đều được chị và các học viên lĩnh hội và từng bước ứng dụng. Nhưng tôi tin chắc một điều, có một bài học mà Dung cũng như bao thành viên tự nguyện tham gia tổ TVCĐ đã nằm lòng, đó chính là tiếng kêu của những phận đời khốn khó, những hoàn cảnh nghiệt ngã, nó không chờ cũng chẳng đợi cho thông suốt hết mọi bài bản, kỹ năng huấn luyện.

Nó trực chỉ từ trái tim đến trái tim, nó khiến Dung và những cộng sự thức giấc nửa khuya, bươn mình trong đêm, miễn chỉ để níu giữ một hoàn cảnh đang khốn cùng, vô vọng. Ánh sáng lóe lên từ trong cái hốc tối bé nhỏ ấy…

Những "chiến binh" vì sức khỏe cộng đồng

Còn nhớ khi trao đổi kinh nghiệm về việc tiếp cận tiểu thương vận động làm công tác Hội, chị Đinh Thị Cẩm Minh - Chủ tịch Hội PN chợ Bình Chánh truyền ngay bí quyết: “Cứng rắn, bản lĩnh, cương nhu đúng lúc. Ở chợ, không cho bạn cái quyền quá dịu dàng. Chuyện kinh doanh là nồi cơm, manh áo của tiểu thương, Hội vào cuộc tuyên truyền chống thực phẩm bẩn mà nhẹ nhàng, e thẹn là không làm xuể”.

Cuối năm 2015, khi vào cuộc cùng Hội LHPN Q.10 với các hội viên, PN phát tờ rơi an toàn vệ sinh thực phẩm, chống thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng gian, chị Nguyễn Thị Huyền Trân, Phó trưởng ban quản lý chợ, kiêm Chủ tịch Hội PN chợ Nguyễn Tri Phương đã đau đáu tâm tư: “Nếu cứ tuyên truyền ra rả, xơi xơi thế này, biết bao giờ ra kết quả”.

Nhip song Hoi
Quầy rau sạch của chị Sen.

Mang câu hỏi làm sao để xây dựng cho chợ có những điểm kinh doanh rau sạch, chị hiến kế rồi cùng bàn với quận hội và BQL chợ. Sau nhiều tháng quyết tâm, chuẩn bị vận động, cuối năm 2015, toàn bộ 29/29 điểm kinh doanh thịt của chợ đều bán thịt sạch, an toàn của Vissan. Vui đó, nhưng rồi trăn trở liền ngay đó. Bởi như lời Trân: “Trên mâm cơm đâu chỉ có mỗi món thịt?”.

Đau đáu tâm tư, lại cùng ngồi bàn bạc. Nhiều tiểu thương bán rau củ của chợ cứ lăn tăn: “Giá cao ngất vậy làm sao dân nào mua nổi”. Nhưng rồi cũng có nữ chủ tiểu thương chịu “xăm mình” cùng Hội, đó là chị Cao Thị Sen. Tháng 3/2016, điểm kinh doanh rau an toàn đầu tiên của chợ đã đựơc ra mắt tại sạp rau 229B, của Sen. Từ đó đến nay là những ngày tháng dài cả Hội pN chợ cùng Hội LHPN Q.10 đồng hành cùng chị Sen bán rau sạch.

Chị Ứng Thị Liên, sinh năm 1955, chủ sạp bánh mứt số 0419 ở chợ Bình Tây đã gắn cả đời với chợ từ những năm đầu sau giải phóng. Cũng nhờ có nghề, có chợ chị nuôi hai con trưởng thành, xây dựng gia đình bền chặt, ấm no.

Thế nhưng chưa bao giờ cảm thấy đuối với nghề như giai đoạn 5 năm trở lại đây. Chuỗi siêu thị mọc lên như nấm, cạnh tranh khốc liệt khách hàng. Người dân chao đảo niềm tin dùng hàng ngoại nhập, dù có xuất xứ, tem chống hàng giả… Các con chị van mẹ về nhà nghỉ ngơi, chồng kêu vợ “về vườn” mà an hưởng. Chị cũng nghĩ tới nghĩ lui, rồi nghĩ, mình là tổ trưởng ngành hàng bánh kẹo, khi mới chớm khó khăn, mình bỏ cuộc vậy làm sao các chị em khác chịu xiết. Không thể ngồi yên, chị yêu cầu các đối tác cho tham quan khu xưởng sản xuất, tận mắt nhìn từng khâu tuyển lựa sản phẩm, sên ngào cho đến khâu thành phẩm từng gói mứt… Thấy, tin, chị mới ký tiếp hợp đồng.

Trước việc bùng nổ thông tin như hiện nay, chị cùng nhiều tiểu thương nhanh chóng mở rộng các hình thức thức cạnh tranh. Các chị lập facebook chia sẻ thông tin, giá cả, liên kết chống hàng giả, hàng gian… Mỗi đêm về nghĩ ra được một mẹo gì hay để quảng bá sản phẩm, chị lập tức inbox chia sẻ với các chị trong tổ ngành hàng. 

Chị nói: “Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn là một cuộc chiến khó khăn, Hội không thể để những tiểu thương chúng tôi (vốn chỉ là khâu trung gian đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng) hoặc các bà nội trợ đơn độc chiến đấu mà phải cùng chúng tôi vào cuộc, định hướng cho chúng tôi, nói rõ chúng tôi phải phải làm gì, làm thế nào…

Trong cuộc chiến không cân sức giữa những người mải mê trục lợi, bất chấp sức khỏe, tính mạng của người khác, rất cần sự tĩnh tại, dẻo dai và tâm huyết, tôi rèn giữ sức mình cho cuộc chiến này cùng Hội”.

Gia đình chị Lư Hồng Ngọc theo nghề chăn nuôi heo sạch nay hơn 10 năm. Ấy vậy mà bà chủ trang trại chăn nuôi heo sạch ấy (xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi) có lúc phải rớt nước mắt vì những khốn khó, lao đao trong nghề.

Được Hội LHPN Q.10 hỗ trợ mở điểm kinh doanh thực phẩm sạch tại số 270 Nguyễn Duy Dương P.4, Q.10, nhưng đầu tháng 12 này, chị phải tạm đóng cửa hàng vì nhiều nguyên do cho dù ngay thời điểm ấy, trang trại gia đình chị vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap.

Chị nói: “Sức Hội và sức mình đều mỏng manh, cạnh tranh không nổi. Ban đầu mở cửa hàng tôi mong thịt sạch đến được với người cần nó nhất, nhưng rồi khi đứng cửa hàng tôi mới biết tự mình xẻ thịt, bán hết một con heo khó vô cùng. Nhiều phần của con vật này bị kén chọn và từ chối mua.

Hiện tôi phải chọn cách bán nguyên con heo để các mối về tự xẻ thịt bán ra bên ngoài và vẫn mãi suy nghĩ một hướng ra cho đường dây thịt sạch đến tay bà nội trợ thông minh, kiên trì bảo vệ sức khỏe người thân của chính mình”.

Cùng nữ công nhân hội nhập cuộc sống đô thị

20 tuổi, giống như nhiều cô gái quê mình, Lê Lý Ngoan từ Tiền Giang chân ướt chân ráo lên Sài Gòn mong tìm lấy một công việc để giúp đỡ gia đình. Cũng trầy trật mất một thời gian mới ổn định cuộc sống nơi xứ lạ. Bảy năm sau, Ngoan lấy chồng. Hai vợ chồng trẻ thuê một căn phòng trọ ở lại Sài Gòn.

Đồng lương công nhân của cả hai chẳng bao nhiêu nhưng vì biết cách chi tiêu, vun vén mà cuộc sống cũng ổn. Hai đứa con lần lượt ra đời góp vào gia đình nhỏ tiếng nói tiếng cười trong trẻo. Nhưng hạnh phúc chẳng được bao lâu thì tai nạn bất ngờ ập đến. Chồng Ngoan ra đi bỏ lại chị cùng hai đứa con mà đứa nhỏ chỉ mới 15 tháng tuổi chưa một lần được gọi tiếng cha.

Vì con, Ngoan không cho phép mình buông xuôi. Ngoan quyết định gửi con về quê nhờ bà chăm sóc. Có cơ hội là Ngoan tăng ca, vừa kiếm thêm chút tiền nuôi con, vừa lấp đầy khoảng trống đau buồn. Ngoan kể, chị đã nhận được sự cảm thông, chia sẻ hết lòng từ những con người nơi mảnh đất tạm cư, mà người đầu tiên phải kể đến là chủ nhà trọ nơi chị sống.

“Cô không chỉ giảm tiền nhà mỗi tháng mà còn động viên mình đứng dậy, kéo mình đi nghe những chuyên đề sinh hoạt của Hội Phụ nữ để mình nguôi ngoai. Ở đó, mình gặp nhiều chị em phụ nữ, có người cũng hoàn cảnh lắm nhưng họ đã vượt qua. Lúc đó, mình nghĩ phải mạnh mẽ hơn nữa”.

Những món quà Hội vào dịp lễ tết cho công nhân xa nhà, những buổi sinh hoạt văn nghệ được tổ chức cho công nhân… đã động viên tinh thần, khiến chị bớt đi cảm giác bơ vơ, lạc lõng khi một thân một mình trên đất Sài Gòn.

Hoàn cảnh của Phạm Thị Kim Cương thì lại khác. Chia tay chồng khi đứa con mới lên hai tuổi, Cương cố gắng giành lấy quyền nuôi con, đồng nghĩa với việc người mẹ trẻ phải vật lộn với cuộc sống đắt đỏ, gửi con chỗ rẻ tiền thì không an tâm mà ôm con bên mình thì chỉ còn nước đói.

Nhờ chủ nhà trọ, vốn là thành viên của CLB Nữ chủ nhà trọ (thuộc Hội LHPN TP), chị gửi con vào điểm giữ trẻ cộng đồng, chi phí thấp, chất lượng đảm bảo. Con vào tiểu học, mẹ vẫn đều đặn, yên tâm đến xưởng, cả những ngày tăng ca về  muộn, “Nhìn con bé được cho ăn uống, tắm rửa sạch sẽ, tự giác ngồi vào bàn học, không còn niềm vui nào hơn. Có hôm, con hư, cô chủ nhà trọ còn la rầy, dạy dỗ giúp tôi”. 

Câu chuyện của Kim Cương làm tôi chợt nhớ lời chị Đỗ Kim Hoàng, chủ nhà trọ 156 Lê Đình Cẩn, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân: “Không thương chúng, không rầy rà, ngăn cản chúng, chúng làm bậy, mình lên phường bảo lãnh, thăm nuôi chăm sóc còn mệt hơn”. Với chị Hoàng, những công nhân ở trọ như con, như cháu. Còn với họ, chỗ trọ chính là nhà, là tình thân ấm áp… 

Nghi Anh - Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI