Nhịp điệu Hoàng Sa

17/02/2016 - 08:02

PNO - Tàu bắt đầu nổ máy vươn khơi. Một mùa biển mới bắt đầu với bao lo toan và hy vọng.

Nhip dieu Hoang Sa
Lộc biển đầu năm

Không cần vài bữa nữa. Những làng chài ven miền Trung đã vào mùa lễ hội cúng biển rồi ra khơi. Từ sáng mùng sáu, hàng chục tàu công suất lớn đi qua Hoàng Sa ở xã Tam Quang - H. Núi Thành - Quảng Nam, sau lễ cầu ngư đã đồng loạt ra khơi.

“Một ký bao nhiêu?”. “35 ngàn”. “Ruốc chứ vàng đâu mà hô cho lắm”. “Vàng đó”. Người đàn ông đứng dưới thuyền bật cười, vừa gồng mình đưa mấy con cá ngừ lớn lên. “Cá ngừ bao nhiêu?”. “110 ngàn”. “Kiểu ni đem qua Mỹ mà bán chứ ai mua nổi”. “Thôi mấy bà, ra Đà Nẵng giá lên gấp đôi, ở đó õng ẹo”.

Tôi ngó mấy bà dùng dằng rồi cũng đưa tay bắt lấy rổ ruốc còn tươi. Cá hố, ngừ, cá chai… tươi xanh. Những con mực còn óng ánh sao. Đây là tàu đánh bắt bãi ngang gần bờ. Họ đi từ vài hôm trước, cập cảng An Lương khi sương còn kín mặt biển. Ở đó, tiểu thương và bà con đi chợ cũng đã chực chờ.

Người đàn ông vừa cười tên Nguyễn Ta, chủ tàu Qna 3439 ở Duy Hải - H.Duy Xuyên - Quảng Nam. Nhảy lên cầu cảng, ông xòe bàn tay chai cứng: “Cuối năm biển động, lạnh quá không đi được, nên mù ng Bốn tết tụi tôi đã xuất bến. Phiên biển đầu năm chưa trúng nhiều, nhưng cũng có cái bán. Thời tiết năm nay bất thường quá, dân biển không làm theo thói quen truyền thống nữa, mà cứ nhắm thời tiết tốt là đi.

Dân có ghe bãi ngang không chiếc nào nằm bờ, có ông nổ máy mùng Hai. Tết hả, năm ngoái tụi tôi ăn tết trên biển, nay đi sớm, vừa đánh cá vừa vui tết, cái nghề quanh năm không nghỉ đâu anh. Đi mấy ngày, kiếm được mấy triệu, vậy là có lộc rồi, làm ăn lâu dài mà”. “Năm nay anh có đi xa không?”. “Đang chung tiền đóng tàu lớn đi Hoàng Sa”.

“Sao cá, ruốc đắt quá?”. “Phiên đầu mùa đó anh, chớ ít bữa là hạ liền, năm ngoái trúng khẳm ghe, bán rẻ như cho”, bà Trần Thị Hạnh, một tiểu thương, vừa trút cá cho khách, vừa trò chuyện. Ông Ta chen vào: “Tết mà, vài bữa thôi, chứ rồi cũng ổn giá, ghe thuyền đông, từ cữ này trở lên tháng Tám, đâu có hét giá được; xăng dầu hạ, Nhà nước hỗ trợ, trên bờ dưới nước mua bán chi cũng vừa phải thôi mới có kẻ mua người bán chứ chẳng ai một thuyền một chợ được”. “Ngư trường càng ngày càng cạn kiệt phải không anh?”. “Ừ, tụi tôi không thể quanh quẩn nữa, phải đi xa bờ mới làm ăn được”.

Ngư dân gặp khó về ngư trường, thường xuyên bị tàu Trung Quốc uy hiếp. “Còn nữa anh, nghị định 67 cho dân vay đóng tàu sắt thủ tục rườm rà, giấy tờ tùm lum”, ông Nguyễn Văn Thống, chủ tịch xã Duy Hải than phiền. “Nhưng xã tôi đang đóng ba tàu công suất lớn đi Hoàng Sa đánh bắt. Muốn hay không cũng là làm ăn và bảo vệ ngư trường của mình. Vài bữa nữa anh xuống coi lễ cầu ngư xuất bến đi Hoàng Sa, vì tàu xa bờ ăn tết kỹ lắm, cúng kính càng kỹ”.

Nhip dieu Hoang Sa

Ông Bùi Ngọc Dũng, chủ tàu cá QNa 91297 công suất 810CV, cho hay năm nay nhiều chủ tàu quyết định ra Hoàng Sa sớm hơn mọi năm: “Đầu xuân, mẹ biển hay ban phát tài lộc. Các loài cá nổi như cá nục, cá ngừ hay xuất hiện. Mình đi chuyến mở biển được mùa thì sẽ yên tâm năm sản xuất đạt ước nguyện”. Tư duy người làm biển đã thay đổi, không nhất thiết phải chờ qua rằm tháng Giêng như bao đời nay. Đội tàu C10 ở xã Duy Vinh đã ra xuất bến.

“Mùa biển của chúng tôi đã chính thức bắt đầu”, ông Trần Đậu, chủ tàu cá QNa 92933 nói. Đội tàu trên làm nghề lưới rê hỗn hợp, năm qua họ làm ăn khá thành công. Cả những người đã từng bị chìm tàu do bão trong năm rồi, vẫn không nao núng. “Thua keo này bày keo khác - ngư dân Trần Công Tăng (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, H.Núi Thành), chủ ba phương tiện QNa 90208, QNa 90207 và QNa 90406 đều có công suất 180CV nói qua điện thoại từ trưa mùng Sáu tết - tụi tôi đi ngay bây giờ. Năm ngoái tàu tôi bị chìm ở Quảng Trị thiệt hại mấy trăm triệu đồng. Nay tôi sửa tàu đó rồi, năm nay làm ăn kiểu mới là đi theo mô hình tổ, đội đoàn kết, hỗ trợ nhau đánh bắt”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI