PNO - Cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022" đã khép lại năm đêm thi với phần tranh tài của 27 thí sinh. Đêm công bố và trao giải diễn ra tối 31/10 tại Nhà hát TP.HCM được kỳ vọng sẽ tôn vinh những cá nhân xứng đáng ở một mùa giải được đánh giá cao về nhiều mặt.
So với mùa giải năm 2020, nhiều người trong nghề nhận định cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022" hoàn thiện hơn ở công tác tổ chức lẫn nâng cao về chất lượng. Như nhận định ban đầu, những thí sinh nổi bật đều chứng tỏ được năng lực, đồng thời thể hiện sự tiến bộ về chuyên môn lẫn tư duy làm nghề qua quá trình rèn luyện.
Võ Minh Lâm là một trong những ngôi sao sáng của sân khấu cải lương hiện nay
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm trong vai Cố Sầu (trích Chuyện tình Khau Vai) đã thành công trong việc nâng chất một vai diễn cũ của chính mình. Tiết mục được bổ sung, dàn dựng lại đã giúp anh thể hiện trọn vẹn thế mạnh giọng ca nội lực, diễn xuất biến hóa, bản lĩnh sân khấu vững vàng...
NSƯT Lê Trung Thảo lại là “hoa nở muộn”. Bền bỉ lăn lộn trong nghề 20 năm mới gặt hái “quả ngọt”. Rất sáng sân khấu nhưng lại thất thế ở giọng ca, Lê Trung Thảo bù đắp bằng việc đào sâu diễn xuất, chọn cách ca phù hợp từng nhân vật. Từ những vai diễn với tạo hình, phục trang bắt mắt buổi đầu, về sau anh chủ động chọn những hình tượng đa dạng, có chiều sâu hơn. Để bổ khuyết cho mình, Lê Trung Thảo cũng theo đuổi việc học hơn 10 năm trời, từ lớp đào tạo diễn viên cải lương đến đạo diễn sân khấu, rồi biên đạo múa. Ở vòng chung kết vừa qua, Lê Trung Thảo dự thi vai Lê Quýnh từ tiết mục Lưu vong do chính anh viết và dàn dựng. Một lần nữa, Lê Trung Thảo khẳng định sự đa năng của mình. Cả ba vai trò diễn viên, đạo diễn, lẫn biên kịch, anh đều làm rất tốt.
Những năm qua, Minh Trường nổi lên là một gương mặt nghệ sĩ đa dạng, thể hiện tốt cả vai bi, độc lẫn hài. Tuy nhiên, chất giọng hào sảng đặc trưng là thế mạnh cũng phần nào hạn chế anh ở các vai lão, thư sinh hay nhân vật quá lành tính. Ở lần thi này, Minh Trường bỏ qua sở trường độc - mùi mà chọn thể loại “kép lão” xem như thử thách chính mình. Qua hai vòng thi, không chỉ vòng sau tốt hơn vòng trước, mà bằng hai vai diễn khó là Nguyễn Trãi (trích đoạn Đêm trước ngày hoàng đạo) và Trần Thặng (trích đoạn Kẻ sĩ Thăng Long), Minh Trường cũng khẳng định khi đã nỗ lực học hỏi và mong muốn tự hoàn thiện, thì không có nhân vật nào có thể làm khó mình.
NSƯT Lê Trung Thảo được đánh giá cao ở sự đa năng trong vai trò đạo diễn, biên đạo, diễn viên và cả sáng tác kịch bản
Trong các gương mặt ấn tượng nhất cuộc thi phải kể đến Huỳnh Tiểu Nhi - cô đào trẻ của Đoàn cải lương Hương Tràm - Cà Mau. Tiểu Nhi đã nối tiếp xứng đáng những đàn chị Lịch Sử, Hoa Phượng, Trúc Ly, tiếp tục khẳng định “thương hiệu” Hương Tràm - Cà Mau trong lòng khán giả mộ điệu. Vào vai Loan (trích đoạn Ảo vọng) mang số phận cực nhục của người con gái lấy chồng xứ lạ, Tiểu Nhi với giọng ca trong trẻo, diễn xuất mộc mạc nhưng đầy cảm xúc đã làm người xem thương cảm, đau lòng cùng nhân vật.
Nguyễn Văn Mẹo, Nguyễn Văn Khởi, Nhật Nguyên… cũng thể hiện sự nỗ lực và tiến bộ về diễn xuất, dần cởi bỏ danh hiệu “chuông vàng” để từng bước tiến trên con đường trở thành nghệ sĩ cải lương thực thụ…
Qua cuộc thi, có thể thấy một lớp nghệ sĩ đã trưởng thành cùng những nhân tố vẫn còn nhiều không gian phát triển. Đáng mừng nữa là các nghệ sĩ đều thể hiện niềm say nghề mãnh liệt cũng như ý thức được vai trò người nghệ sĩ cải lương trong thời đại số phải nỗ lực hơn rất nhiều lần để giữ nghề, cũng là giữ gìn tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống. Như NSƯT Lê Trung Thảo khẳng định: “Khi cải lương vẫn giữ được bản sắc của chính mình, thì hoàn toàn không sợ bị mai một”.
Huỳnh Tiểu Nhi là gương mặt tiêu biểu của cải lương miền Tây tại mùa giải năm nay.
Còn những nỗi lo… cũ
Tuy nhiên, nhìn xa hơn, cuộc thi cũng một lần nữa bộc lộ những thiếu hụt về nhân lực, khi số lượng thí sinh dự thi vai đào - kép mùi chiếm tỷ lệ áp đảo. Còn lại các loại vai lão - mụ, hài - lẳng và độc khá ít. Thậm chí nghệ sĩ Hà Như và Thanh Đông “đơn thương độc mã” ở thể loại đào độc và kép hài. Vai kép độc cũng chỉ có hai thí sinh là nghệ sĩ Khánh Tuấn và Nguyễn Văn Mẹo.
"Tôi là kép tỉnh, cũng từng cảm thấy tự ti với các đồng nghiệp ở TP.HCM. Sau khi đạt giải Trần Hữu Trang, tôi may mắn được đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, các biên tập viên HTV, VTV mời tham gia các vở diễn. Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang lúc bấy giờ là cố nghệ sĩ Phan Quốc Hùng cũng tạo cơ hội cho tôi cộng tác biểu diễn với nhà hát. Lãnh đạo Đoàn cải lương Hương Tràm - Cà Mau, nơi tôi đang công tác cũng tạo điều kiện cho tôi ra ngoài cọ xát, học hỏi.
Hy vọng các em bây giờ cũng có được cơ hội như tôi ngày trước. Tôi nghĩ cần có sự kết hợp biểu diễn giao lưu giữa các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, nhất là ở TP.HCM với các nghệ sĩ tỉnh. Đừng làm tuồng cũ, hãy làm tuồng mới, và “đo ni đóng giày” để các em phát huy năng lực, tạo dấu ấn mới".
NSƯT Hoàng Nhất
Đội ngũ đạo diễn cải lương lại càng trống vắng. Nhiều tiết mục hầu như không có dấu ấn dàn dựng, bê nguyên xi hoặc cắt ghép vội vàng các lớp diễn trong tuồng làm vai diễn hụt hẫng, thậm chí có lúc lép vế so với phụ diễn. Không ít tiết mục dàn trải, thiếu điểm nhấn, hay lạm dụng độc diễn, trong khi thí sinh chưa đủ năng lực một mình làm chủ sân khấu.
Ngược lại, có những thí sinh lại sa đà và “chìm” vào mảng miếng dàn dựng. Thí sinh Hàn Ni hoàn toàn bị vũ đạo và những mảng dựng rất khó của cải lương tuồng cổ “nuốt chửng”, khi chọn vai Quận chúa Huyền Nga (trích đoạn Bão táp Nguyên Phong) - vai diễn kinh điển trên sân khấu cải lương tuồng cổ và cũng chỉ số ít nghệ sĩ “con nhà nòi” thể hiện thành công. Tương tự, thí sinh Phương Anh dự thi vai Lê Quyết (trích đoạn Trời Nam) cũng bị cuốn vào trình thức biểu diễn tuồng cổ vốn không phải sở trường mà đánh mất chính mình. Quá nhiều mảng miếng dàn dựng cũng làm lớp diễn của thí sinh Như Huỳnh rối rắm nhưng lại thiếu chiều sâu…
Giúp các nghệ sĩ phát triển hơn
Một mùa giải Trần Hữu Trang nữa qua đi, và việc làm sao để phát huy được lực lượng nghệ sĩ đã khẳng định năng lực qua cuộc thi lại là câu hỏi lớn cho người làm nghề lẫn nhà quản lý. Kết thúc mùa giải năm 2020, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đã giao Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức chuỗi chương trình quảng bá, nhằm tôn vinh và lan tỏa các gương mặt đạt giải cao.
Nghệ sĩ Minh Trường đang bước vào độ chín của nghề nghiệp
Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở những đêm diễn mà người nghệ sĩ thể hiện lại vai diễn đạt giải thì chưa đủ. “Cuộc thi của chúng ta đã lựa chọn và tôn vinh đủ các dạng vai: đào - kép mùi, đào - kép độc, kép lão - đào mụ, kép hài - đào lẳng. Tất cả đủ cơ cấu vai cho một vở cải lương hoàn chỉnh. Vậy tại sao không thực hiện một vở cải lương hoàn toàn mới cho toàn bộ lực lượng được tôn vinh, để các bạn tạo dấu ấn riêng cho mình qua vai diễn mới?” - nhà báo Thanh Hiệp đề xuất.
“Qua cuộc thi, càng thấy rõ sự thiệt thòi của các nghệ sĩ ở tỉnh. Thiếu sàn diễn, thiếu cơ hội cọ xát, nếu chỉ tự hát tự xem, thì rất khó cho các em phát triển nghề nghiệp. Cần một cơ chế, một môi trường giao lưu rộng mở để các em có điều kiện biểu diễn cọ xát, học hỏi cùng nhau, nhất là với lực lượng nghệ sĩ năng động của TP.HCM” - NSƯT Kim Phương nêu ý kiến.
Trong hàng loạt cuộc thi tài năng, liên hoan sân khấu… dành cho cải lương, giải thưởng "Tài năng diễn viên cải lương Trần Hữu Trang" sau hai mùa thi đã khẳng định tính tích cực của mình. Không dừng lại ở những chiếc huy chương, giải thưởng dành cho những gương mặt xuất sắc, điều được kỳ vọng nhiều hơn là những tài năng vừa tỏa sáng tại cuộc thi sẽ có môi trường, điều kiện làm nghề để tiếp tục vươn lên, trở thành những ngôi sao của sân khấu cải lương.
Nhiều tọa đàm/hội thảo về tác giả - tác phẩm được tổ chức tại TPHCM và Hà Nội dành cho những tên tuổi lớn: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đình Thi…